(SGTT) - Sở Y tế TPHCM vừa kiến nghị với Bộ Y tế cho phép thành phố thí điểm rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng đã tiêm 2 mũi vắc-xin và có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày thứ 7.
- Cùng tưởng nhớ hơn 23.000 đồng bào đã mất trong đại dịch Covid-19
- Nguy hiểm tiềm ẩn với phương pháp lột da làm trắng cấp tốc
- Báo động về kháng thuốc kháng sinh tại Việt Nam
Sở Y tế TPHCM kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 7 ngày với F0 không triệu chứng đã tiêm đủ vắc-xin và kết quả âm tính vào ngày thứ bảy, VTC News đưa tin.
Đề xuất được Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng nêu trong công văn kiến nghị rút ngắn thời gian cách ly tập trung gửi Bộ Y tế hôm 18-11. Động thái này được ngành y tế thành phố đưa ra nhằm giảm tải cho các khu cách ly tập trung, tăng hiệu quả công tác chăm sóc, điều trị F0.
TPHCM tiêm vắc-xin Covid đợt hai cho trẻ từ ngày 22-11
Theo Vietnamnet, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố sẽ tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 2 cho trẻ em, từ ngày 22-11 đến 28-11.
Theo đó, tất cả trẻ từ 12-17 tuổi sinh sống, học tập trên địa bàn thành phố, đã tiêm mũi 1 và đủ thời gian tiêm mũi 2 sẽ được tiêm trong đợt này. Trẻ đã tiêm mũi 1 tại tỉnh thành khác, hiện đang ở TPHCM cũng thuộc đối tượng tiêm chủng.
Ngày 19-11, cả nước ghi nhận 9.617 ca Covid-19, 102 ca tử vong
Theo bản tin dịch Covid-19 của Bộ Y tế, tính từ 16:00 ngày 18-11 đến 16:00 ngày 19-11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.625 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 9.617 ca ghi nhận trong nước (giảm 592 ca so với ngày trước đó) tại 57 tỉnh, thành phố.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Cần Thơ tăng 117 ca, Cà Mau tăng 112 ca và Bạc Liêu tăng 111 ca mắc Covid-19. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.218 ca/ngày.
Về số ca tử vong, ngày 19-11, cả nước ghi nhận 102 ca tử vong tại TPHCM (55), Đồng Nai (12), Tiền Giang (12), Bình Dương (5), Bạc Liêu (4), Tây Ninh (2), Bình Thuận (2), Đồng Tháp (2), Kiên Giang (2), Cần Thơ (2), Bình Định (1), Lâm Đồng (1), Bình Phước (1) và Long An (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 93 ca.
TPHCM cho học sinh lớp 9 và 12 đến trường trước
Theo VnExpress, ngày 19-11, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM trong buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đến trường từ 10-12 với điều kiện tiêm đủ vắc-xin ít nhất 14 ngày, ở địa phương có dịch cấp độ 1 và 2.
Kế hoạch dạy và học trực tiếp dự kiến hoàn thiện trong tuần này, được yêu cầu tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Theo lộ trình tổ chức học trực tiếp được Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo sáng nay, việc tập huấn cho cán bộ, giáo viên công tác phòng chống dịch sẽ diễn ra vào đầu tháng 12, họp phụ huynh học sinh khối 9 và 12 trước ngày 5-12. Học sinh trở lại học trực tiếp từ ngày 10-12, ban đầu là khối 9 và 12, tiếp đó mở dần các khối khác.
Theo ông Mãi, khi hội đủ các yếu tố trên, ngành giáo dục thí điểm mở cửa trường với lớp 9 và 12 ở những địa bàn vùng xanh ổn định, thầy cô và học trò ít có sự xáo trộn qua lại. "Các em đủ lớn để có sự chủ động trong các tình huống", ông Mãi nói.
Người đứng đầu TPHCM cũng yêu cầu nghiên cứu phương án mở cửa thí điểm trường mầm non với nguyên tắc có sự đồng thuận cao từ phụ huynh. Nếu kết quả thí điểm tốt sẽ đánh giá để tiếp tục triển khai.
Lạm dụng thuốc kháng sinh điều trị Covid-19 sẽ gây kháng thuốc
Theo VnExpress, TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, phát động Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh toàn cầu, ngày 18-11 cho biết tình trạng kháng kháng sinh xảy ra khi vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Theo ông Thái, tình trạng kháng thuốc có xu hướng tiếp tục tăng do việc sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh trong đại dịch Covid-19 cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo. Covid-19 là do nCoV gây ra, vì vậy kháng sinh không có tác dụng chống lại virus. Lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến kháng thuốc, làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của bệnh nhân và tăng chi phí điều trị.
TPHCM cần thêm 100.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir
Theo Tuổi trẻ Online, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng vừa ký văn bản khẩn gửi Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) về việc hỗ trợ thuốc Molnupiravir dùng trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại các cơ sở y tế thành phố.
Sở Y tế TPHCM cho biết đơn vị và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát bằng thuốc Molnupiravir cho các bệnh nhân Covid-19 nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TPHCM, theo đề án nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Theo đó, TPHCM đã được Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cấp 110.000 liều Molnupiravir (gồm 50.000 liều Molnupiravir 400mg Stella Việt Nam và 60.000 liều Molnupiravir 200mg Optimus Ấn Độ).
Hiện Sở Y tế TPHCM đang còn 2.000 liều Molnupiravir và sẽ cấp phát hết trong 2 ngày nữa. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân, sở kính đề nghị thứ trưởng Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo xem xét cấp bổ sung 100.000 liều Molnupiravir cho thành phố điều trị các F0 có triệu chứng nhẹ.
Minh Thảo tổng hợp