Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

TPHCM lập tổng đài tư vấn sức khỏe miễn phí

Hội Y học phối hợp với Sở Y tế và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM lập tổng đài tư vấn sức khỏe do bác sĩ chuyên gia đầu ngành phụ trách, miễn phí cước gọi.

Theo thông tin trên báo điện tử Vnexpress, người dân khi có nhu cầu tư vấn về sức khỏe có thể gọi vào đường dây số 1022, nhấn phím số 5 và làm theo hướng dẫn. Phí cước cuộc gọi hoàn toàn miễn phí.

Một tình nguyện viên gọi điện tư vấn sức khỏe cho người dân TPHCM. Ảnh: tuoitre.vn

Chẳng hạn, khi có nhu cầu cần tư vấn về bệnh đường thở, đường hô hấp, người dân gọi vào số 1022, nhấn phím số 5 và nhấn tiếp phím số 2 để được PGS. TS. BS Trần Văn Ngọc phụ trách tư vấn.

Ngoài ra, với các thắc mắc về bệnh tim mạch, huyết áp; bệnh nhi khoa; bệnh tiêu hóa, mạch máu, cơ xương khớp… người dân cũng có thể gọi lên tổng đài để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn.

Theo báo Tuổi trẻ, đường dây này đã hỗ trợ nhiều người bệnh thông qua việc trao đổi trực tiếp để tìm hiểu vấn đề sức khỏe của họ; từ đó hướng dẫn dùng thuốc, tư vấn về lối sống, chế độ ăn uống, luyện tập, chỉ định thăm khám hay xét nghiệm bổ túc hoặc giúp chuyển bệnh đến cơ sở điều trị thích hợp.

Theo thông tin từ Hội Y học, sẽ có khoảng 200 bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm của Hội sẽ tham gia tư vấn vào tất cả các ngày trong tuần, theo khung giờ 8:00-10:00, 14:00-16:00, 19:00-21:00.

Trong giai đoạn giãn cách xã hội, kênh tổng đài này cũng là nơi tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân trong phòng, chống bệnh Covid-19. Các chuyên gia y tế tư vấn, hướng dẫn cách xử lý khi mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19, cách chăm sóc sức khỏe cho F0, F1 tại nhà.

Tổng đài điện thoại 1022 là kênh thông tin được UBND thành phố giao nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý các phản ánh từ người dân nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ và đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe.

Những triệu chứng thường xuất hiện khi nhiễm biến thể Omicron

Ngoài các triệu chứng chính là ho khan và ngứa họng, những người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 còn có thể bị các triệu chứng khác như mệt mỏi, nghẹt mũi/chảy nước mũi, khó thở, tiêu chảy hoặc mất vị giác/khứu giác.

Điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo báo cáo sơ bộ của Cơ quan kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Anh mới công bố, trong số 43 ca nhiễm Omicron được nghiên cứu, có 7% là không triệu chứng hoặc triệu chứng “không rõ”.

Còn lại trong số 93% số ca có xuất hiện triệu chứng, các triệu chứng nổi bật nhất là ho (89%), mệt mỏi (65%), nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi (59%). Các triệu chứng khác cũng xuất hiện là khó thở (16%), tiêu chảy (11%), mất vị giác hoặc khứu giác (8%).

Báo điện tử Tin tức dẫn lời báo cáo của CDC Anh thông tin thêm, trong số những ca nhiễm đầu tiên, nhiều ca có vẻ nhẹ hơn so với trường hợp nhiễm các biến thể khác, dù rằng từ khi nhiễm đến khi xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, nếu có, thường phải mất một thời gian…

Ngoài ra, các triệu chứng ở những người đã tiêm vắc-xin hoặc đã từng nhiễm Covid-19 được cho là nhẹ hơn so với những người chưa tiêm.

Cũng theo báo Tin tức, chủng Omicron lây lan nhanh hơn các biến thể trước, nhưng đến nay chưa có nhiều ca nhiễm biến thể này phải nhập viện. Dù vậy, việc biến thể có khả năng lây lan nhanh có thể gây quá tải cho hệ thống y tế.

Hôm nay 13-12, nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, hôm nay nhiều tỉnh, thành đã cho học sinh quay lại trường học.

Theo đó, tại TPHCM có hơn 100.000 học sinh khối lớp 9 và 12 đến trường học trực tiếp sau hơn 7 tháng học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh quay trở lại trường, các trường học đã dọn dẹp lớp học cũng như lên các kịch bản ứng phó với dịch bệnh có thể xảy ra.

Theo kế hoạch, TPHCM thí điểm mở cửa trường đón học sinh mầm non, lớp 1, 9 và 12 đến học trực tiếp từ ngày 13-12, nhưng việc thí điểm cho học sinh lớp 1 và trẻ mầm non đến trường đã gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Học sinh đi học phải an toàn. Ảnh: ANTĐ

Cũng theo báo Tiền Phong, sau hôm nay 1 tuần, TPHCM sẽ thí điểm cho trẻ mầm non 5 tuổi đến lớp học trực tiếp. Sau đó thành phố sẽ rút kinh nghiệm và đưa ra phương án mở cửa trường đồng loạt từ ngày 3-1.

Tại Thừa Thiên – Huế, tất cả các trường THPT cũng đã mở cửa đón học sinh tới trường sáng nay. Quyết định được địa phương đưa ra khi tỉ lệ học sinh từ 12 đến 17 tuổi đã tiêm vắc-xin mũi 1 đạt 87%. Ngoài ra, địa phương này có kế hoạch sẽ cho học sinh bậc THCS quay lại trường học sau khi các em tiêm vắc-xin mũi 1 đủ 14 ngày.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã cho học sinh từ lớp 8 đến 12 đi học trực tiếp, các khối lớp còn lại vẫn học trực tuyến. Trước đó, địa phương cho học sinh lớp 1 đi học trực tiếp vì các em nhỏ tuổi. Năm học đầu cấp nhiều khó khăn, tuy nhiên sau 1 tuần phải dừng lại vì tình hình dịch phức tạp.

Trong khi đó, tại Hà Nội, do tình hình dịch bệnh có những biến chuyển nên đến thời điểm này sẽ chỉ còn học sinh khối 9 một số trường của 18 huyện, thị xã và học sinh lớp 12 của 29 quận, huyện thị xã học trực tiếp.

Số còn lại, học sinh đang duy trì học trực tuyến từ đầu năm đến nay. Riêng khối 9 ở 18 huyện, thị xã, các trường cũng tuỳ tình hình dịch tại xã, phường để dạy trực tuyến hay trực tiếp.

Trước đó, thành phố Hà Nội quy định chỉ những địa bàn có mức độ dịch ở mức 1, 2 mới mở cổng trường, khi dịch chuyển màu cam, đỏ trường học linh hoạt dạy học trực tuyến.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, chỉ có 267/459 trường THCS đang dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9. Trong đó, huyện mở cửa ít trường học nhất là Sóc Sơn (2/27 trường); Quốc Oai (8/23 trường); Chương Mỹ (13/37)… Ba Vì là huyện cho học sinh đi học từ đầu tháng 11-2021 và có số lượng trường dạy học trực tiếp nhiều nhất với 34/36 trường.

Nguyễn Nam tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối