(SGTT) - Thời gian vừa qua, TPHCM liên tục tiếp nhận các cá thể rùa từ các nhà chùa trên địa bàn tự nguyện chuyển giao.
- Miền Trung nỗ lực giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã
- Buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã tăng nguy cơ khởi nguồn đại dịch
Trong tháng 7-2022, sau khi nhận được tin báo từ cộng đồng, cơ quan chức năng đã tới làm việc cùng các cơ sở và tiếp nhận tổng cộng 40 cá thể rùa gồm nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm khác nhau từ bốn ngôi chùa.
Ngày 8-7, Đội Kiểm lâm Cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng tiếp nhận 11 cá thể rùa, bao gồm bảy cá thể rùa ba gờ, hai cá thể rùa hộp lưng đen, một cá thể rùa đất lớn, một cá thể rùa răng do chùa Phật học Xá lợi tại phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM tự nguyện giao nộp.
Ngày 14-7, cơ quan chức năng tiếp tục tiếp nhận 20 cá thể rùa, bao gồm 13 cá thể rùa đất lớn, ba cá thể rùa cổ sọc, hai cá thể rùa hộp lưng đen, một cá thể rùa răng và một cá thể rùa ba gờ do chùa Candaransi (hay còn gọi chùa Khmer) tại phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM tự nguyện giao nộp.
Ngày 20-7, Đội Kiểm lâm Cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng phối hợp Công an xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TPHCM) tiếp nhận tám cá thể rùa, bao gồm ba cá thể rùa răng, 2 cá thể rùa hộp lưng đen, hai cá thể rùa ba gờ và một cá thể rùa đất lớn do chùa Pháp Bửu (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) tự nguyện giao nộp.
Ngày 21-7, Đội Kiểm lâm Cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng phối hợp UBND phường 7, quận Phú Nhuận tiếp nhận một cá thể rùa răng với trọng lượng 3,5kg do chùa Huê Nghiêm Giảng tại phường 7, quận Phú Nhuận tự nguyện chuyển giao.
Hiện tại toàn bộ các cá thể rùa đã được chuyển tới Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi để được chăm sóc.
Các loài rùa đất lớn, rùa răng, rùa ba gờ là những loài liệt kê trong Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 84/2021/NĐ-CP) - hạn chế khai thác, sử dụng. Đồng thời, các loài này cũng thuộc Phụ lục II, Công ước về buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Mọi hành vi tàng trữ, nuôi nhốt, buôn bán các loại rùa không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và đăng ký theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng hoặc xử lý hình sự lên đến 12 năm tù.
Trong một khảo sát hơn 400 ngôi chùa, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn TPHCM do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thực hiện vào đầu tháng 7-2022, nhiều nơi vẫn ghi nhận hoạt động nuôi nhốt, phóng sinh rùa.
Việc hiểu sai ý nghĩa và bản chất của hoạt động phóng sinh tại các đền, chùa đã dẫn đến một số hiện tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường và các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.
Tất cả các loài động vật hoang dã đều được bảo vệ ở các cấp độ nhất định theo quy định của pháp luật trong nước và quốc tế. Hành vi mua bán rùa để phóng sinh vào ao chùa hay bất kể khu vực khác khi không hiểu rõ đặc điểm sinh thái của các loài rùa là vi phạm pháp luật, tiếp tay cho hoạt động săn bắt, buôn bán rùa trái phép, ảnh hưởng tới quần thể rùa trong tự nhiên và môi trường.
Đinh Nam