Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

TPHCM sẽ làm những gì trong 15 ngày giãn cách toàn thành phố?

Từ 0:00 ngày 9-7, TPHCM sẽ giãn cách toàn thành phố trong vòng 15 ngày theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ để khống chế dịch Covid-19. Trong thời gian đó, ngành y tế sẽ thực hiện hàng loạt biện pháp để kiểm soát dịch. Các ngành công thương, giao thông vận tải cũng thực hiện hàng loạt công việc để đảm bảo vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Chuẩn bị hàng hóa cho 15 ngày giãn cách

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để triển khai quyết liệt, siết chặt các giải pháp phòng chống dịch nhằm đạt kết quả cao nhất.

Người dân xếp hàng mua thực phẩm chiều 7-7. Ảnh: Minh Hoàng

Người đứng đầu thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng thông tin rõ ràng cho người dân về việc các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp cần thiết khác.

Theo thông tin từ Trung tâm Báo chí TPHCM, ông Phong cho biết, với năng lực dự trữ và cung ứng của các hệ thống phân phối, của các doanh nghiệp bình ổn thị trường, thành phố đủ lượng hàng cung ứng và các điểm bán hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Công Thương tổ chức tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại, tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng.

Các tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các điểm trung gian, trung bình một ngày đêm tiếp nhận khoảng 4.000-5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống.

Ngành công thương tổ chức kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa và đúng giá cho người dân, gia tăng các giải pháp mua sắm trực tuyến của 17 siêu thị, hệ thống phân phối lớn.

Thêm vào đó là tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng, mua sắm trực tuyến.

Tạo thuận lợi cho xe chở hàng hóa, người bệnh

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải TPHCM tạm ngừng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô, trừ những trường hợp như vận chuyển cán bộ, nhà quản lý, chuyên gia, công nhân và taxi chở người dân đi, bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết.

Các loại xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với khách và xe hai bánh truyền thống (xe ôm) vận chuyển hành khách tạm dừng hoạt động.

Sở Giao thông Vận tải TPHCM sẽ phối hợp với sở giao thông vận tải các tỉnh trong khu vực tổ chức giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt.

Sở cũng sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét hạn chế hoặc tạm ngừng các hoạt động hàng không và đường sắt đi, đến TPHCM.

Tất cả các thuyền trưởng, thuyền viên của các tàu biển nước ngoài, tàu biển nội địa, phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển TPHCM phải có giấy xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính trước ngày rời bến một ngày và không được lên bờ.

Ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh công tác chống dịch

Ông Phong giao Sở Y tế chuẩn bị kế hoạch kiểm soát dịch ở mức cao hơn trong thời gian 15 ngày toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Trong đó, có tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; tăng cường năng lực xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân, người lao động có trọng tâm, trọng điểm.

Ngày y tế phải hoàn thành chỉ tiêu lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn thành phố, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nhóm có nguy cơ cao và các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung.

Sở Y tế TPHCM phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ thành phố về nhân lực và thiết bị để tăng cường chống dịch.

Theo thông tin từ cuộc giao ban trực tuyến vào chiều 7-7 của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Thường trực Ban Chỉ đạo với TPHCM, qua phân tích dữ liệu dịch tễ, lực lượng chức năng nhận thấy, các nguồn lây nhiễm phát tán nhiều nhất là ở các chợ, siêu thị.

Vì vậy, TPHCM cần khẩn trương ưu tiên xét nghiệm tất cả những người làm việc trong hệ thống này. Kèm theo đó là phải thực hiện các giải pháp để trả kết quả xét nghiệm nhanh chóng, chính xác, xét nghiệm đến đâu thì lấy mẫu đến đó.

Với hoạt động của các cơ quan nhà nước, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Nội vụ chuẩn bị phương án thay đổi phương thức làm việc của cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn.

Số lượng làm việc tại công sở do thủ trưởng các cơ quan quyết định nhưng không quá 1/3 tổng số người lao động để đảm bảo duy trì các nhiệm vụ của đơn vị. Với lực lượng vũ trang và y tế đảm bảo 100% quân số.

Minh Duy

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối