Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM về việc tổ chức các tuyến phố đi bộ tại trung tâm thành phố.
- Dự án BOT đường sông tại TPHCM trễ tiến độ xin dừng thực hiện
- Những mục tiêu cho giao thông TPHCM trong 5 năm tới
Theo đó, Sở GTVT TPHCM kiến nghị mở thêm một số tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố.
Dự kiến, từ năm 2022-2023, thành phố sẽ mở phố đi bộ vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại Vòng xoay Công trường Quốc tế (hồ Con Rùa), đường Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến đường Nguyễn Du), đường Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Lợi), đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), đường Phan Chu Trinh, đường Phan Bội Châu.
Khu vực đường Nguyễn An Ninh, đường Lưu Văn Lang xung quanh chợ Bến Thành sẽ ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe cơ giới lưu thông.
Từ năm 2023-2024, tiếp tục mở rộng tổ chức phố đi bộ vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần trên các con đường, gồm đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng), công trường Lam Sơn (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng), đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi), đường Nguyễn Thiệp (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi), đường Mạc Thị Bưởi (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi), đường Ngô Đức Kế (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi).
Đường Đông Du (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng), đường Mạc Thị Bưởi (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng), đường Hồ Huấn Nghiệp, đường Ngô Đức Kế (từ đường Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), đường Phan Văn Đạt, đường Tôn Đức Thắng (từ đường Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh) cũng sẽ được ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe cơ giới lưu thông.
Vào năm 2025, phố đi bộ vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần sẽ được mở trên các đường gồm đường Hàm Nghi (hướng từ đường Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe cơ giới lưu thông.
Việc mở các tuyến phố đi bộ sẽ được thực hiện theo các tiêu chí gồm an toàn, an ninh, hấp dẫn về cảnh quan, chiếu sáng nghệ thuật, giải trí, ẩm thực, mức độ tiếp cận, nhu cầu cũng như sự ủng hộ của cộng đồng, gồm người dân và khách du lịch.
Theo Sở GTVT, chi phí đầu tư cải tạo, xây dựng dùng từ ngân sách nhà nước, kinh phí tự cân đối và huy động hợp pháp khác của các đơn vị thuộc đối tượng đề án.
Thêm vào đó là nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, sử dụng nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện nhiệm vụ.
Chi phí quản lý khai thác vận hành, duy tu các tuyến phố đi bộ sẽ dùng từ nguồn vốn chỉ sự nghiệp hàng năm cho các đơn vị quản lý lĩnh vực có liên quan hoặc xã hội hóa.
Minh Hoàng
Theo KTSG Online