(SGTT) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tình hình dịch sởi trong tuần qua đang có những tín hiệu tích cực với số ca mắc mới giảm. Trái lại, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố lại đang diễn biến phức tạp.
- Số ca sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TPHCM tăng cao
- Số ca mắc sởi tại TPHCM tăng đột biến, xuất hiện các ổ dịch trong trường học
Theo HCDC, số ca mắc bệnh sởi trong tuần 43 (từ ngày 21 đến ngày 27-10) đã giảm còn 112 trường hợp, giảm 5,9% so với trung bình tháng trước. Đến hết tuần 42, tổng số ca sởi được ghi nhận là 1.305. Trong đó, các quận, huyện Bình Chánh, Bình Tân và thành phố Thủ Đức có số ca mắc cao, TTXVN đưa tin.
Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến hết ngày 25-10, tổng số mũi tiêm vaccine sởi tích lũy trên địa bàn đạt 223.978 mũi. Trong đó, cả hai nhóm trẻ từ 1-5 tuổi và 6-10 tuổi đều đã đạt tỷ lệ tiêm chủng 100%, chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi đã hoàn thành theo kế hoạch.
Hiện tại, quận 3 có tỷ lệ tiêm vaccine sởi chưa đạt 95%. Sở Y tế đề nghị UBND Quận 3 đẩy nhanh tiến độ để sớm đạt mục tiêu. Đồng thời, các quận, huyện đã đạt tỷ lệ cao cần duy trì công tác giám sát chặt chẽ, đảm bảo không có trường hợp nào bị bỏ sót.
Trong tuần qua, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại thành phố đã có dấu hiệu giảm nhẹ với 473 trường hợp mới, giảm 3,8%. Tính đến hết tuần 43, tổng số ca mắc bệnh tích lũy từ đầu năm là 14.273 ca. Các quận Bình Chánh, Nhà Bè và Quận 8 vẫn đang ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh cao trên 100.000 dân.
Trong khi đó, tình hình dịch sốt xuất huyết tại TPHCM đang diễn biến phức tạp với 604 trường hợp mắc mới trong tuần qua, tăng 24,7%. Tổng số ca bệnh tích lũy từ đầu năm đã lên tới 9.915 ca. Các quận 1, 7 và thành phố Thủ Đức là các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao.
Nhằm chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa, Sở Y tế thành phố kêu gọi người dân tăng cường các biện pháp như loại bỏ các vật dụng chứa nước, ngủ mùng, sử dụng thuốc xua muỗi và vệ sinh môi trường. Đồng thời, khi có dấu hiệu sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng “Y tế trực tuyến” để được xử lý.