Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

TPHCM thí điểm “thẻ xanh Covid-19” cho những nhóm cụ thể

Từ ngày hôm nay (16-9), TPHCM sẽ thí điểm “thẻ xanh Covid-19” tại quận 7 và các huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn TPHCM.

Nội dung trên được lãnh đạo TPHCM thông tin vào tối hôm qua, 15-9, trong buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19 và đưa ra các biện pháp giãn cách xã hội tại TPHCM, báo Tuổi trẻ thông tin.

Theo đó, TPHCM sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 16 từ 0:00 ngày 16-9 đến hết ngày 30-9; tiếp tục cấp giấy đi đường cho các đối tượng được phép lưu thông, các giấy đi đường công an TPHCM đã cấp có hiệu lực đến hết ngày 30-9.

Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, trước đây chỉ cho giao hàng thông qua shipper công nghệ, lần này cho phép nhân viên của các cơ sở đủ điều kiện được phép tự giao hàng nhưng chỉ trong phạm vi của quận.

Cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán hàng mang đi thông qua shipper hoặc nhân viên nhưng phải đủ điều kiện. Ảnh: vnexpress.net

Đối với các công viên tại các khu chung cư, khu nhà ở tại vùng xanh nếu đảm bảo an toàn, chủ tịch UBND các quận huyện có thể cho phép hoạt động lại để người dân tập thể dục trên cơ sở đảm bảo an toàn và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp, theo báo Tuổi trẻ, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cũng cho biết thành phố chọn thí điểm “thẻ xanh Covid-19” tại quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, việc triển khai thí điểm “thẻ xanh Covid-19” không áp dụng trên toàn bộ địa phương hoặc đơn vị đó mà chỉ triển khai trên một nhóm cụ thể sau khi thống nhất với lãnh đạo đơn vị.

Cụ thể, ở quận 7 chỉ triển khai thí điểm “thẻ xanh Covid-19” cho khoảng 150 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu; ở Củ Chi, Cần Giờ chỉ thí điểm đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm, cung cấp sản phẩm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch tại địa phương. Các địa phương còn lại không được thí điểm thì vẫn thực hiện các biện pháp như hiện nay theo các văn bản của UBND TPHCM.

Dự kiến, sau ngày 30-9, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các sở ngành và các địa phương trên địa bàn TPHCM để tham mưu giải pháp chính thức cho UBND thành phố.

Sóc Trăng trở lại trạng thái bình thường mới

Theo thông tin trên báo Thanh niên, từ 0:00 ngày 16-9, tỉnh Sóc Trăng bắt đầu triển khai phương án phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới và thực hiện Quyết định số 2093/QĐ-UBND ngày 15-8 của UBND tỉnh về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bắt buộc theo mức độ nguy cơ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Theo đó, tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh, ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, cho rằng địa phương đã thực hiện thành công mục tiêu theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Lãnh đạo Sóc Trăng đi kiểm tra. Ảnh: thanhnien.vn

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Sóc Trăng đã đạt được kết quả tích cực, dịch bệnh đã được khống chế. Theo đánh giá của Chính phủ, Sóc Trăng là địa phương được xếp vào nhóm 1, nhóm đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch của tỉnh đã đi đúng hướng, thực hiện đạt các mục tiêu.

Báo Sóc Trăng cho biết thêm, mặc dù quyết định trở lại trạng thái bình thường mới nhưng ông Mẫn vẫn đề nghị không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, yêu cầu phải bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động, kêu gọi người dân tích cực phòng, chống dịch. Kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch nhưng đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh.

Ông Mẫn cũng đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo Sở Y tế, các địa phương phải chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai số lượng vắc-xin được phân bổ. Có kế hoạch xét nghiệm sàng lọc phù hợp với tình hình thực tế, nguồn lực của tỉnh thời gian tới.

Ngoài ra, UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo có phương án cụ thể hơn đối với kế hoạch giảng dạy năm học 2021 – 2022; khẩn trương xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Tinh thần là không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không thụ động, làm kìm hãm sự phục hồi, phát triển kinh tế.

TPHCM cho mở lại một số dịch vụ từ ngày 16-9

Theo thông tin trên báo Kinh tế Sài Gòn Online, TPHCM cho phép một số dịch vụ như bưu chính viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị và dụng cụ học tập, dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị… được hoạt động.

Hoạt động xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người lao động ngay cổng vào Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) vào sáng ngày 15-9. Ảnh: Lê Vũ/thesaigontimes.vn

Theo đó, thành phố vẫn tiếp tục thực hiện phương thức “đi chợ hộ” cho người dân. Riêng các địa bàn cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ người dân đi chợ 1 lần/tuần; được bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của UBND quận, huyện tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do UBND TPHCM ban hành.

Các địa phương này sẽ thí điểm triển khai “thẻ xanh Covid” gắn với mã QR (QR Code) cá nhân. Việc thí điểm đảm bảo 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ.

Ngoài ra, TPHCM cũng cho phép shipper được phép hoạt động liên quận từ 6:00 đến 21:00 hàng ngày với điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần. Ngân sách thành phố chi trả chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết ngày 30-9.

Các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) như dịch vụ bưu chính, viễn thông; thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động “3 tại chỗ”, chỉ bán qua đặt hàng trực tuyến; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y; dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm… cũng được phép hoạt động từ 6:00 đến 21:00 hàng ngày

Cũng theo Kinh tế Sài Gòn Online, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này phải đăng ký với UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức, phường, xã, thị trấn để được cấp giấy đi đường. Bên cạnh đó, nhóm này cần đảm bảo một số điều kiện: nhân viên giao hàng chỉ được hoạt động nội quận, huyện, thành phố Thủ Đức; xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần và kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Người lao động tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất một mũi vắc-xin phòng Covid-19 và xét nghiệm 5 ngày/lần (mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3). Kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Ngoài ra, từ ngày 16-9, các công trình xây dựng, giao thông được phép thi công công trình trên cơ sở tuân thủ bộ tiêu chí an toàn của UBND TPHCM. Theo đó, UBND từng địa phương đề xuất danh mục các công trình cụ thể, Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất UBND TPHCM quyết định.

Trước đây, TPHCM chỉ cho một số công trình trọng điểm thi công. Đến nay, qua đánh giá tình hình kiểm soát dịch ổn hơn, TPHCM cho phép mở rộng các công trình được thi công.

Nguyễn Nam tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối