TPHCM đang thực hiện nhiều giải pháp và mong muốn kiểm soát được dịch Covid-19 trong 15 ngày giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thành phố đã tính đến tình huống chưa kiểm soát được dịch và phải kéo dài thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm thời gian nữa.
- Tối 16-7: Thêm 1.898 ca Covid-19, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 3.336
- Thêm 69 ca tử vong tại TPHCM ghi nhận rải rác hơn 1 tháng nay
Phương án này được Phó bí thư Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết tại buổi họp báo chiều 16-7 về tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM.
Đề cập đến tình hình chống dịch hiện nay tại TPHCM, ông Mãi cho biết thành phố đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để sớm khống chế dịch sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Bên cạnh đó, thành phố đã tính toán và đưa ra 3 kịch bản sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16 là kiểm soát được dịch; chưa kiểm soát được; và mất kiểm soát. Trong 3 kịch bản đưa ra, TPHCM đang cố gắng để đạt được như kịch bản 1 (kiểm soát được dịch) sau đó quay trở lại thực hiện theo Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 10 của thành phố.
“Trong tình huống dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường thì thành phố phải tính tới khả năng tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm thời gian nữa sau khi hết 15 ngày giãn cách xã hội. Chúng ta phải có sự chuẩn bị về tâm lý và giải pháp cho từng tình huống cụ thể trong thời gian tới", ông Mãi nói.
Để chuẩn bị cho kịch bản số ca mắc tăng, ông Mãi cho biết trước khi thực hiện Chỉ thị 16 thành phố đã chuẩn bị cho 20.000 ca mắc Covid-19, ngành y tế đã chuẩn bị cho 40.000 ca bệnh và có sự chuẩn bị khi số ca bệnh tăng lên 50.000-60.000.
Đối với việc điều trị cho bệnh nhân nặng, TPHCM đã chuẩn bị cơ sở điều trị cho 1.000 ca nặng và tính đến kịch bản tăng đến 2.000 ca bệnh nặng.
TPHCM xem xét mở lại chợ đầu mối
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết việc cung ứng hàng hóa về TPHCM gặp nhiều khó khăn do lực lượng thực thi công vụ các địa phương hiểu chưa đúng, quá khắt khe nên hàng hóa lưu thông chậm.
Ông Phương cho biết, TPHCM hiện thiếu nhiều nhất là rau, củ, quả và trứng gia cầm. Ngoài ra, TPHCM hiện thiếu 1.000 tấn lương thực, thực phẩm. Để cung cấp đủ nguồn hàng, Sở Công Thương đã liên hệ với Sở Công Thương các tỉnh ở Đông Nam bộ, Tây nguyên và khu vực phía Bắc để kết nối với doanh nghiệp, cung ứng nguồn hàng cho thành phố.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc người dân phải mua thực phẩm rất khó khăn và giá cả tăng cao, ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã tổ chức lại các mạng lưới hệ thống phân phối của các siêu thị, ngoài ra cho phép mở thêm các điểm bán thực phẩm tại các cửa hàng bán thời trang.
Phó bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, ngày 16-7 ông và Sở Công Thương đã đi khảo sát chợ truyền thống để xem xét khôi phục chợ đầu mối và mở lại các chợ có đầy đủ phương thức đảm bảo phòng chống dịch.
Theo số liệu công bố của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tính đến hết ngày 15-7, TPHCM đã phát hiện 21.812 người mắc Covid-19, trong đó 21.551 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 261 trường hợp nhập cảnh.
Lê Anh
Theo KTSG Online