Thứ sáu, Tháng Một 3, 2025

TPHCM: Tổ chức 24 điểm tiêm chủng cố định tại bệnh viện

 (SGTT) - 24 bệnh viện, viện trong và ngoài công lập theo danh sách của Sở Y tế TPHCM sẽ tổ chức thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng người mắc bệnh mạn tính, béo phì, người trên 65 tuổi hoàn toàn miễn phí.

Theo Sức khỏe và Đời sống, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản số 4885/SYT-NVY về việc thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người mắc bệnh mạn tính.

Sở Y tế đề nghị 24 đơn vị bệnh viện, viện trong và ngoài công lập kịp thời tiêm chủng cho những đối tượng mắc bệnh mãn tính do các đơn vị bệnh viện, phòng khám quản lý.

Theo đó, các bệnh viện (BV): BV Nhân dân 115, BV Nguyễn Tri Phương, BV Nguyễn Trãi, BV Bình Dân, BV Nhân dân Gia Định, BV Từ Dũ, BV Truyền máu Huyết học, Viện Y dược học dân tộc, BV Mắt, BV Đa khoa Bưu Điện, BV 175, BV Gia An 115, BV Đức Khang, BV Triều An, BV Tâm Trí Sài Gòn, BV Đa khoa Hồng Đức III, BV Tân Hưng, BV An Sinh, BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, BV Quốc tế Mỹ, BV Đa khoa Mỹ Đức, BV Đa khoa Vạn Hạnh, BV Mỹ Đức (quận Phú Nhuận), BV FV (quận 7) sẽ tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các đơn vị, đảm bảo các yêu cầu của Sở Y tế TPHCM.

Các bệnh viện trong danh sách sẽ tổ chức tiêm chủng cho tất cả người mắc bệnh (thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tình), người có tình trạng béo phì do đơn vị đang quản lý đã được nhập vào phần mềm “Hệ thống tiêm chủng quốc gia”, từ các bệnh viện chuyển đổi công năng và các trường hợp trên 65 tuổi theo yêu cầu của Sở Y tế và tổ điều phối tiêm chủng của các quận, huyện.

TPHCM: Người dân sẽ được phát 10-15 thẻ đi chợ trong 30 ngày

Theo Zing.vn, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương nghiên cứu, áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân trong khu vực với việc áp dụng "thẻ đi chợ".

Lãnh đạo Sở Công Thương yêu cầu: “Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ: cách 2-3 ngày/lần, theo đó mỗi hộ gia đình sẽ được phát 10-15 thẻ vào chợ/30 ngày”.

Riêng các khu vực phong tỏa, các địa phương thông tin đến người dân về việc mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị, chợ trong khu phong tỏa với tần suất 2 lần/tuần, sử dụng phiếu đi chợ, siêu thị do chính quyền địa phương cấp

Sơ đồ tham khảo về bố trí các gian hàng kinh doanh tại chợ truyền thống/điểm bán nhỏ. Ảnh: Sở Công Thương TPHCM.

Kịch bản 80.000 ca F0 ở TPHCM

Theo VnExpress, trong bối cảnh số ca Covid-19 tại TPHCM tiếp tục tăng cao, Sở Y tế TPHCM đã thay đổi mô hình điều trị từ "tháp 4 tầng" lên 5 tầng, ngày 22-7. Mỗi tầng sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có để chuyển đổi công năng thành các cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19, tương ứng với các kịch bản F0 gia tăng.

Trong trường hợp TPHCM có 80.000 ca F0, tầng một sẽ tiếp nhận 40.000 người (50% F0) tại các khu cách ly quận, huyện và TP Thủ Đức. Tầng 2 chuẩn bị 21.600 giường (27% F0) điều trị bệnh nhận có triệu chứng và bệnh lý nền kèm theo, tại các bệnh viện dã chiến.

Tầng 3 gồm 8.000 giường (10% F0), điều trị các ca có triệu chứng. Tầng 4 gồm 6.400 giường (8% F0) tại các bệnh viện điều trị người có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa. Tầng 5, bệnh viện hồi sức Covid-19 với 4.000 giường bệnh (5% F0).

Để đáp ứng đủ số giường như kịch bản, thành phố đang nâng công suất, mở rộng cơ sở tiếp nhận, điều trị Covid-19. Trong đó, các bệnh viện điều trị ở mức cơ bản, thuộc tầng 3 (8.000 ca F0), chủ yếu được chuyển đổi công năng từ các bệnh viện quận, huyện.

Mô hình tháp 5 tầng trong tiếp nhận, điều trị F0 tại TPHCM. Ảnh: Sở Y tế TPHCM.
7.968 ca Covid-19 trong ngày 24-7, TPHCM có 5.396 bệnh nhân

Theo bản tin 18:00 ngày 24-7 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 3.977 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 3.950 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy, trong ngày 24-7, nước ta có tổng cộng 7.968 ca mắc mới, trong đó 31 ca nhập cảnh.

Số lượng bệnh nhân mới ở từng tỉnh, thành phố: TPHCM (5.396), Long An (604), Bình Dương (785), Đồng Nai (221), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Khánh Hòa (104), Đồng Tháp (75), Bà Rịa - Vũng Tàu (71), Bến Tre (61), Đà Nẵng (36), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (27), Vĩnh Long (25), Cần Thơ (23), Vĩnh Phúc (21), Phú Yên (17), Kiên Giang (14), Bình Định (12), Hậu Giang (9), Hà Nội (9), Ninh Thuận (8 ), An Giang (7), Hưng Yên (4), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Quảng Nam (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên Huế (1); trong đó có 2.428 ca cộng đồng.

Tính đến chiều ngày 24-7, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc gồm 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27-4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Minh Thảo tổng hợp

Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” được phát động vào ngày 2-6-2021. Với vai trò là cầu nối, Kinh tế Sài Gòn tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm để cùng chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Chương trình sẽ nhận hiện kim, vật phẩm từ các tổ chức, cá nhân đóng góp và sau đó sẽ trao tặng lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước. Xem chi tiết tại đây.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối