(SGTT) - Thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM cần tạo nhiều chuỗi giá trị du lịch riêng để từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng.
- Đầu bếp miền Tây xác lập kỷ lục Việt Nam từ 130 món ăn đặc trưng của vùng
- Những gợi mở để ‘kéo’ khách du lịch từ miền Trung đến miền Tây
Ngày 22-10, tại TP Bạc Liêu, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Sở Du lịch TPHCM tổ chức Hội nghị đánh giá điểm đến, đề xuất phát triển các chương trình du lịch liên kết TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với chủ đề “Kết nối hành trình đất phương Nam”.
TPHCM đồng hành với ĐBSCL thúc đẩy phát triển du lịch
Qua thời gian đã triển khai nhiều chương trình về hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa ngành du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã phát huy tính hiệu quả và tạo xung lực mới cho sự phát triển của du lịch liên vùng TPHCM và ĐBSCL.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, tận dụng tối đa hiệu quả chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và ĐBSCL. “Du lịch Bạc Liêu có những bước tiến quan trọng, các chỉ tiêu về du lịch tiếp tục tăng trưởng, ước năm nay, du lịch Bạc Liêu sẽ thu hút khoảng 4,2 triệu lượt khách và mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón tiếp từ 6 - 7 triệu lượt khách. Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 11 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành ĐBSCL)”, bà Phương cho hay.
Vẫn còn sản phẩm du lịch trùng lắp
Đánh giá về sức hấp dẫn khách du lịch trong chương trình liên kết, ông Phan Đông Nhựt, đại diện Sở Du lịch TPHCM cũng cho biết, hiện có 80 chương trình du lịch đang khai thác với 1,8 triệu lượt khách tham gia thống kê từ 100 doanh nghiệp tại TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, về sức hấp dẫn khách du lịch trong chương trình liên kết vùng, ông Nhựt cho rằng, sản phẩm du lịch liên kết còn hạn chế về chất lượng sản phẩm. Các dịch vụ, cơ sở lưu trú gắn với thiên nhiên, khách sạn 4 sao trở lên, nhà hàng đạt chuẩn còn thiếu, điểm đến mới chưa được đầu tư phát triển, thiếu sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm về đêm, các cơ sở ăn, uống phục vụ thị trường chuyên biệt chưa đáp ứng. Ngoài ra, công tác quảng bá truyền thông chưa được đầu tư.
Việc phát triển sản phẩm liên kết của các tỉnh vùng ĐBSCL hiện còn trùng lắp, chưa mang tính đặc thù, thiếu chiều sâu và vẫn chưa định hình chuỗi giá trị du lịch, chưa xây dựng những chính sách cộng hưởng giữa các địa phương, thiếu sự chủ động trong công tác phối quy hoạch các chuỗi giá trị nhằm liên kết.
Chẳng hạn như cung đường nối Trà Vinh và Sóc Trăng chưa có hoạt động về đêm gắn với văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Khmer, các hoạt động trải nghiệm kết hợp cho du khách cũng không co nhiều, giao thông đường bộ không đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách đoàn, còn thiếu về dịch vụ lưu trú và ăn uống.
“Thời gian tới ĐBSCL cần có chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch văn hóa lịch sử. Đồng thời, phát triển các liên kết thông qua liên kết chuỗi giá trị du lịch đặc trưng của từng địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, hạn chế cạnh tranh lẫn nhau”, ông Nhựt, nói.
Với chủ đề “Kết nối hành trình đất phương Nam”, hội nghị còn có sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành. Các đơn vị cũng tham gia đóng góp những ý kiến, giải pháp để tiếp tục hình thành, phát triển các điểm đến, các sản phẩm liên kết mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch liên vùng, hình thành các chương trình du lịch đặc trưng mang tính kết nối các tuyến, điểm du lịch giữa ĐBSCL với TPHCM, Đông Nam bộ và ngược lại.
Trọng Nghĩa