(SGTT) - TPHCM hiện còn 36.000 liều Molnupiravir phát miễn phí tại các cơ sở y tế, dành cho các đối tượng đủ điều kiện sử dụng, ưu tiên cho những người có nguy cơ. Khi đánh giá F0 nằm trong nhóm cần sử dụng thuốc kháng virus, bác sĩ sẽ kê đơn, phát thuốc miễn phí, người dân không nên tự động uống hoặc mua.
Đây là nội dung phát biểu của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, tại cuộc họp báo về tình hình phòng chống dịch chiều 28-2, được Sức khỏe và Đời sống trích lời.
Theo Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch và Phục hồi kinh tế TPHCM Phạm Đức Hải, người dân test nhanh dương tính nên khai báo với trạm y tế địa phương, được nhân viên y tế theo dõi, quản lý, chăm sóc. Khi đánh giá F0 nằm trong nhóm cần sử dụng thuốc kháng virus, bác sĩ sẽ kê đơn, phát thuốc miễn phí, người dân không nên tự động uống hoặc mua.
Mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437 về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 trước đó.
Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng không được dùng Molnupiravir, chỉ trường hợp mắc Covid-19 mức độ nhẹ và trung bình mới cần sử dụng.
Cụ thể, các triệu chứng nhẹ như SpO2 lớn hơn 96%, nhịp thở thấp hơn 20 lần/phút; Triệu chứng nặng là SpO2 từ 94-96%, nhịp thở 20-25 lần/phút, tổn thương trên X-quang nhỏ hơn 50% hoặc người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền, coi như mức độ trung bình.
Các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng hoặc ở mức độ nhẹ được xét ở cả người điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế tùy tình hình dịch. Bộ Y tế cũng bổ sung hướng dẫn về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, lưu ý đối với 2 loại thuốc kháng virus trong điều trị Covid-19 đang được Việt Nam sử dụng hiện nay là Remdesivir và Molnupiravir.
Ngày 1-3, cả nước có 98.762 ca Covid-19
Hôm nay, ngày 1-3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 98.762 ca nhiễm mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 98.743 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.367 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, TPHCM có 2.022 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm Quảng Ninh (-5.094), Lai Châu (-618), Quảng Trị (-454). Trong khi đó, một số địa phương lại ghi nhận số ca nhiễm tăng so với hôm qua như Gia Lai (+1.392), Thái Nguyên (+1.296), Sơn La (+984).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.557.629 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 36.014 ca nhiễm).
Trong ngày, có 40.932 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi của nước ta tới thời điểm hiện tại là 2.479.883 ca
Tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi liều 0,2ml
Tuổi trẻ Online đưa tin, ngày 1-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký quyết định số 457/QĐ-BYT sửa đổi điều 1 quyết định số 2908/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, vắc xin được phê duyệt có tên Comirnaty (tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 vắc-xin).
Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3ml chứa 30mcg vắc-xin mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mỗi liều 0,2ml chứa 10mcg.
Về dạng bào chế, đối với vắc-xin cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm; vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.
Quyết định 457 này có hiệu lực kể từ ngày hôm nay 1-3, bãi bỏ quyết định số 4035/QĐ-BYT ngày 21-8-2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Phùng My tổng hợp