Nguyễn Văn Mỹ -
Với nhiều người, du lịch đơn giản chỉ là dịp nghỉ ngơi, thăm thú cảnh đẹp. Nhưng với nhiều người khác, du lịch không phải là dịp hưởng thụ mà còn là cơ hội để chia sẻ với cộng đồng. Mô hình du lịch thiện nguyện, có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường đang dần hình thành.
Thực trạng
Với nhiều người, du lịch không phải là dịp hưởng thụ mà còn là cơ hội để chia sẻ với cộng đồng
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan tới nhiều ngành nghề khác. Ngành Du lịch Việt Nam ra đời vào ngày 9-7-1960, trước khi các quốc gia giàu có được thành lập như Singapore (1965), Qatar (1971), Các Tiểu vướng quốc Ả Rập Thống nhật – UAE (1971)… Thế nhưng, vì nhiều lý do, du lịch Việt Nam vẫn cứ ì ạch “đứng đầu top cuối của Asean”.
Năm 2016, Lào, quốc gia có bảy triệu dân, đã đón gần 4 triệu khách quốc tế; Campuchia có 15 triệu dân đón gần 5 triệu khách, trong khi Việt Nam dân số hơn 93 triệu đón được hơn 10 triệu khách. Malaysia, diện tích tương đương Việt Nam, dân số hơn 31 triệu người đón trên 30 triệu khách (dẫn đầu Asean). Đảo quốc Singapore, diện tích gần 720 km2, dân số chưa tới sáu triệu nhưng đã đón 19 triệu khách.
Sau thời gian tăng trưởng công nghiệp, nhiều quốc gia phải trả giá rất đắt cho việc làm tổn hại môi trường sống. Họ nhận ra rằng, du lịch – ngành công nghiệp không khói – mới là ngành dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế bền vững. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều chuyển hướng đột phá. Năm 2015, du lịch Nhật Bản tăng trưởng ngoạn mục, hơn 57%.
Từ giữa năm 2016, du lịch Việt Nam có những chuyển động mạnh mẽ. Lần đầu tiên, Thủ tướng trực tiếp chủ trì hội thảo quốc gia bàn về phát triển du lịch tại thành phố Hội An (Quảng Nam). Luật Du lịch với nhiều bất cập được chỉnh sửa lần thứ 6 và đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội ban hành. Các ngành, các cấp, các địa phương cũng có nhiều biện pháp kích hoạt. Thậm chí, có địa phương như Đồng Tháp đang tiến hành cuộc cách mạng với tham vọng trong vòng 10 năm tới sẽ là “thủ phủ của du lịch miền Tây”.
Song có lẽ, chưa bao giờ du lịch Việt Nam được quan tâm với không ít băn khoăn như hiện nay, từ việc quy hoạch tùy tiện, sản phẩm đơn điệu, bê tông hóa, xâm hại môi trường, tàn phá tài nguyên đến nạn chặt chém trấn lột, an ninh trật tự, giao thông lộn xộn… Đó là hệ quả tất yếu của các căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ”, “mạnh ai nấy làm”, “bỏ tôm bắt tép”, “chỉ thấy lợi ích cá nhân và cục bộ”, “thấy ai ăn khoai là vác mai đi đào” hay “thói khoa trương”.
Du lịch Việt Nam phổ biến là ăn xổi và thụ động. Chương trình tour cứ lên mạng, ăn cắp của nhau và của nước ngoài. Bộ môn “thiết kế tours” (designer) gần như chưa có trong chương trình đào tạo. Là ngành quan trọng nhưng chưa có đại học chuyên ngành, còn các thuật ngữ về du lịch thì mạnh ai nấy hiểu. Đầu tư du lịch mà cứ muốn “mì ăn liền” thì làm sao sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh với thiên hạ? Điều ngạc nhiên là mặt yếu của du lịch Việt Nam thì ai cũng thống nhất. Còn mặt mạnh thì lại khác biệt và ngộ nhận nên cứ loay hoay tìm phương hướng. Du lịch Việt Nam có đủ “Thiên thời-Địa Lợi” nhưng đang thiếu “Nhân hòa”, đặc biệt ở các cấp lãnh đạo.
Thay đổi nhận thức
Albert Einstein nói: “Chúng ta không thể giải quyết những vấn nạn của mình với cùng trình độ tư duy khi những vấn nạn đó được tạo ra”. Để có được những thành tựu đột phá thì cần có những tư duy đột phá, phải giải quyết được cái gốc là nhận thức. Sau khi xếp thứ hai về “năng lực cạnh tranh” (sau Đà Nẵng), Đồng Tháp xác định du lịch là mũi nhọn song hành với nông nghiệp. Trực tiếp bí thư và chủ tịch dẫn các đoàn khảo sát những mô hình hiệu quả, mời các chuyên gia thực tiễn làm diễn giả chia sẻ kiến thức về du lịch cho năm đối tượng riêng biệt, từ các sở-ngành, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố đến các đơn vị dịch vụ, các điểm đến, doanh nghiệp và người dân.
Gần đây, khái niệm Du lịch Trách nhiệm (Responsibility Tourism – RT) được nhiều người quan tâm. Đó là loại hình du lịch lý tưởng, cho phép sự chủ động từ nhà tổ chức và các đơn vị cung cấp dịch vụ cho đến khách hàng và người dân tại chỗ. Mỗi cá nhân và tập thể đều có ý thức để thực hiện các phần việc của mình. Khái niệm này bắt nguồn từ thuật ngữ “Trách nhiệm Xã hội của Doanh nghiệp” (Corporate Social Responsibility – CSR). CSR của doanh nghiệp thể hiện qua bốn nội dung, bao gồm việc sản xuất không làm tổn hại môi trường, sản phẩm làm ra có ích cho xã hội, chăm lo đời sống cho nhân viên (văn hóa công ty), và chia sẻ lợi nhuận với cộng đồng tại chỗ. Khái quát, đó là đạo đức doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ có thể phát triển bền vũng trên cơ sở thực hiện đầy đủ CSR.
Nếu CSR chỉ thể hiện đạo đức doanh nghiệp của các đơn vị lữ hành và dịch vụ thì RT mở rộng trách nhiệm đến cả du khách và người dân tại chỗ. Du khách không chỉ biết hưởng thụ mà còn làm ra các giá trị sản phẩm thông qua các hoạt động đóng góp lợi ích cho cộng đồng tại điểm đến, tham gia bảo vệ môi trường sống, cả tự nhiên và văn hóa. Từ việc nhỏ là giữ gìn vệ sinh, tôn trọng văn hóa bản địa, tẩy chay các sản phẩm độc hại đến việc tham gia trồng cây, làm đẹp thôn xóm, sửa đường sá, phổ cập kiến thức y tế, ngoại ngữ… Chính quyền và người dân địa phương cùng tham gia góp sức với các đơn vị dịch vụ và du khách theo khả năng của mình, từ việc giữ vệ sinh chung, tạo môi trường thân thiện, an toàn cho du khách đến việc hỗ trợ du khách, cùng các đơn vị dịch vụ làm ra sản phẩm mới, tham gia các chương trình thiện nguyện.
Hướng đến cộng đồng
Du lịch Cộng đồng (Community Based Tourism – CBT) là cụ thể hóa RT. Đó là loại hình du lịch lấy người dân tại chỗ làm chủ thể bên cạnh khách du lịch mà homestay là lựa chọn hàng đầu. Homestay truyền thống “ăn-ở như người dân bản địa” do người dân đầu tư một cách tự phát, Nhà nước gần như buông lỏng quản lý. Các homestay đều chưa đảm bảo nhu cầu về vệ sinh, ăn, ở. Phía Nam đa phần bị các doanh nghiệp lữ hành chèn ép, còn ở phía Bắc thì xô bồ, phá giá. Du khách phải chấp nhận dịch vụ vì không còn lựa chọn nào khác và hầu như là “một đi không trở lại”.
Homestay CBT “made in Việt Nam” (HCBT) là cách làm đột phá với cam kết 6E, bao gồm Engage (kết nối), Educate (giáo dục), Empower (nâng cao năng lực), Encourage (thúc đẩy), Earning (thu nhập) và Enable (kích hoạt). Từ chỗ ở bình dân đến cao cấp đều đảm bảo “Sạch-Thoáng-Vệ sinh-Bản sắc” với 5 không là “ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, karaoke”. Dù là phòng ở tập thể nhưng có không gian riêng tư, có đèn ngủ và ổ cắm điện riêng, nệm gối, nhà tắm, nhà vệ sinh riêng biệt. Cách thiết kế, bài trí chỗ ở và thực đơn đều đảm bảo cho cả khách nội địa lẫn quốc tế. Chỗ ngủ chỉ 80.000 đồng/người nhưng có Welcome Drink, ăn sáng buffet 50.000 đồng/suất cho đoàn tối thiểu 10 người. Sau ba năm, các HCBT đã triển khai được ở bảy tỉnh là Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Lai Châu và Thừa Thiên-Huế. Với hơn 500 chỗ ngủ, năm 2016, HCBT dự kiến đón 60.000 lượt khách lưu trú, 70% là khách nước ngoài. Có nơi như HCBT Mai Hịch (Hòa Bình) với ba nhà nghỉ và 50 chỗ ngủ, chỉ sáu tháng đầu năm 2016 đã đón hơn 6.000 khách lưu trú, chưa kể vãng lai..
Mô hình HCBT đang “Nam tiến” với các dự án ở Quảng Nam, Lâm Đồng, đặc biệt là Đồng Tháp. Như tên gọi HCBT là cả cộng đồng đều tham gia làm du lịch và chia sẻ lợi nhuận, tùy khả năng đóng góp của từng hộ gia đình. Kể cả mô hình HCBT cao cấp, không có kiểu tự cô lập, kín cổng cao tường, chiếm dụng cả không gian công cộng như bãi biển, bãi sông không cho người dân bén mảng đến. Khách đến với HCBT ngoài việc nghỉ ngơi thư giãn trong môi trường thiên nhiên còn được trải nghiệm văn hóa bản địa, hòa mình với đời sống của người dân tại chỗ, nối kết với các điểm đến vệ tinh và tham gia các hoạt động thiện nguyện.
Cộng đồng có sự phân công xã hội theo quy chuẩn chung. Tùy điều kiện từng gia đình tự nguyện tham gia sẽ được tư vấn mô hình, huấn luyện nhân sự từ lễ tân đến buồng phòng, bếp, giám sát và hỗ trợ nguồn khách sau khi hoàn thành. Nhà nước không bao cấp, mà chỉ hỗ trợ kinh phí tư vấn, các công trình chung hoặc cho vay ưu đãi và trừ dần vào sản phẩm. Mọi thứ phải minh bạch và được quản lý theo quy hoạch cung-cầu của thị trường.
HCBT là loại hình du lịch bền vững, có trách nhiệm, là cách “xóa đói giảm nghèo” hiệu quả nhất. Cuộc sống của người dân không bị xáo trộn, họ vẫn lao động, sản xuất theo truyền thống và tham gia các dịch vụ của HCBT theo khả năng. Thu nhập của người dân tham gia HCBT có nơi tăng cả trăm lần so với nông nghiệp. Ngoài việc tạo thêm công ăn việc làm cho người dân tại chỗ, các HCBT còn chuyển hóa môi trường xã hội tại một số địa phương.
Mỗi người dân đều có thể tham gia vào ngành công nghiệp không khói bằng trách nhiệm của mình với những việc làm cụ thể. Du lịch trách nhiệm là mô hình chọn lựa khôn ngoan của các quốc gia phát triển, và có lẽ du lịch Việt Nam cũng cần được chấn chỉnh và phát triển theo hướng tích cực đó, không còn con đường nào khác.