Nhu cầu về các trung tâm chăm sóc thú cưng về già ngày càng tăng lên ở Nhật Bản khi những người chủ phải vật lộn để chăm sóc những con vật cần được chăm sóc đặc biệt này.
Với chế độ ăn uống và chăm sóc y tế được cải thiện, những chú chó ngày càng sống lâu hơn. Nhưng chủ của chúng, đặc biệt là những người sức khỏe kém, thì lại lo lắng về việc thú cưng yêu quý của họ sẽ sống ra sao vào những ngày tháng cuối đời.
Cô Yuko Ishizeki, 50 tuổi, đã quyết định đưa Koro, chú chó 18 tuổi của gia đình tới trung tâm chăm sóc thú cưng Tokyo Pet Home vào tháng 4-2018 sau khi mẹ cô, bà Takako, 81 tuổi, mắc chứng mất trí nhớ và không thể chăm sóc chú chó bị tật ở chân.
“Koro là chú chó mà cha tôi đã mua về. Sau khi ông mất vài năm sau đó, mẹ tôi đã sống một mình với Koro hơn mười năm vì bà coi chú chó là một kỷ niệm gắn bó với cha tôi”, cô Ishizeki nói. Cô cũng giải thích thêm rằng cô phải làm như vậy bởi vì cô vô cùng bận rộn không thể tự chăm sóc Koro.
Khi mẹ cô bắt đầu mắc căn bệnh mất trí nhớ, Ishizeki đã tìm một viện dưỡng lão, nơi cư dân có thể sống cùng với thú cưng của họ với điều kiện họ phải tự chăm sóc vật nuôi của mình. Tuy nhiên, cuối cùng, việc chăm sóc Koro bắt đầu gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho bà Takako, và bà buộc phải sống xa con chó cưng của bà.
Dịch vụ toàn diện cho thú cưng già
Koro hiện nằm trong số hơn 30 con chó và mèo được giữ tại Tokyo Pet Home ở quận Ota, Tokyo. Koro ở lại đó theo một hợp đồng “trọn đời”, nghĩa là nó sẽ được chăm sóc tại trung tâm cho đến khi chết, và gia đình chủ của nó có thể đến thăm thường xuyên.
Cơ sở này cung cấp các dịch vụ phù hợp cho từng thú cưng, ví dụ như các bữa ăn được chuẩn bị đặc biệt, đi dạo thường xuyên và các chương trình phục hồi chức năng, cùng với các nhân viên chăm sóc từ 4 giờ 30 sáng đến nửa đêm mỗi ngày. Những con chó có đôi chân yếu sẽ được mát xa, trong khi những con vật bị bệnh nằm một chỗ sẽ được đặt trên những chiếc đệm mềm và được nhân viên chăm sóc nhẹ nhàng và trìu mến.
Khi cần thiết, các con vật sẽ được chuyển đến phòng khám thú y. Nhân viên của trung tâm sẽ ở lại qua đêm nếu thú cưng trong tình trạng nguy kịch. Không bao gồm khoản thanh toán ban đầu, mức phí hằng năm cho các hợp đồng trọn đời tại Tokyo Pet Home vào khoảng 480.000-600.000 Yen Nhật (100 đến 125 triệu đồng) tùy theo từng trường hợp.
Ông Akira Watanabe, Giám đốc Trung tâm Tokyo Pet Home, cho biết, họ làm hết sức để đáp ứng các yêu cầu của những người chủ vật nuôi, nhưng họ không cố gắng làm theo đúng những gì mà những người chủ đã từng làm với các thú cưng của họ. Họ giúp các con vật cải thiện sức khỏe thông qua phục hồi chức năng.
Tốt cho cả vật cưng lẫn người chủ
Việc đưa chú chó tới trung tâm đã khiến cuộc sống của cô Ishizeki và mẹ cô trở nên nhẹ nhàng hơn. Cô cũng tin rằng đó là một sự lựa chọn tốt hơn cho Koro, khi nó được sống cùng với những con chó khác ở đó, thay vì ở nhà một mình. Hai người họ cảm thấy rất biết ơn các nhân viên đang chăm sóc Koro và rất mong muốn nhận được bản báo cáo hằng tháng về các hoạt động của Koro.
Khi chủ sở hữu không thể nuôi thú cưng, họ thường phải chọn một trong hai cách là đưa con vật đến trung tâm y tế để chúng chết dần chết mòn ở đó hoặc tìm cho chúng gia đình mới. Nhưng việc tìm kiếm một gia đình nuôi dưỡng có thể gặp khó khăn nếu vật nuôi đã già. Ngay cả khi tìm được một gia đình chấp nhận nuôi thú cưng của bạn thì bạn cũng thường phải từ bỏ thú cưng và không bao giờ gặp lại chúng. Theo ông Watanabe thì việc cung cấp dịch vụ chăm sóc thú cưng đã giúp các chủ vật nuôi có thêm sự lựa chọn.
Theo bản báo cáo năm 2017 của Hiệp hội thức ăn vật nuôi Nhật Bản, tuổi thọ trung bình của một con chó là 14,19 năm và một con mèo là 15,33 năm. Chó từ 7 tuổi trở lên đã được coi là già, và số chó này chiếm 60% số chó nuôi hiện nay. Ngày nay, nhiều người coi chó nuôi như một thành viên trong gia đình. Vì vậy họ muốn tìm một môi trường an toàn và thoải mái cho chúng, mặc dù chi phí không hề rẻ.
Luật phúc lợi động vật sửa đổi năm 2013 của Nhật Bản cũng khuyến khích các nhà dưỡng lão cho chó mọc lên trên khắp đất nước. Ông Watanabe cho biết thêm, sắp tới các trung tâm y tế sẽ không còn chấp nhận vật nuôi vì luật pháp quy định rằng về nguyên tắc, chủ vật nuôi phải có trách nhiệm chăm sóc thú cưng cho đến khi chúng chết.
Các ông bà chủ thường chăm sóc vật nuôi cho đến giây phút cuối cùng của chúng, nhưng việc phải chăm sóc thú cưng cả ngày lẫn đêm đôi khi cũng khiến họ mệt mỏi. Nhiều khi họ còn bị hàng xóm phàn nàn, đặc biệt là tại các khu chung cư. Việc gửi chó mèo của mình đến viện dưỡng lão cho thú cưng là cách để cả chủ vật nuôi lẫn vật nuôi nhận được sự hỗ trợ. Nhờ đó, cuộc sống trở nên dễ dàng và hạnh phúc hơn.
Tâm Anh