Duy An-
“Giống như dịch chuyển tức thời vậy, bạn chìm vào giấc ngủ ở thành phố này và tỉnh giấc ở một thành phố khác”, ông Tom Currier mô tả về loại hình khách sạn di động của mình.
Cabin, một doanh nghiệp khởi nghiệp ở thung lũng Silicon, bang California – Mỹ, đã tạo ra một khách sạn sang trọng được đặt trên các bánh xe. Tự gọi mình là công ty vận chuyển – khách sạn đầu tiên, Cabin gần đây thu hút được khoản đầu tư 3,3 triệu đô la Mỹ để hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Khách có thể ngủ thoải mái trong khi xe Cabin di chuyển trong đêm.
Hành trình đầu tiên – và cũng là duy nhất đến lúc này – của khách sạn di động Cabin là khoảng 650 km giữa hai thành phố San Francisco và Los Angeles, cùng thuộc bang California, diễn ra vào ngày 14-7, theo tạp chí Forbes. Mất khoảng 8 giờ cho chuyến đi này – khoảng thời gian hoàn hảo cho một giấc ngủ đêm ngon lành. Nói vậy có nghĩa là hành khách có thể “check in” khách sạn-xe vào lúc 10 giờ tối, thư thả nhấp một ly trà hoa cúc. Kế đó, họ đánh răng, đeo tai nghe và thả mình xuống chiếc giường êm ái, khác hẳn những kiểu ngủ gò bó, khổ sở thường thấy trên máy bay hoặc xe khách. Sáng hôm sau tỉnh dậy, họ đã ở một thành phố khác, được phục vụ một ly espresso trước khi xuống xe.
Trong một lần đưa phóng viên kênh ABC7 News tham quan khách sạn độc đáo của mình, ông Currier - giám đốc điều hành và là nhà đồng sáng lập Cabin – khoe: “Giường của chúng tôi cực kỳ thoải mái, drap trải giường cùng loại mà Ritz Carlton (chuỗi khách sạn 5 sao hàng đầu thế giới – NV) hay dùng”. Ý tưởng của chiếc xe kiêm khách sạn này, theo ông Currier, thực chất bắt nguồn từ những chuyến xe lửa và tàu thủy của thời giữa thế kỷ 19 còn ít nhiều lãng mạn.
Cabin hiện có một đội xe hai tầng với thiết kế nội thất sang trọng và dịch vụ chất lượng cao, theo Forbes. Trên xe có các khoang ngủ riêng tư – chứa được 23 khách – và một phòng chung để mọi người giao lưu. Trong diện tích khoảng 55 m2 của toàn xe, hành khách được tận hưởng đầy đủ dịch vụ, từ tiếp viên phục vụ 24/7, phòng tắm, Wi-Fi miễn phí đến các ổ điện và đèn đọc sách riêng. “Chúng ta đang đầy lạc quan về các phát kiến mới như công nghệ tự động và nhiên liệu thay thế, song điều mà chúng tôi quan tâm là trải nghiệm của người dùng. Hệ thống đặt chỗ, các bảng điều khiển điện tử... trên xe hiện đại không thua gì bên ngành hàng không”, ông Currier nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tạo cảm giác thoải mái, ưu tiên hàng đầu của Cabin còn là đảm bảo an toàn cho khách hàng. Theo ông Currier, công ty dồn vốn đầu tư vào các thiết bị cảnh báo như máy quét mắt (để chắc chắn tài xế tỉnh táo), thiết bị đo sự tăng giảm tốc độ (để đảm bảo chất lượng lái xe)... Kênh ABC7 News cho biết thêm, Cabin huấn luyện tài xế bằng một ứng dụng trên iPad, trong đó càng lái xe êm càng được điểm cao. Nhìn xa hơn về tương lai, Cabin đang tính đến khả năng khách sạn của mình sẽ tự chuyển động nhờ vào công nghệ tự động.
Còn chưa rõ Cabin thành công hay thất bại nhưng hiện giờ, doanh nghiệp khởi nghiệp này đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động. Ban lãnh đạo Cabin cho rằng hành khách đã chán ngán chuyện xếp hàng dài lê thê ở sân bay hay phải lên xe xuống tàu nhiều lần để đến được nơi cần đến. Điều họ cần, theo Cabin, là một cái khách sạn tự chạy đến với họ.
[box] Học theo châu Âu
Trao đổi với Forbes, ông Tom Currier cho rằng cần có một hệ thống giao thông kết nối toàn nước Mỹ như châu Âu. “Người dân châu Âu đi lại trong khu vực bằng xe lửa đến 7,5 tỉ lượt mỗi năm. Con số này ở Mỹ là 31 triệu lượt. Sự chênh lệch này nằm ở chỗ tại các thành phố châu Âu đều có thể dễ dàng đi bộ cũng như tiếp cận các phương tiện công cộng. Ở Mỹ thì khác, ở hầu hết các thành phố, người dân đều cần xe hơi để tiện đi lại”, ông giải thích.
Cũng theo ông Currier, chỉ 5 năm trước, sau khi đi từ Los Angeles đến San Francisco, phải có một chiếc ô tô để di chuyển ở San Francisco. Tình hình hiện nay đã có cải thiện nhờ các dịch vụ chia sẻ xe như Uber và Lyft, qua đó hỗ trợ nhu cầu đi lại trong các thành phố mà không cần sở hữu xe. [/box]