(SGTT) - Nếu thích có những tấm ảnh màu sắc chân thật và hoài cổ, người chụp ảnh có thể chọn mua máy ảnh cơ SLR chụp bằng phim. Với mỗi cuộn phim giới hạn, các dòng máy ảnh này sẽ giúp người chụp ảnh “nâng niu” từng kiểu ảnh.
Đồng thời, việc mang theo một chiếc máy ảnh phim giúp chủ nhân tô điểm thêm cho phong cách sống hoài cổ của mình.
Các dòng máy ảnh này sản xuất đã lâu nên thị trường hiện nay chủ yếu là máy đã qua sử dụng. Với giá khoảng 2-3 triệu đồng/máy, cuộn phim khoảng 60.000 đồng/cuộn, máy ảnh chụp phim là một sự lựa chọn khá thú vị và vừa túi tiền cho những ai yêu thích nhiếp ảnh.
Pentax K1000
Ra đời từ năm 1976 và tiếp tục được sản xuất đến năm 1997, đây là chiếc máy ảnh cơ có “lịch sử” lâu đời. Theo những người am hiểu, Pentax K1000 được đánh giá là có độ bền cao và dễ sử dụng. Máy biểu thị đo sáng bằng kim điện kế nằm phía bên phải dụng cụ ngắm, giúp người chụp dễ dàng nắm bắt thông số cũng như cách điều chỉnh.
- Giá khoảng 1,5 triệu đồng.
Minolta SRT-102
Ra đời từ khoảng năm 1973, đây là chiếc máy chụp phim có thiết kế truyền thống. Người chụp sẽ điều chỉnh toàn bộ thông số bằng tay với núm xoay điều chỉnh ISO và tốc độ. Khẩu độ được điều chính trực tiếp trên ống kính. Thông tin được hiển thị trong ống ngắm đầy đủ.
- Thân máy và ống kính loại 50mm f/1.7, có giá dao động từ 1,7 đến 2 triệu đồng.
Minolta X-500
Chiếc máy ảnh này có tuổi đời khá lâu, phù hợp cho người mới bắt đầu chụp ảnh bằng máy cơ. Máy khá nhỏ gọn, giúp cho việc chụp ảnh trở nên thuận tiện, cầm không có cảm giác nặng tay.
Tính năng của X-500 có thêm chế độ chụp ưu tiên khẩu như chế độ A hoặc AV trên máy kỹ thuật số, không phải điều chỉnh toàn bộ thông số bằng tay.
- Thân máy và ống kính 50mm hoặc 28mm có giá khoảng hơn 2 triệu đồng.
Nikon FM2
Ra đời từ năm 1982, Nikon FM2 có hai phiên bản đen và đen bạc, có chức năng chụp ưu tiên khẩu độ. Tốc độ chụp 1/4000s so với mức phổ thông là 1/1000s nên được người dùng ưu tiên lựa chọn hơn.
Máy sử dụng hệ thống đo sáng trung tâm được biểu thị qua đèn LED, thay vì sử dụng kim điện kế truyền thống. Các tính năng điều chỉnh được bố trí hợp lý.
- Thân máy và ống kính 50mm f/1.4 có giá khoảng 5 triệu đồng.
Olympus OM-10
Được ra mắt vào năm 1976 và tiếp tục được sản xuất trong 20 năm sau, chiếc máy này có trọng lượng khá nhẹ và hình dáng nhỏ gọn. Mẫu thiết kế của máy khỏe khoắn với vỏ kim loại, cầm chắc tay.
Tuy nhiên, máy chỉ có một chế độ chụp duy nhất là ưu tiên khẩu độ. OM-10 có tính năng tự chỉnh tốc độ màn trập nên người không thạo về chụp ảnh cũng có thể dễ dàng sử dụng. Tốc độ màn trập (shutter speed) được hiểu là thời gian màn trập đóng/mở để ánh sáng đi vào tiếp xúc với tấm phim của máy ảnh chụp phim.
- Thân máy và ống kính khoảng 2,5 triệu đồng.
Canon AE-1
Dòng máy này có thể đo sáng tự động, chụp ưu tiên tốc độ, thuận tiện chụp những cảnh động, chủ thể đang di chuyển – vốn là một điều khá khó khăn đối với máy ảnh chụp phim. Ống ngắm của máy được thiết kế tối giản với một kim ngắm.
- Thân máy và ống kính 50mm f/1.4 có giá khoảng 2,3 triệu đồng.
Fujica ST801
Fujica ST801 có chế độ hiển thị số liệu bằng đèn LED trong ống ngắm. Cụ thể, khi người chụp chọn khẩu và tốc độ, đèn LED trong ống ngắm sẽ nhấp nháy ở một hoặc hai trong 7 vị trí để cho biết việc đo sáng có ổn hay không.
- Giá từ 1,5 triệu đồng.
Các bước để chụp ảnh bằng máy cơ
- Chọn phim cuộn phù hợp với máy và túi tiền, thông thường có ISO 200 và 400. Với ISO như vậy, người chụp nên lưu ý vấn đề ánh sáng để ảnh chụp đủ sáng. Sau khi cài phim vào máy cẩn thận, người chụp sẽ điều chỉnh “lên” phim để bắt đầu chụp.
- Khi chỉnh thông số, người chụp xoay nút xoay ISO để chỉnh về đúng thông số ISO của cuộn phim. Với khẩu độ, người chụp chụp cảnh vật, đường phố thì chọn khẩu độ 5.6, tốc độ chụp vừa phải 1/125s. Việc lấy nét phải căn chỉnh kỹ càng, tránh trường hợp bị mất nét, lãng phí phim.
- Lưu ý, máy cơ không có hệ thống chống rung như máy kỹ thuật số nên người chụp phải cầm máy chắc tay. Sau khi chụp xong, người chụp nên “lên” phim tiếp theo sẵn để không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp. Sau đó lấy cuộn phim cất giữ cẩn thận hoặc đến tiệm để tráng rửa.
Bảo quản máy ảnhMáy phim nên được để vào tủ chống ẩm hoặc túi chuyên dụng. Không nên để máy ở những nơi ẩm thấp hoặc nhiệt độ quá cao dễ làm hư hỏng máy.Khi có ý định sửa chữa máy, nên tham khảo thông tin những cơ sở sửa chữa uy tín vì hiện nay khá khó để tìm đúng người am hiểu và có đủ linh kiện thay thế.Phim cuộn cũng nên được để vào ngăn riêng biệt để giữ phim bền màu theo năm tháng.
Khiết An