Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Trải nghiệm trà sen truyền thống Huế cùng nghệ nhân trà Thanh Nhị

(SGTT) – Những ngày này, khi đến Huế, du khách có thể ghé hiên trà Nhị Độ Mai trên đường Nguyễn Thiện Thuật để cùng nghệ nhân trà Trần Thị Thanh Nhị ướp trà trong những bông sen cổ xứ Huế đang vào mùa nở rộ cũng như cách thưởng thức trà Huế theo kiểu truyền thống.

Hiện nay, Huế đang vào mùa sen nở, đặc biệt là giống sen trắng cổ. Trong hình là du khách và người dân địa phương chụp ảnh kỷ niệm với sen tại hồ Tịnh Tâm, thành phố Huế. Ảnh: Hiếu Trương

Với hương thơm thanh khiết, nhẹ nhàng, là biểu tượng của sự tinh khôi, thanh cao, từ bi, phẩm chất bất khuất, mạnh mẽ, hoa sen từ lâu đã trở nên quen thuộc trong đời sống thường nhật và trong đời sống nghệ thuật của người dân Việt Nam. Sen đi vào cả trong cả văn hoá ẩm thực gắn với việc dùng các nguyên liệu sen để làm nên các món ăn, đặc biệt là trà sen.

Hoa sen vốn được trồng phổ biến khắp nơi trên cả nước, vì thế, mà nhiều vùng cũng làm trà sen. Dẫu vậy, trà sen xứ Huế vẫn để lại dấu ấn rất riêng trong lòng người bởi hương vị vừa thanh mát, dịu nhẹ, vừa đằm sâu, dai dẳng, ngọt ngào. Mùi vị của Trà Sen xứ Huế có thể ví như hình ảnh của người con gái trong thơ nhạc Trịnh Công Sơn: “Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi” (Như cánh vạc bay – Trịnh Công Sơn), là nét thanh nhã, trầm tư, đài các với “Vẻ đẹp không nơi nào có được/ Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” (Huế tình yêu của tôi – Thơ Đỗ Thị Thanh Bình).

Người dân hái sen tại hồ Tịnh Tâm. Ảnh: Hiếu Trương

Khác với trà sen làm từ giống Sen Bách Diệp (Tây Hồ) có đặc trưng mùi hương dày, đậm, ngát, rực rỡ, thì trà sen xứ Huế (từ giống sen cổ xứ Huế) lại có mùi hương rất thanh nhã, cảm giác như xa như gần, hư ảo, diễm lệ gợi cho người ta trò chơi trốn tìm của mùi hương, của vẻ đẹp người con gái mặc áo dài đi trong khói sương “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” (Hàn Mặc Tử). Những ai hiểu lòng sen, ngộ vị thiền càng hiểu được được “tình sen”, vị trà rất đậm đà.

Sen Huế giống cổ là đặc sản của xứu Huế khi đến mùa sen nở. Ảnh: Hiếu Trương

Tiến sĩ – Nghệ nhân trà Trần Thị Thanh Nhị vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống nghiên cứu trà trải qua nhiều đời (mà đặc biệt gắn với ông cố ngoại là ngài Phạm Xứng là quan Thượng Thư triều vua Đồng Khánh, rồi ông ngoại và cha). Những kí ức từ hồi còn tấm bé bên bàn trà của ông ngoại, của cha với các loại trà thủ công của nhà tự làm như trà hoa hồng, hoa cúc, hoa ngâu, hoa sói; những đêm cùng gia đình thưởng trà chờ hoa quỳnh nở hay những lần thưởng trà trong những đêm hè trăng sáng vằng vặc ngan ngát hương hoa cau… đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng của cô Thanh Nhị.

Nghệ nhân trà Thanh Nhị và người trồng sen tại hồ Đại Nội, thành phố Huế. Ảnh: Hiếu Trương

Với vai trò là người nghiên cứu, giảng dạy về văn hoá Việt Nam và là nghệ nhân trà thì với cô Thanh Nhị, làm trà, thưởng trà vừa là cách nâng niu bảo tồn những giá trị của truyền thống của gia đình, của dân tộc, vừa là cách để níu giữ thời gian và giữ cho hồn mình được thanh sạch, thiện lương.

Nghệ nhân trà Thanh Nhị hướng dẫn khách các bước trải nghiệm trà sen. Đầu tiên là chuẩn bị bạch trà - nguyên liệu để làm trà sen. Ảnh: Hiếu Trương

“Tôi biết rằng, tháng ngày ấy đã mãi mãi trôi đi, sẽ chẳng còn hương thơm ngày cũ, ngoại cũng đã vĩnh viễn về cõi thiên thu. Âu đó cũng là lẽ vô thường của cuộc đời. Dẫu vậy, ngoại chưa xa tôi bao giờ, người vẫn ở đây trong mỗi chén trà tôi uống, trong mỗi nụ hoa sớm mai trong vườn, trong những điều lành thiện của cuộc đời”, nghê nhân trà bộc bạch.

Vì thế, tuy rằng ít ỏi, chút gọi là thôi, nhưng mùa nào thức nấy, dệt hương làm trà hoa: mùa xuân thì hoa bưởi, hạ về thì hoa sen, thu sang tìm hoa cúc, đông tới vui với mộc, là cách để tôi không chỉ giữ mùa hương ấy cho những bằng hữu, tri âm, mà còn là gói giữ mùa hương ấy cho tháng năm, để thanh tẩy và ấp ủ cho tâm hồn mình được tinh khôi, thanh sạch, thiện lương, biết rung động, biết giá trọng, trân quý những vẻ đẹp của cuộc đời, nghệ nhân nói.

Sau đó là cảm nhận nguyên liệu. Ảnh: Hiếu Trương

Ngoài hương thơm và vẻ đẹp mang lại sự thư giãn, dễ chịu, trà sen mang lại rất nhiều giá trị cho sức khoẻ. Với sự kết hợp của trà xanh và hoa sen, trà sen giúp giải nhiệt và trị các bệnh mùa hè, làm mát các cơ quan nội tạng, làm đẹp da, góp phần nuôi dưỡng, tái tạo tế bào da làm làn da luôn trẻ trung, mịn màng.

Bên cạnh đó, trà sen rất tốt cho sức khỏe xương và răng miệng; giúp thải độc, giúp minh mẫn, tỉnh táo, lợi ích cho tim mạch, giúp tan mỡ, giảm cân, duy trì vong eo thon gọn.

Mở cánh sen đưa trà vào. Ảnh: Hiếu Trương
Cho trà vào bông sen. Ảnh: Hiếu Trương
Gói bông sen để ủ trà. Ảnh: Hiếu Trương
Gói trà được buộc kỹ. Ảnh: Hiếu Trương

Để làm trà sen có hai cách làm phổ thông là trà sen tươi (nhiều nơi gọi là trà sen tươi, trà sen xổi, trà sen sớm…) và trà luyện hương sen gạo truyền thống. Khi làm trà sen, điều quan trọng ở việc chọn được nguồn nguyên liệu lí tưởng (có thể chọn nhiều chất liệu tuỳ theo sở thích, có thể chọn trà Tân Cương – Thái Nguyên, hoặc các giống trà cổ thụ Tây Bắc…) và sen đương độ hàm tiếu chất chứa trong đó bao nhiêu tinh tuý của đất trời gói ghém trong từng nhuỵ hoa.

Bàn trà để thưởng thức trà sen. Ảnh: Hiếu Trương

Những bông sen hàm tiếu được lựa chọn kỹ lưỡng này sẽ được tẩn mẩn tách lấy phần gạo làm trà sen gạo truyền thống hoặc được ngậm trà bên trong khoảng một đêm theo cách ướp sen xổi. Thời khắc trà đã đủ độ căng hương, thấu vị, trà khách gột sạch thân tâm, rồi tìm đến nơi nước biếc non xanh, hoặc góc hoa lá hiên nhà, hoặc nơi thư phòng… rồi thong thả, thư thái mà nhàn nhã thưởng trà.

Thưởng thức trà bên hồ Tịnh Tâm. Ảnh: Hiếu Trương

Từng bông sen đã trút hết tâm hương và người nghệ nhân luyện hương cũng tỉ mẫn trút hết tâm can cho từng cánh trà để tạo nên một phẩm vị chất chứa, hoà quyện tinh hoa của đất trời, con người nơi đây. Trà sen xứ Huế với phong vị của gió núi, mây ngàn chốn sông Hương núi Ngự, với hương sen thanh khiết của hồ, đầm Cố Đô, còn có cả sự khéo léo, nhẫn nại của những nghệ nhân trà, đó chính là sự tổng hoà của Thiên – Địa được thăng hoa bởi tình yêu của những con người đang muốn giữ gìn và phát triển nghề làm trà Sen thủ công truyền thống xứ Huế.

Nghệ nhân Thanh Nhị truyền nghề lại cho các bạn trẻ muốn học hỏi về nghề làm trà sen truyền thống. Ảnh: Hiếu Trương

Năm 2019, trong cuộc thi Tea Masters Cup do Hiệp hội Chè tổ chức, chị Thanh Nhị đã giành giải nhì trong phần thi Thử nếm trà, và giải quán quân phần thi Trà và đồ ăn kèm, vinh dự trở thành một trong ba đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi trà quốc tế sắp tới sẽ tổ chức tại Trung Quốc.

Hiếu Trương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối