Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024

Trăm ‘app’ đua nở, vừa rối vừa không hiệu quả

Các ứng dụng (app) hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 xuất hiện rất nhiều, tuy nhiên dữ liệu không chính xác, không liên thông với nhau… đã gây ra khó khăn cho người dân khi sử dụng, đồng thời còn ảnh hưởng đến việc xác nhận đã tiêm vắc-xin và cho phép đi lại trong điều kiện “bình thường mới” sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Quá nhiều ứng dụng, dữ liệu không thống nhất

Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay tại Việt Nam người dân đã phải liên tục cài đặt hàng loạt app để phục vụ khai báo y tế, đi lại, tiêm chủng vắc-xin… Tuy nhiên, các app này có các tính năng trùng lắp, hoạt động không ổn định, phức tạp… khiến người dân rất bối rối, vất vả khi sử dụng.

Trường hợp muốn điều chỉnh thông tin tiêm chủng trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, người dân cần cung cấp đầy đủ thông tin, đính kèm ảnh chụp “Giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19” vào phần phản ánh thông tin tiêm vắc-xin Covid-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng tiemchungcovid19.gov.vn. Sau đó, điền đầy đủ các thông tin cá nhân cần thiết như họ tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân (CMND/CCCD), đơn vị công tác, số điện thoại và cuối cùng là điền vào mục thông tin cần điều chỉnh, Bộ Y tế cho biết.

Một trong những ứng dụng được nhiều người quan tâm, phàn nàn nhiều nhất thời gian gần đây là ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Đây là ứng dụng có nhiều tính năng liên quan đến khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vắc-xin, xác nhận tiêm chủng vắc-xin… Tuy nhiên ứng dụng này gặp rất nhiều phản ứng từ người dân vì cung cấp dữ liệu không chính xác.

Anh Nguyễn Thế Bảo ở quận 2 TPHCM cho biết anh đi tiêm vắc-xin Covid-19 đã gần 1 tháng nhưng kiểm tra trên phần mềm Sổ sức khỏe điện tử thì vẫn không có xác nhận đã tiêm chủng dù đã nhập thông tin chính xác.

Một số người dân khác tại TPHCM phản ánh sau khi tiêm chủng đủ 2 mũi và kiểm tra trên app Sổ sức khỏe điện tử thì thấy báo màu xanh (đã tiêm đủ 2 mũi). Tuy nhiên, một tuần sau kiểm tra lại thì lại thấy báo màu vàng (chỉ mới tiêm 1 mũi). Bên cạnh đó nhiều người dùng cũng phản ánh ứng dụng này hiển thị thông tin tiêm chủng của người dân không chính xác từ số điện thoại, địa chỉ, cho đến ngày tháng năm sinh.

Qua ghi nhận từ người dân, phản ánh nhiều nhất đối với các ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 này là các ứng dụng hoạt động chập chờn, xác nhận thông tin đăng ký không được, không đăng ký được tài khoản, không quét được mã QR trên bảo hiểm y tế, nhiều phần mềm báo lỗi liên tục, thiếu thông tin bệnh viện địa phương, quận, thành phố…

Dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng trên app sổ sưc khỏe điện tử chỉ hiển thị 1 mũi tiêm. Ảnh: Minh Hoàng

Ông Trần Viết Quân, CEO công ty phần mềm Tanca.io, cho rằng có quá nhiều ứng dụng và người dân đang rối với các ứng dụng này. Ứng dụng công nghệ thông tin là rất quan trọng để hỗ trợ việc chống dịch nhưng hiện tại các ứng dụng thật sự hiệu quả hỗ trợ cho chống dịch thì chưa thấy. Vấn đề quan trọng là dữ liệu, làm sao để các dữ liệu từ nhiều nguồn được đồng bộ với nhau hoặc người dân có thể cung cấp các dữ liệu này.

Ông Nguyễn Duy Vĩ, người sáng lập công ty Buzi Agency, cho biết thời gian qua, người dân thật sự hoang mang khi có quá nhiều ứng dụng liên qua tới việc tiêm vắc-xin, kiểm tra y tế, khai báo dịch tễ. Những ứng dụng này đa phần đều na ná nhau nhưng lại gặp rất nhiều trục trặc từ việc đăng nhập, tra cứu dữ liệu vì không có tính đồng bộ. Việc ra mắt các ứng dụng liên quan tới Covid-19 là một tín hiệu đáng mừng của các cơ quan quản lý khi đã áp dụng kịp thời để tăng hiệu quả quản lý và giúp tiết kiệm sức người sức của.

Tuy nhiên, việc mỗi đơn vị ban ngành lại có một ứng dụng liên quan lại là câu hỏi khiến ông thắc mắc. “Tại sao lại quá nhiều ứng dụng giống nhau như vậy để rồi không đồng nhất được cơ sở dữ liệu, hiệu quả hầu như bằng không. Trên hết là sự hoang mang của người dân không biết họ nên dùng ứng dụng nào để phù hợp với mình”, ông Vĩ nói.

Theo đại diện Viettel Solutions, đơn vị phát triển hệ thống ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, việc cập nhật thông tin sẽ phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ y tế tại cơ sở tiêm chủng. Việc nhập dữ liệu sẽ do chính cán bộ tại cơ sở tiêm chủng thực hiện. Người dân có thể kiểm tra chứng nhận tiêm chủng sau khi các cơ sở y tế nhập toàn bộ thông tin tiêm chủng của người dân lên hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Do số lượng người tiêm rất lớn, các cơ sở y tế cần thời gian để nhập liệu thông tin của từng đối tượng, vì vậy một số người sẽ có chứng nhận tiêm chủng muộn.

Bộ Y tế cho biết ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử được kết nối trực tiếp với hệ thống tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế. Mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử sẽ thay thế cho giấy chứng nhận tiêm vắc-xin Covid-19. Việc tình trạng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử chưa lưu thông tin hoặc chưa cập nhật chính xác số mũi vắc-xin đã tiêm trong mục chứng nhận ngừa Covid-19 đang khiến nhiều người lo lắng, vì nếu thông tin tiêm chủng chưa được cập nhật có thể gây nhiều khó khăn và phiền toán sau này khi cần xuất trình chứng nhận tiêm vắc-xin.

Về nguyên tắc, khi triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, các đơn vị thực hiện tiêm chủng sẽ chủ động cập nhật thông tin của người dân được tiêm tại đơn vị lên hệ thống tiemchungcovid19.moh.gov.vn và sau khi tiêm, người dân sẽ có kết quả tiêm ngay trên Sổ sức khỏe điện tử.

Tuy nhiên, thời gian qua, do hệ thống mới vận hành, chưa phải tất cả các đơn vị tiêm đã có trên phần mềm nên dẫn đến dữ liệu bị cập nhật chậm lên hệ thống. Hiện nay, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương đôn đốc các đơn vị triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trên hệ thống quản lý tiêm, đồng thời cập nhật kết quả tiêm trước đó lên hệ thống trước 20-9.

Cần thống nhất 1 nền tảng dùng chung

“Chúng ta có cần phải dùng quá nhiều ứng dụng không? Chúng ta có thể sử dụng hệ thống web với tên miền đơn giản để có thể chỉnh sửa hay cập nhật dữ liệu tức thời. Đối với ứng dụng chúng ta phải chờ đợi các bản cập nhật khi được Apple và Google duyệt trong khi đó việc cập nhật thông tin và dữ liệu từ web rất nhanh. Tôi vẫn cho rằng chúng ta không có chiến lược công nghệ để chống dịch mà dường như mỗi cơ quan đang tự xây dựng hệ thống công nghệ cho mình”, ông Trần Viết Quân nói.

Người dân TPHCM thực hiện khai báo di chuyển nội địa tại một chốt kiểm soát dịch. Ảnh: Minh Hoàng

Một chuyên gia an ninh mạng tại TPHCM cho biết việc phát triển quá nhiều app có cùng tính năng như nhau, chỉ khác biệt vài tính năng nhỏ, là không cần thiết. Nhiều app khác nhau không chỉ gây bất tiện cho người dân mà còn gây ra rất nhiều nguy cơ khác khau. Trong đó, nguy cơ lộ lọt dữ liệu, sai sót dữ liệu là rất lớn khi có đến hàng chục triệu người dân khai báo thông tin.

Các app khác nhau được quản lý bởi các đơn vị khác nhau, trình độ bảo mật của các đơn vị cũng khác nhau nên nguy cơ bị hacker tấn công là rất lớn. Hiện nay dữ liệu là “mỏ vàng” với hacker nên càng nhiều app chứa dữ liệu thì nguy cơ bị hacker tấn công là rất dễ dàng.

“Cần thống nhất chung một app duy nhất vì theo tôi thấy hiện nay các app đều có các tính năng na ná nhau. Dùng một app duy nhất, khi cần bổ sung tính năng mới thì lập trình, cập nhật bổ sung tính năng mới này vào cũng dễ dàng chứ đâu có phức tạp. Một app duy nhất vừa thuận tiện quản lý, bảo mật dữ liệu vừa dễ dàng liên thông, liên kết với các bộ, ngành, địa phương”, vị chuyên gia này nhận xét.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến nay công nghệ số đã giúp kết nối gần 2.000 cơ sở y tế trên toàn quốc, đặc biệt là 100% trung tâm y tế huyện, 100% bệnh viện tuyến tỉnh và 100% bệnh viện trung ương đã được kết nối để bảo đảm thông suốt trong việc hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Công nghệ phục vụ xác định nhanh danh sách 13 triệu người trên 60 tuổi, phân bổ chi tiết theo từng địa phương để phục vụ chính sách tiêm chủng Quá nhiều ứng dụng, dữ liệu không thống nhất Covid-19. Công nghệ phục vụ truy vết nhanh hàng chục ngàn trường hợp liên quan đến ca nhiễm, ca nghi nhiễm. Công nghệ cũng đã hỗ trợ điều phối hiệu quả gần 50.000 bệnh nhân Covid-19 tới các bệnh viện ở TPHCM.

Theo ông Nguyễn Duy Vĩ, chỉ cần một ứng dụng duy nhất do cơ quan quản lý cao nhất xây dựng và triển khai, tất cả người dân các thành phố, quận huyện trên cả nước chỉ cần tải và cài đặt một lần duy nhất để sử dụng là hợp lý nhất. Việc này giúp quản lý được dữ liệu một cách tập trung, xử lý thông tin nhanh, chính xác, tránh các vấn đề sai sót và tiết kiệm rất nhiều chi phí thay vì mỗi nơi là một ứng dụng như hiện nay.

Ông Yeo Siang Tiong, Tổng giám đốc công ty an ninh mạng Kaspersky Đông Nam Á, cho  rằng đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò quan trọng của Chính phủ điện tử nói chung và chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nói riêng. Số hóa trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang được triển khai sâu rộng tại Việt Nam và đây là tín hiệu đáng mừng đối với người dân và quốc gia trong thời kỳ khó khăn này.

“Chính phủ cũng nhận thức được các công nghệ và ứng dụng này sẽ thu hút tội phạm mạng vì các đối tượng này luôn nhắm tới lượng data khổng lồ. Vì vậy việc nhận thức được các nguy cơ sẽ phải là việc làm đầu tiên để từ đó thực hiện các cơ chế phòng thủ và có những biện pháp, khung pháp lý để quản lý dữ liệu quốc gia”, ông Yeo Siang Tiong nói.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, những ngày vừa qua, thông tin tiêm chủng của người dân tại TPHCM đã được triển khai cập nhật lên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Trong đó, một số trường hợp khi kiểm tra phát hiện có sự nhầm lẫn thông tin cập nhật trên Sổ sức khỏe điện tử. Để thuận tiện cho việc chỉnh sửa các thông tin chưa chính xác, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM triển khai cung cấp đường link tiếp nhận thông tin cần chỉnh sửa liên quan vấn đề tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của người dân trên Sổ sức khỏe điện tử. Các thông tin cần chỉnh sửa sẽ chuyển đơn vị liên quan cập nhật. Người dân truy cập và cung cấp đầy đủ thông tin, đính kèm ảnh chụp “Giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19” để được hỗ trợ điều chỉnh thông tin sớm nhất.

Chánh Trung

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối