Trầm cảm là một bệnh lý phức tạp, phổ biến và thường bị coi nhẹ. Tuy nhiên, hậu quả của nó để lại cho sức khỏe tâm thần và tương lai cuộc sống của người mắc phải là vô cùng tai hại.
Trong xã hội hiện nay, bệnh trầm cảm là một trong những căn bệnh tâm lý phổ biến và nguy hại nhất nhưng chưa nhận được sự quan tâm một cách đầy đủ. Đã có rất nhiều người chọn cách tự kết liễu cuộc đời vì căn bệnh tinh thần tưởng chừng như không nguy hiểm này. Danh sách nạn nhân bao gồm cả nhiều người rất nổi tiếng và thành đạt, những người vốn có thể hưởng thụ những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Điều đó phần nào cho thấy sự thờ ơ ở mức độ nhất định của xã hội đối với trầm cảm.
Tổn thất lớn không ngờ
Ngày 19/10, tại Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TPHCM, TS.BS. Trịnh Tất Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM, đã trình bày về vấn đề “Bệnh Trầm cảm – Nhận biết sớm, chẩn đoán và điều trị”. BS. Thắng cho biết, trầm cảm là bệnh gây hậu quả tàn phế đứng hàng đầu trong các nhóm bệnh. Về tổn thất kinh tế do bệnh gây ra, trầm cảm hiện đứng thứ tư. Dự đoán đến năm 2020, trầm cảm sẽ là bệnh xếp thứ hai chỉ sau các bệnh tim mạch. Nếu chỉ tính trong khoảng tuổi từ 14 đến 44, tổn thất kinh tế gây ra do trầm cảm hiện đã xếp hàng thứ hai trong các loại bệnh.
Ở Việt Nam, theo số liệu của Viện Tâm thần Trung ương, tỷ lệ trầm cảm chiếm khoảng 3% dân số. Tại TPHCM, một nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần TPHCM chỉ ra tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm chiếm đến khoảng 6% trong cộng đồng. Điều đó cho thấy, trầm cảm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống kinh tế-xã hội nhưng lại chưa được cộng đồng quan tâm và đánh giá đúng mức. Việc nhận diện các biểu hiện lâm sàng và phát hiện bệnh sớm là rất quan trọng để hỗ trợ kịp thời, giúp người bệnh thay đổi lối sống, điều trị và hạn chế tình trạng bệnh chuyển biến xấu.
Trầm cảm len lỏi tới mọi ngõ ngách của cuộc sống thường nhật, xuất hiện nhiều ở lứa tuổi thanh và trung niên. Đôi khi, những người giàu có, nổi tiếng lại chịu áp lực lớn trong cuộc sống. Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần TPHCM hiện đang khám tại phòng khám “Hello bác sĩ”, cho biết gần đây có khá nhiều doanh nhân và nhà quản lý thành đạt ở tuổi trung niên có vấn đề về mất ngủ và trầm cảm. Họ phải gồng mình lên để chống chọi lại cảm giác đơn độc trong thế giới của riêng mình, không tìm được mục đích để tồn tại.
Triệu chứng và cách điều trị
Theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, đa phần bệnh nhân trầm cảm có các cảm giác buồn bã, trống vắng, tuyệt vọng và muốn khóc. Sự thất vọng, khó chịu, tức giận bùng nổ ngay cả trong những vấn đề nhỏ nhặt. Bệnh nhân mất hứng thú trong hầu hết các hoạt động thường ngày như tình dục, thể thao và các sở thích cá nhân. Bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, bị mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Bệnh nhân mệt mỏi và thiếu năng lượng, ngay cả các hoạt động thường ngày cũng tốn rất nhiều thời gian để thực hiện.
Xuất hiện bất thường trong ăn uống, chán ăn và giảm cân nhanh hoặc thèm ăn và tăng cân quá nhanh. Thường xuyên lo âu, kích động hoặc bồn chồn; suy nghĩ, nói năng và cử động chậm chạp. Xuất hiện cảm giác bản thân vô giá trị, tội lỗi, tự đổ lỗi hoặc mong muốn sửa chữa những sai lầm và thất bại trong quá khứ. Đặc biệt, bệnh nhân dần gặp khó khăn khi tập trung, suy nghĩ, ghi nhớ và đưa ra quyết định, thường xuyên nghĩ đến cái chết và tự sát.
Căn bệnh trầm cảm là một nỗi đau tuyệt vọng không lý do rõ ràng. Người bị bệnh trầm cảm vẫn hoàn toàn tỉnh táo và có lý trí để đánh giá mọi việc. Nhưng họ lại thường nhìn mọi thứ dưới lăng kính tiêu cực. Cảm giác chán chường, tự ti, buồn bã đều là cảm xúc chủ quan và khó có thể giải thích được. Khi không thể vượt qua được những cảm giác yếu mềm, bế tắc của bản thân, họ tìm đến cái chết như một cách giải thoát.
Đây là một loại rối loạn nghiêm trọng, nhanh chóng trở nên tồi tệ nếu không được điều trị. Nó sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi và sức khỏe, gây ra những biến chứng liên quan đến hội chứng này như thừa cân hoặc béo phì dẫn đến bệnh tim và tiểu đường. Ngoài ra còn thể có hiện tượng lạm dụng rượu hoặc ma túy, lo lắng, rối loạn, hoảng loạn hoặc ám ảnh về xã hội; xung đột trong gia đình, khó khăn với các mối quan hệ; cách ly xã hội; có cảm giác, mong muốn hoặc thực hiện hành vi tự tử; tự làm tổn thương bản thân…
Do đó, khi có các triệu chứng trên, người bệnh cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và điều trị. Để điều trị dứt điểm bệnh này cần phải có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tập thể dục điều độ, kết hợp với dùng thuốc, đặc biệt cần có sự hợp tác kiên nhẫn từ bệnh nhân và gia đình.
Theo BS. Trụ, để phòng ngừa ngừa bệnh tâm thần, trước tiên mỗi người cần học cách quản lý sự căng thẳng, tức là học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, cho công việc, nghỉ ngơi. Dành thời gian để có hoạt động thư giãn. Nên tìm hiểu thêm về thông tin bệnh, để biết khi nào mình có vấn đề để cần trợ giúp bên ngoài. Tất cả chúng ta, dù là một người bình thường hay một doanh nhân cũng đều cần phải rèn luyện thể lực cường tráng, rèn luyện nhân cách mạnh mẽ, cân bằng có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Bình An