T.NGỌC-A.QUÂN -
Tại một số quận nội thành TPHCM hiện nay, nhiều hãng xe kinh doanh vận tải hành khách đã biến trạm trung chuyển khách thành nơi hoạt động như một bến xe. Lòng đường bị lấn chiếm, giao thông công cộng bị ảnh hưởng bởi các “bến xe mini” này.
Đường là bến xe
Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, quận 5 là một trong những địa bàn có nhiều hãng xe kinh doanh vận tải hành khách (gọi tắt là nhà xe – NV) dùng lòng đường, lề đường làm nơi đón khách, lên xuống hàng hóa. Ở đường Lê Hồng Phong có các nhà xe Thành Bưởi, Phương Trang; đường Trần Phú có nhà xe Thanh Thủy, Kim Hoàng; đường Nguyễn Hữu Chí, đường Tản Đà, đường Nguyễn Duy Dương cũng nhiều nhà xe chạy các tuyến miền Đông-Tây Nam bộ.
Theo ghi nhận, tại khu vực nhà xe Thành Bưởi trên góc đường Lê Hồng Phong-Trần Phú (phường 4), cứ khoảng 30 phút là có một chuyến xe giường nằm, hoặc loại 45 chỗ đến trả khách và đón khách tuyến Sài Gòn-Đà Lạt. Mỗi khi các xe này tấp vào, hàng loạt xe taxi, xe ôm chạy đến đón khách.
Qua giao lộ Trần Phú-Lê Hồng Phong một đoạn là “địa phận” của nhà xe Phương Trang. Nhà xe này có trạm trung chuyển hàng hóa và rất nhiều thời điểm trong ngày, những chiếc xe khách loại lớn đậu lại chất hàng khiến con đường này chỉ còn lối đi vừa cho một chiếc xe hơi.
Ông Phạm Trung Trực, Phó chủ tịch phường 4, cho rằng các khu vực mà những nhà xe sử dụng như nói trên chỉ là trạm trung chuyển, đón khách để đưa ra các bến xe miền Đông, miền Tây. Tuy nhiên, chính phóng viên đã mua vé ở trạm trung chuyển của Thành Bưởi để đi Đà Lạt trực tiếp và hoàn toàn không có chuyện nhà xe này trung chuyển khách về bến.
Tại đường Nguyễn Duy Dương, nhiều nhà xe cũng dùng lòng đường là nơi dừng, đậu để chất hàng hóa và đón khách. Dù quy mô không nhiều như các nhà xe ở đường Lê Hồng Phong nhưng mỗi khi các loại xe 32, 45 chỗ đậu lại là gần như chiếm hết một chiều của con đường này.
Tại quận 1, những con đường như Nguyễn Thái Bình, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão cũng gặp tình trạng nhà xe lấn đường. Những hãng xe như Hoa Mai, Toàn Thắng thường có nhiều xe đậu dọc con đường nhỏ hẹp Nguyễn Thái Bình để chờ xuất bến, lên xuống hàng hóa. Nhiều thời điểm, xe Toàn Thắng còn đậu sang đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa dù đoạn đường này từ Hàm Nghi đến Nguyễn Công Trứ là cấm đậu. Ông Nguyễn Chí Việt, Phó chủ tịch phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), cho rằng địa bàn phường không có các “bến xe cóc” vì các nhà xe đều có giấy phép kinh doanh vận tải. Chính vì vậy, nếu các nhà xe đón, trả khách không đúng quy định thì họ sẽ bị xử phạt.
Anh Hà, sống ở chung cư Nguyễn Thái Bình, quận 1 nói rằng nhiều lúc những chiếc xe của các hãng Hoa Mai, Toàn Thắng chiếm hết lòng đường, lối đi của cư dân ở đây. Dân nhiều lần phản ánh lên phường nhưng vẫn không có sự thay đổi nào nên đành chấp nhận kiểu như người dân miền Tây “sống chung với lũ”.
Trong khi đó, nhân viên một văn phòng du lịch gần ngã ba Phạm Ngũ Lão-Đề Thám cho biết đường Phạm Ngũ Lão bình thường thông suốt nhưng khi có xe của hãng Phương Trang dừng lại đón trả khách thì giao thông trở nên khó khăn một chút.
Khó lòng xử phạt
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, hiện nay có tình trạng các xe thực chất là vận tải hành khách tuyến cố định, song họ lách bằng nhiều hình thức như xe vận chuyển theo hợp đồng, xe chở khách du lịch lữ hành (open tour) để được sử dụng lòng, lề đường làm nơi đón trả khách, lên xuống hàng hóa. Khi kiểm tra thì nhà xe có đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vận tải.
Khi hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng hoặc lữ hành thì nhà xe được tập trung hành khách tại văn phòng của doanh nghiệp hoặc trụ sở chi nhánh. Tuy nhiên, điều mà ai cũng thấy đó là những xe này chạy theo lịch trình, hành trình như tuyến cố định. “Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải chạy theo tuyến cố định, có văn phòng đại lý bán vé bên ngoài bến xe, khi đủ lượng khách cần thiết thì cho xe trung chuyển đón khách đến bến xe để khởi hành thì không vi phạm các quy định. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ thực hiện điều này khi có thanh tra còn khi vắng bóng thanh tra thì cho xe đến văn phòng đón khách luôn”, ông Việt cho biết.
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, cho rằng các điểm đón và trả khách trong nội đô thành phố hiện có hàng trăm. Để “lách luật”, các nhà xe thường cho khách lên xe trong nội thành, sau đó ra bến trung tâm làm thủ tục xuất bến.
Theo ông Tính, để giải quyết chuyện dừng, đậu xe đón khách cũng như lên xuống hàng hóa gây ảnh hưởng giao thông, chính quyền cần quy hoạch những điểm được phép đón trả khách trong nội thành, trên các điểm được cho phép chứ không phải hãng nào cũng có thể tổ chức bến như hiện nay. Với xe trung chuyển, luật cũng đã quy định rõ ràng từ màu sơn, chữ… chứ không thể gọi xe chạy tuyến cố định là trung chuyển.
Trong buổi sơ kết an toàn giao thông trên địa bàn thành phố năm tháng đầu năm 2105, ông Lê Trương Hải Hiếu, khi đó còn là Phó chủ tịch UBND quận 1 (hiện là chủ tịch UBND quận 12), cho biết qua phản ảnh của người dân về việc các nhà xe gây ảnh hưởng giao thông ở địa bàn thì quận cũng đã kiểm tra. Theo đó, khi tổ chức kiểm tra các nhà xe hoạt động ở những khu vực đường Nguyễn Thái Bình, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, chủ của những doanh nghiệp trình ra đầy đủ các giấy tờ cần thiết về kinh doanh vận tải nên không thể xử phạt.
Quanh vấn đề này, ông Việt cho rằng hiện thanh tra Sở GTVT chỉ xử phạt được doanh nghiệp hoạt động theo dạng du lịch lữ hành hoặc hợp đồng du lịch với lỗi dừng, đậu xe trái quy định ở lề đường. Còn những vấn đề khác doanh nghiệp vận tải đều có giấy phép nên không thể xử phạt được. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do kẽ hở của pháp luật. Ví dụ, một đơn vị vận tải được phép đăng ký hoạt động nhiều loại hình như vận chuyển theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, vận chuyển tuyến cố định. Do vậy, doanh nghiệp dễ dàng hợp pháp giấy tờ và lực lượng chức năng khó mà xử lý được.
Về các giải pháp trong thời gian tới, ông Việt nói rằng, trong thời gian chờ bổ sung thêm các quy định của Bộ GTVT thì thanh tra sở sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý tại các điểm mà các nhà xe thường hay đón trả khách.