THÙY DUNG -
Sau vài năm tạm lắng, việc sử dụng chất tạo nạc – một chất cấm trong chăn nuôi – đã rộ lên trở lại, đặc biệt tại các tỉnh, thành phía Nam. Không chỉ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả những trang trại chăn nuôi cho các công ty có thương hiệu lớn cũng bị phát hiện có sử dụng chất cấm.
Đụng đâu cũng thấy vi phạm
Tại buổi họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vào đầu tuần này, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành của bộ, cho hay tại TPHCM, Chi cục Thú y thành phố trong sáu tháng đầu năm đã phát hiện đến 31 mẫu dương tính với chất salbutamol (một loại chất tạo nạc) trong bảy lô heo. Còn tại Đồng Nai, Chi cục Thú y của tỉnh này đã kiểm tra 44 trang trại trong tổng số gần 2.000 trang trại trên địa bàn và phát hiện 14 trang trại có heo dương tính với salbutamol, tức hơn 30% số mẫu kiểm tra có phát hiện chất cấm, một tỷ lệ rất lớn.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho hay, không chỉ các hộ dân trang trại nhỏ lẻ bị phát hiện có sử dụng chất tạo nạc mà ngay cả các trang trại gia công cho các công ty lớn như CP và Anco cũng bị phát hiện có sử dụng chất cấm. Theo ông Dũng, đoàn kiểm tra phát hiện hai trang trại gia công cho CP có sử dụng chất cấm. Công ty CP đã ký hợp đồng không sử dụng chất cấm trong quá trình nuôi heo nhưng khâu kiểm tra giám sát của công ty không chặt dẫn tới tình trạng một số trang trại vẫn sử dụng.
Đối với Anco, công ty này giao phiếu tiêm phòng vắc xin và giấy bán cho thương lái nhưng không có biện pháp theo dõi hay kiểm soát. Công ty cũng không nắm được việc một số thương lái mua heo của công ty về nuôi vỗ béo, sau đó mới xuất bán. Đây là hành vi vi phạm mới của thương lái, đó là mua lại heo xuất chuồng sau đó vỗ béo bằng cách sử dụng chất tạo nạc từ 5 đến 30 ngày. Trong thời gian này, heo có tốc độ tăng trọng rất lớn, từ 80 kg có thể lên 120-130 kg. “Anco có tổng đàn 95.000 con nuôi tập trung trong một trang trại và mỗi tháng xuất chuồng khoảng 14.000 con heo nên việc kiểm soát này là rất cần thiết”, ông Dũng nói.
Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, đoàn thanh tra cũng phối hợp với Công an Tiền Giang kiểm tra 38 mẫu nước tiểu của heo thì có tới 25 mẫu nước tiểu dương tính với salbutamol (chiếm hơn 65%). Ở tỉnh Bến Tre, khi kiểm tra 16 mẫu nước tiểu và 4 mẫu thức ăn bổ sung thì có 4 mẫu nước tiểu dương tính với salbutamon, chiếm 25%. Tại Tây Ninh, lấy hai mẫu kiểm tra thì cả hai mẫu đều có chất tạo nạc. “Việc sử dụng chất cấm là không dừng lại. Vì đồng tiền mà người chăn nuôi đã cố tình đưa chất cấm vào con heo mà không quan tâm tới sức khỏe của người chăn nuôi. Đây là việc làm không thể chấp nhận được”, ông Dũng nói.
[box] Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, nói: “Người chăn nuôi cần phải có ý thức tố giác các cơ sở sử dụng chất cấm. Không thể để họ đầu độc làng xóm, dòng tộc, đất nước mình được. Nếu dùng ma túy thì ai dùng người đó biết và người đó chịu, còn dùng chất cấm thì tất cả những người tiêu dùng ăn vào đều bị ảnh hưởng mà họ không hề hay biết gì”.[/box]
Tiêu hủy đàn heo nếu hai lần vi phạm
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng tình trạng sử dụng chất cấm bùng phát trở lại là do giá heo hiện đang ở mức cao khiến nhiều nông dân và thương lái muốn hưởng lợi bất chính. Bên cạnh đó, cũng có tình trạng người chăn nuôi chịu áp lực của thương lái để có heo nạc, bắt mắt. Đồng thời, sau thời gian dịu đi việc sử dụng chất cấm thì một số địa phương có tâm lý lơ là kiểm tra, xao lãng việc quản lý.
Ông Dương cho biết, chất tạo nạc là tên gọi của nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Ba chất tạo nạc có mặt trên thị trường là salbutamol, ractopamine, clenbuterol; trong đó sabutamol là chất được sử dụng phổ biến nhất. “Trên thế giới chỉ có chín nước cho phép sử dụng chất này, trong đó có Mỹ, nhưng họ có quy trình quản lý rất nghiêm ngặt. Còn đối với Việt Nam, chất tạo nạc là hoàn toàn bị cấm”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, khi động vật được cho ăn với một lượng lớn chất tạo nạc (1.000-6.000 mg/ngày) sẽ làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm da bóng mượt. Các loại chất này tồn dư trong thịt sẽ gây ra ngộ độc gồm các triệu chứng như run cơ, tim đập nhanh, tăng huyết áp, căng thẳng, đau đầu, đau cơ, choáng váng, buồn nôn, ói, sốt và ớn lạnh.
Hiện Cục Chăn nuôi đang phối hợp cùng các nhà khoa học và một số tổ chức quốc tế nghiên cứu que thử phát hiện nhanh chất tạo nạc trong nước tiểu của heo. Hoặc người tiêu dùng có thể cắm trực tiếp que thử trên thịt của con heo, nếu que thử đổi màu thì phát hiện được thịt heo có chứa chất cấm. Trong vài tuần nữa Cục Chăn nuôi sẽ làm xong que thử và đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành quy trình tạm thời áp dụng phương pháp này để sàng lọc nhanh ở các vùng xa xôi như Lào Cai, Yên Bái, Tây Nguyên…
Theo ông Dương, hệ thống pháp luật đã rất đầy đủ và rất nghiêm đối với các cơ sở sử dụng chất cấm nhưng quan trọng là thực thi ở các cơ quan cấp tỉnh. Hiện nay, nếu người chăn nuôi bị phát hiện có sử dụng chất tạo nạc lần thứ nhất thì sẽ tiêu hủy toàn bộ thức ăn, vật tư có chất cấm, heo phải tiếp tục nuôi khi nào âm tính thì mới cho mổ. Còn nếu lần thứ hai bị phát hiện là phải tiêu hủy toàn bộ đàn heo.