Thứ ba, Tháng Một 14, 2025

Trân trọng thiên nhiên – bài học từ các bộ phim nổi tiếng

(SGTT) - Một trong những nguồn thông tin khách quan để có thể hiểu hơn về các vấn đề môi trường là những thước phim tài liệu. Được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới, chúng sẽ đem đến một cái nhìn đa diện về tác động của con người đối với sự ổn định và cân bằng của tự nhiên.

Cảnh trong phim Our Planet.

Our Planet được chiếu từ tháng 4 - 2019, do WWF (World Wild Fund for Nature – Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) phối hợp Netflix và Silver Film thực hiện. Bên cạnh những hình ảnh kỳ vĩ về thiên nhiên, những thước phim chân thực và trần trụi phơi bày thực trạng của môi trường sống hiện tại. Người xem không khỏi xót xa trước những số liệu và các thảm kịch bởi sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên.

Poster phim Our Panet.

Từ những vùng cực lạnh giá đến Phi châu khô hạn, Nam Mỹ và châu Âu, 60 nhà quay phim đã “nếm mật nằm gai” tại hơn 50 quốc gia để ghi hình trong bốn năm liền và cho ra đời tám tập phim với tổng thời lượng khoảng 400 phút.

Trong tập Frozen Worlds (Thế giới băng giá), chúng ta cũng thấy được vai trò của lượng băng ổn định tại hai cực quan trọng đến mức nào đối với khí hậu chung của toàn cầu, sự tồn tại của các hệ sinh thái và mực nước biển. Tuy nhiên hiện nay vào mùa hè ở cực Bắc, diện tích biển băng đã sụt giảm hơn 40% so với năm 1980 và ước tính đến 2040, Bắc cực sẽ hoàn toàn không còn băng trong mùa hè. Trong tập One Planet (Một hành tinh), khán giả còn chứng kiến những núi băng đồ sộ tại Greenland đang sụp đổ không ngừng trong 20 năm qua với tốc độ ngày càng gia tăng: trung bình 20 phút sẽ có 75 triệu tấn băng tan, hòa vào biển làm thay đổi mực nước, độ mặn, đồng thời phá vỡ các dòng hải lưu và các mối quan hệ sinh thái phức tạp vốn luôn ở mức cân bằng và mang lại sự ổn định cho trái đất hàng ngàn năm qua.

Một cảnh trong bộ phim Out Planet.

WWF cảnh báo số lượng quần thể các loài động vật hoang dã đã giảm tới 60% chỉ trong 50 năm qua và một triệu loài khác đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đến với tập phim The High Seas (Những đại dương) và Jungles (Những cánh rừng), khán giả sẽ thấy được thực trạng kiệt quệ về độ đa dạng và số lượng của các loài cá ở các đại dương cũng như các sinh vật to lớn trong rừng do sự đánh bắt, canh tác thiếu bền vững (ví dụ ngành nông nghiệp cọ dầu) và tận diệt của con người.

Tất nhiên không chỉ có bi kịch, Our Planet còn cho chúng ta thấy được điểm sáng của vấn đề nếu con người chịu mở lòng và hành động kịp thời. Chỉ cần được bảo vệ trong thời gian ngắn, thiên nhiên sẽ chứng minh cho chúng ta thấy sức mạnh phục hồi diệu kỳ. Nhiều khu vực biển nhận được sự bảo vệ đồng thuận của quốc tế đã dần khôi phục lại số lượng loài; luật cấm săn bắt cá voi lưng gù đã giúp số lượng loài động vật này tăng lên đáng kể.

Cảnh rác thải nhựa trong phim A plastic Ocean.

Với A Plastic Ocean (2016) – gói gọn trong 102 phút xem phim – được đánh giá cao bởi những hình ảnh tác động mạnh mẽ đến sự nhận thức của người xem về tình trạng rác thải nhựa hoành hành trên môi trường biển.

Với lối sống đặt tiêu chí tiện dụng và kinh tế lên hàng đầu, con người đang dần chuốc lấy hậu quả ô nhiễm nặng nề trong môi trường sống và trực tiếp gây ra cái chết cho hơn trăm ngàn động vật biển mỗi năm. Vật dụng cá nhân từ nhựa, ni lông, ống hút, ly, chén dùng một lần, các hạt vi nhựa sẵn có trong kem đánh răng, sản phẩm tẩy tế bào chết... Hầu như mọi mặt trong cuộc sống của chúng ta đều ít nhiều có dính líu đến nhựa.

Theo chân các nhà khoa học, nhà làm phim, học giả và những phóng viên môi trường, chúng ta sẽ được “chứng kiến” cảnh sinh hoạt bế tắc giữa rác thải của những người dân sống cạnh các bãi rác và các vùng ven biển, như bãi rác Smokey Mountain I, II – Philippines, quốc đảo Tuvalu (ở phía Nam Thái Bình Dương)...; bàng hoàng trước cái chết đau đớn mà nhựa gây ra cho vô số sinh vật, gồm rùa biển, hải cẩu, cá voi, chim... Điển hình khi mổ xẻ một chú chim hải âu chết trên bờ biển, người ta đã tìm thấy hơn 200 mảnh nhựa trong dạ dày.

Từ bước khai thác nguyên liệu, sản xuất cho đến tiêu dùng và xử lý, nhựa giải phóng gần 200 hóa chất độc hại. Đặc biệt khi những hạt vi nhựa bắt đầu phân rã, chúng xâm nhập hoàn toàn vào chuỗi thức ăn của các động vật biển, muối biển và cuối cùng trở lại trên bàn ăn của con người.A

Những việc có thể làm ngayĐể trở nên có trách nhiệm hơn với môi trường, chúng ta hãy cùng nhau:- Tìm hiểu các vấn đề môi trường thông qua truyền thông, sách báo và phim tài liệu để thay đổi nhận thức.- Đơn giản hóa tư duy bảo vệ môi trường: không cần tính toán việc mình làm sẽ tác động đến đâu, chỉ cần suy nghĩ rằng hành động đúng đắn và văn minh không bao giờ là hành động thừa.- Sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc xe đạp, đi bộ nếu có thể, hạn chế số lần đi lại không cần thiết.- Giảm lượng chất thải mỗi ngày, đặc biệt là nhựa.- Hướng tới không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm.- Tạo thói quen phân loại rác: rác hữu cơ, vô cơ không thể tái chế, vô cơ có thể tái chế, chất thải điện tử độc hại (pin, máy móc...).- Mang theo túi đựng, hộp đựng khi mua sắm; mang theo đồ dùng và bình nước cá nhân khi ra ngoài; hạn chế rác nhựa, xốp dùng một lần; từ chối quà tặng hoặc tờ rơi quảng cáo khi không có nhu cầu; chỉ in hóa đơn hoặc tài liệu khi thật sự cần thiết.- Tiết kiệm điện, nước, giấy.

Hứa Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối