Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Trang phục lao động cho phụ nữ đang lên

Thái Hà -  

Nhiều công việc đòi hỏi chân tay không còn giới hạn ở nam giới nữa, nhưng với phụ nữ bước vào các công việc này, vẫn còn một thách thức để họ có thể bình đẳng với nam giới: trang phục lao động. Ở các công việc trước kia nam giới chiếm ưu thế, phụ nữ không có nhiều lựa chọn ngoài những bộ đồ xù xì, thiếu tinh tế, thẩm mỹ.

taylor-johnstonTaylor Johnston đã lập công ty Gamine ở bang Massachussetts (Mỹ) vào năm 2014 để sản xuất trang phục làm việc cho phụ nữ.

Thấy được nhu cầu này, Taylor Johnston đã lập công ty Gamine ở bang Massachussetts (Mỹ) vào năm 2014 để sản xuất trang phục làm việc cho phụ nữ, gồm quần, áo khoác, áo liền quần… Trước đó, khi làm quản lý bộ phận bảo trì ở một thư viện, cô đã thấy không thoải mái lắm với những bộ đồng phục chỉ may cho nam giới, đã không vừa vặn mà nhìn lại thiếu chuyên nghiệp.

Tờ The New York Times dẫn số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, trong các ngành liên quan đến nông nghiệp ở Mỹ, phụ nữ tham gia ngày một nhiều, lao động ở kho bãi có 18,3%, luyện kim 20,4%..., những con số này đủ lớn để phụ nữ cần phải có những bộ trang phục làm việc riêng cho họ, trước mắt để an toàn trong công việc, những tay áo rộng và dài lõng thõng có thể khiến họ bị cuốn vào cỗ máy khi làm việc.

Sarah Calhoun, một phụ nữ Mỹ đã làm các công việc đòi hỏi thể lực trong nhiều năm. Bà đã đến những công ty chuyên sản xuất trang phục lao động cho nam giới để hỏi xem họ có nên tạo ra dòng trang phục cho phụ nữ hay không, phản ứng của các công ty này khá thờ ơ. “Nếu trang phục mà không vừa vặn với người mặc thì nó chẳng phát huy tính năng chuyên dùng gì hết”, Calhoun nhận xét.

Năm 2006, Calhoun lập công ty sản xuất trang phục làm việc Red Ants Pants ở bang Montana sau khi đã bỏ ra hai năm học việc may vá thêu thùa ở một công ty may túi xách, ba lô. Giờ Red Ants Pants có 10 nhân viên, ra mắt nhiều dòng sản phẩm, doanh thu 500.000 đô la Mỹ (USD) mỗi năm. Giống bà Calhoun, cô Johnston cũng không có kinh nghiệm thời trang gì hết khi mở công ty, vì vậy cô cũng bỏ ra hai năm để tự học trước khi khởi nghiệp.

Sharon Moore, nhà sáng lập công ty Rosies Workwear đặt trụ sở ở bang California, nói rằng 70% số trang trại nhỏ ở Mỹ có diện tích dưới 20 ha có người đứng đầu là phụ nữ. Bà Moore thấy đó là cơ hội với công ty may của mình. Bà lập công ty năm 2003 sau khi bà cần mẫu trang phục áo liền quần cho một lớp dạy nghề phụ nữ nhưng không kiếm được ở đâu. Doanh thu của Rosies Workwear tăng gấp đôi trong hai năm qua, và công ty dự kiến tăng doanh thu 20% trong năm 2016.

Không giống như các đối thủ cạnh tranh khác, Rosies Workwear may cả trang phục màu sắc sặc sỡ, có hoa, và cả màu hồng đặc trưng cho phái yếu. “Nhiều phụ nữ nói với tôi là họ muốn có màu hồng hay xanh đọt chuối bởi họ mệt mỏi khi thấy mình giống như đàn ông”, bà Moore nói.

Các công ty sản xuất trang phục lao động lớn như Dickies (thành lập năm 1918) không còn làm ngơ với thị trường đang lớn dần này. Gần đây họ hợp tác với Gamine của Taylor Johnston ra bộ trang phục có tên Sweetwater, tên của một thị trấn ở bang Texas, nơi những nữ phi công đầu tiên trên thế giới được huấn luyện cho thế chiến thứ II.

Các công ty như Rosies Workwear, Gamine, Red Ants Pants kể trên chủ yếu là tạo mẫu, tìm các xưởng may gia công hàng cho họ không dễ. Handyma’am Goods, công ty của bà Bella Weinstein bắt đầu hoạt động năm 2015, mẻ trang phục áo liền quần 50 chiếc đầu tiên bán hết rất nhanh.

Nhưng xưởng may gia công cho Handyma’am Goods không muốn làm nữa vì may bộ này rất phức tạp. Phải mất một năm rưỡi để bà Weinstein tìm một xưởng may khác nhằm tiếp tục dòng sản phẩm của mình. Số lượng ít, vải dày, may phức tạp khiến giá sản phẩm khó có thể thấp được. Giá bán bộ áo liền quần của Handyma’am Goods ở mức 325 USD, giá sản xuất đã gần đến mức đó.

Theo cô Johnston, người lao động mua bộ trang phục lao động giá cao với giả định rằng đó là bộ quần áo bền, có thể vá chữa và mặc đi mặc lại. Để giảm bớt nỗi lo về giá, công ty Gamine đảm bảo sửa chữa quần áo miễn phí, và trả luôn cả phí gửi hàng để sửa chữa.

Rosies Workwear mới đây đã chuyển công đoạn gia công từ Mỹ sang Trung Quốc để giảm giá thành sản phẩm. Thị trường ngày càng mở rộng, phải nhanh chóng thu hút nhiều khách để trở thành thương hiệu lớn. Nhất thiết phải giảm giá bán sản phẩm. Theo bà Moore, kênh tiếp thị hiệu quả nhất của dòng sản phẩm này chính là truyền miệng qua mạng xã hội: “Không ít phụ nữ chụp hình trong trang phục lao động đưa lên mạng xã hội, giống như một biểu tượng của sự khỏe khoắn trong cuộc sống, thoải mái trong công việc”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối