MỸ LOAN -
Từ trước tới nay, khi nghe tới “tranh chép” hay “chép tranh”, nhiều người dễ dàng nghĩ tới các bức tranh rẻ tiền, thậm chí còn gán ghép nào là tranh chép làm lũng đoạn thị trường hội họa, làm ảnh hưởng xấu đến mỹ thuật, những thợ vẽ tranh chép là người vô đạo đức, ăn cắp... Tuy nhiên, các phòng tranh chép thương mại cho rằng họ không gian dối với khách hàng, treo bảng là tranh chép và được luật pháp công nhận tranh chép.
Tranh chép và chép tranh
Hơn một thập niên trở lại đây, thị trường tranh chép phát triển khá sôi động trên những con đường trung tâm TPHCM như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Trần Phú, đặc biệt là khu phố Tây ba lô như Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám… Với mức giá chỉ từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, người mê nghệ thuật đã có thể sở hữu các tác phẩm nổi tiếng của các danh họa thế giới từ thời Phục Hưng như Leonnard de Vinci, Goya, trào lưu Tân cổ điển như Ingres, trường phái lãng mạn như Géricault, cho đến dòng ấn tượng như Renoir, Sisley, Monet, Manet, rồi đến xu hướng lập thể như Picasso, Braque, tranh trừu tượng của Kandinsky hay siêu thực của Sanvador Dali…
Một thợ chép tranh đang sao chép một tác phẩm của họa sĩ đương đại Phương Quốc Trí. Anh khẳng định sẽ không ký tên và đương nhiên khách hàng và người xem biết là tranh chép. Ảnh: Mỹ Loan
Trong Bộ luật Dân sự về quyền bảo hộ các tác phẩm nghệ thuật về hoạt động các gallery đã nêu rõ: “Bản sao chép phải có kích thước lớn hơn hay nhỏ hơn tác phẩm gốc từ 3 cm trở lên, phải giữ đúng nội dung, hình thức như tác phẩm gốc, phải có chữ ký của người sao chép dưới chữ ký tác giả”. Tuy nhiên trên thực tế, đa số các phòng tranh chép tại TPHCM chép theo kích cỡ người mua yêu cầu và hoàn toàn không ký tên.
Họa sĩ Ngô Đồng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đang sống ở TPHCM, cho biết việc một số phòng tranh chép không thể hiện bằng bút tích cho biết đó là tranh sao chép ở mặt trước hay sau bức tranh về lý là vi phạm luật pháp nhưng trên thực tế trên thị trường tranh, đa phần người mua và bán ngầm hiểu nhau đó là tranh chép nếu đó là tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới các thế kỷ trước.
Tuy nhiên, ông cũng lo lắng khi cho biết, trong giới hội họa gần như mặc nhiên quy định một khi sao chép tranh của các họa sĩ đương đại, còn đang sống tại Việt Nam thì người chép hay phòng tranh phải xin phép tác giả tranh thật nhưng trên thực tế, các phòng tranh cũng lờ đi chuyện này. “Đôi khi một số phòng tranh làm ăn không tử tế, sao chép tranh của họa sĩ đương đại trong nước nhưng không xin phép, không để lại bút tích thể hiện tranh chép làm người mua lầm lẫn, thậm chí bán giá như tranh thật”, họa sĩ Ngô Đồng cho hay.
“Chúng tôi chép tranh phục vụ cho những người yêu nghệ thuật, sản phẩm của chúng tôi làm ra không gọi là tác phẩm mà là hàng hóa, sao chép hàng loạt theo nhu cầu phân khúc thị trường nghệ thuật này. Còn các nhà sưu tập nghệ thuật đúng nghĩa, các nhà đấu giá hay những người chơi nghệ thuật cao cấp, thử hỏi ai lại đến phòng tranh chép để mua. Nơi họ đến phải là các họa sĩ, các bảo tàng hay các gallery nghệ thuật”, anh Hoàng Huy Hòa, chủ phòng tranh Hoa Nắng chia sẻ.
Lâu nay nhiều người am hiểu nghệ thuật cho rằng các phòng tranh chép thương mại đang hủy hoại tiền đồ của hội họa Việt Nam nhưng các chủ phòng tranh chép lại nghĩ khác, họ cho rằng chúng đã được phân cấp rất rõ ràng. “Thêm vào đó, thực sự các phòng tranh chép sống được là nhờ những đơn đặt hàng lớn, có khi đến vài ngàn bức tranh của các khách hàng châu Âu, và sản phẩm vẫn chủ yếu là các tác phẩm của các danh họa nổi tiếng thế giới từ Phục Hưng đến cận hiện đại như Picasso, Monet, Van Gogh…”, anh Trần Hưng, chủ một phòng tranh trên đường Bùi Viện cho hay. Phòng tranh của anh đã hoạt động hơn 10 năm và hiện tại có gần 20 thợ vẽ.
Anh Đỗ Phong, một thợ chép tranh có thâm niên hơn bảy năm cũng tại khu phố Tây ba lô trên đường Bùi Viện, quận 1 cho biết, các đơn đặt hàng chủ yếu là từ khách hàng quen ở châu Âu, Mỹ, Malaysia, Singapore, còn lại khách vãng lai Tây ba lô rất ít. “Khách Việt thì ít lắm, và chủ yếu là họ thích vẽ chân dung hoặc phong cảnh đồng quê Việt Nam nên chúng tôi có số lượng lớn tranh décor phong cảnh để cho các khách muốn mua tranh trang trí nhà cửa, phòng ốc. Bây giờ họ thường chụp lại phong cảnh mà họ thích hoặc gắn liền với một kỷ niệm nào đó của họ rồi họ yêu cầu chúng tôi vẽ lại”, anh Phong cho hay.
Anh Thoại, thợ có thâm niên hơn 11 năm khẳng định: “Chẳng ai đến phòng tranh chép để mua tranh thật và chúng tôi cũng chẳng bán được tranh gốc ở phòng tranh chép. Chúng tôi làm nghề và kiếm sống chân chính. Từ bảng hiệu cho tới lời giới thiệu khách, chúng tôi đều nói rõ cho họ biết là tranh chép. Với lại chỉ vài chục đô la Mỹ, làm sao có tranh gốc?”.
Hai vị khách nước ngoài đang xem bản sao chép của tác phẩm Reply of the Zaporozhian Cossacks của danh họa Ilya Repin tại một phòng tranh chép trên đường Bùi Viện, quận 1, TPHCM.
Ai giả?
Giống như nhiều nghề khác, chép tranh cũng là một công việc đòi hỏi người thực hiện phải có năng khiếu và sự cẩn trọng. Với nhiều người, chép tranh không đơn thuần là “sao” lại tác phẩm, mà còn phải biết thổi “hồn” mình trong tác phẩm... “Tôi coi chép tranh như nghề kiếm sống, nếu có điều kiện tôi cũng ước mình có thể sáng tác như một họa sĩ”, anh Thoại, người chép tranh 11 năm nay, nói. Anh còn cho biết thêm, nghề này cũng giúp sinh viên mỹ thuật nâng cao tay nghề và kiến thức hội họa vì được tiếp xúc với các tuyệt tác của thế giới.
“Có một số khách hàng vì quá đam mê tranh của một số họa sĩ đương đại nhưng không có khả năng sở hữu, tuy nhiên khi sao chép chúng tôi không bao giờ ký tên, điều đó nói lên nó là tranh chép, còn tranh thật phải có tên họa sĩ và có người còn có thêm năm sáng tác”, anh Hoàng Huy Hòa, chủ phòng tranh Hoa Nắng nói thêm.
Một vị khách đang ngắm nhìn bản sao chép của tác phẩm Adele Bloch-Bauer I được vẽ bởi danh họa Gustav Klimt người Áo năm 1907 tại một phòng tranh trên đường Bùi Viện, TPHCM.
Hồi đầu tháng 7 năm nay tại phiên đấu giá Nghệ thuật hiện đại và đương đại tại nhà đấu giá Larasati, Singapore, được công chúng chú ý vì trong danh mục xuất hiện các bức tranh được giới thiệu là của Nguyễn Gia Trí và Bùi Xuân Phái. Bức sơn mài ba tấm Trong vườn (In The Garden) có chữ ký “Ng Trí”, có mức giá khởi điểm 70.000 đô la Singapore, kết quả bán được 134.200 đô la Singapore (tương đương 99.372 đô la Mỹ). Ngay sau đó trên trang web của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã dấy lên nghi ngờ từ trong giới chuyên môn và những người yêu nghệ thuật sau khi xem xét hình ảnh của các bức tranh công bố trên mạng nhà đấu giá Larasati. Có người đã viết: “Bản chất các tranh Gia Trí và Phái được bán ở đây là thật hay giả? Nguồn gốc, xuất xứ của chúng?” .
Sau đó phân tích bút pháp của các danh họa và sự khác biệt tinh vi trong các tác phẩm được bán, trang web của hội cho biết thêm: “Với giá bán được ở nhà đấu giá Larasati như thế, bức sơn mài của “Gia Trí” này thật quá rẻ nếu chẳng may là đồ xịn (theo một số chuyên gia thị trường, nếu bức tranh này thực sự của Gia Trí thì giá của nó phải gấp khoảng năm lần, vì ít nhất người ta cũng mua được chữ ký thật của Gia Trí), và quá đắt nếu đích xác là hàng rởm. Tuy nhiên, có điều không hề đáng ngờ ở thương vụ này, đó là luôn có nhiều nhà sưu tập sẵn sàng bỏ tiền ra mua lấy cái tên của danh họa”. Kỳ lạ thay, việc này Nguyễn Gia Trí cũng đã lường trước khi ông từng viết: “Người mua tranh, phần nhiều chỉ là mua một chữ ký đã nổi tiếng”.
Trường hợp trên như phần nào nói lên thị trường tranh giả, không phải tranh chép thương mại được luật pháp thừa nhận, đang là mối lo của các họa sĩ chân chính và nền mỹ thuật trong nước. “Điều cấp bách của thị trường hội họa Việt Nam hiện nay là cần thiết lập một thị trường giao dịch nội địa, nơi người mua tranh có sự đảm bảo của các gallery chân chính, những nhà giám tuyển nghệ thuật chuyên nghiệp”, họa sĩ Lã Huy chia sẻ.