Ở Sài Gòn những năm gần đây, các bức tường cũ rêu phong trong những con hẻm, một vài quán cà phê, các tụ điểm vui chơi, quán bar, nhà hàng hay thậm chí các tấm cửa sắt của các cửa hàng được trang trí bởi những bức tranh Graffiti (tranh tường) đầy màu sắc, làm rực rỡ những con phố nhỏ. Ở đó, có lắm người thích thú và cũng không ít kẻ chê.
Đây là một loại hình văn hóa đường phố du nhập từ Tây Âu. Khi những loại hình nghệ thuật chính thống còn chưa được công chúng quan tâm nhiều, thì Graffiti còn khá xa lạ với người dân Việt Nam. Nên từ những ngày đầu phát triển đã gặp không ít những thị phi và thông tin trái chiều từ cả giới họa sĩ lẫn người dân.
Graffiti là gì?
Tranh phun sơn từ gốc tiếng anh là Graffiti có nguồn từ chữ “graphein” trong tiếng Hy Lạp – nghĩa là viết. Sau này, nó trở thành từ “graffito” trong tiếng La Tinh – nghĩa là “hình vẽ trên tường”. Nó chỉ chung về những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu trầy xước, nguệch ngoạc khắp nơi trên các bức tường ở các đường phố, khu phố… và được vẽ bằng sơn hoặc đánh dấu bằng bất cứ vật liệu gì hay chỉ là vẽ bằng sơn xịt lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng. Đây là một loại hình nghệ thuật công cộng hay còn gọi là nghệ thuật đường phố.
Graffiti xuất hiện chính thức và thịnh hành cùng với trào lưu hip-hop vào thập niên 70 thế kỷ trước từ nhà ga tàu điện ngầm New York và nhanh chóng phổ biến khắp thế giới như một phần của văn hóa pop và pop-art (là trào lưu mỹ thuật xuất phát từ nghệ thuật đại chúng của thời đại công nghiệp). Tuy nhiên, khi mới ra đời, người ta vẫn coi đó là những hình vẽ có tính nghịch ngợm, phá cách, không chính thống cho đến khi xuất hiện những triển lãm riêng cho Graffiti và những nghệ sĩ tài năng như Keith Haring (1958-1990), Jean Michel Basquiat (1960-1988) và gần đây nhất là Bansky, một nghệ sĩ bí ẩn người Anh, với những tác phẩm trên tường khắp nước Anh và Mỹ, công kích trực tiếp các vấn đề của chủ nghĩa tư bản, toàn cầu hóa, chiến tranh và sự vô cảm trong đời sống hiện tại của con người.
Graffiti đã tồn tại trong suốt thời kỳ văn minh cổ đại như Hy Lạp cổ đại và Đế chế La Mã. Ngày nay, trong Graffiti hiện đại người ta sử dụng mực phun, bút marker và các loại nguyên liệu khác để thể hiện tác phẩm.
Môi trường đô thị chưa ổn định của Việt Nam, nhìn chung còn nhiều khu khá nhếch nhác chính là mầm mống cho Graffiti du nhập và nảy nở. Tuy nhiên, ở Việt Nam, một tác phẩm chỉ được xem là Graffiti khi các nghệ sĩ Graffiti xin được phép vẽ trên những bức tường cũ kỹ đó.
Đẹp hay phá hoại?
Đẹp là một khái niệm vô chừng để nói về một tác phẩm vì nó không chỉ phụ thuộc vào tài năng của người nghệ sĩ mà còn nằm trong mắt và cảm xúc của người thưởng lãm.
“Đồng ý nghệ thuật Graffiti là loại hình nghệ thuật đường phố, nơi các bạn trẻ phô diễn tài năng cũng như thể hiện tiếng nói của mình. Tuy nhiên, nếu không được đào tạo bài bản, không có tư duy, phân tích, lý luận thì không phát triển lâu dài được. Còn nếu chỉ là theo trào lưu thì sẽ chết yểu hoặc trở thành cái mà người ta gọi là “đô hộ văn hóa” thôi khi nó phát triển quá nhanh mà không có định hướng chuyên nghiệp”, họa sĩ Nguyễn Quốc Dân chia sẻ.
Cô Phạm Hải Anh, nhà thiết kế thời trang ở quận Phú Nhuận, TPHCM cũng nói: “Ở Sài Gòn mình chưa có một trung tâm hay trường lớp nào dạy môn nghệ thuật này. Vì vậy các nghệ sĩ thường phải lên mạng hay sách vở để xem các tác phẩm của các nghệ sĩ nước ngoài, cho nên mình chỉ có bắt chước mà không có cái gì riêng là của mình, vậy làm sao có thể gọi là Graffiti Việt Nam được”.
Sài Gòn vài năm gần đây nhen nhúm sự xuất hiện của Graffiti khi một số nghệ sĩ nước ngoài hay Việt Nam tổ chức các triển lãm và thực hiện các dự án Graffiti trong thành phố. Chẳng hạn, nhóm Graffiti ‘The Saigon Project’ đã phát triển từ năm 2009 đến dự án ‘Graffiti Culture in Saigon’ của nghệ sĩ đường phố Liar Ben và một số nghệ sĩ nước ngoài trong dự án trao đổi với tổ chức nghệ thuật ZeroStation; hay dự án ‘Alleys and Walls’ của nhóm Graffiti Sài Gòn. Từ năm 2012 trở lại đây, có họa sĩ Seth từ Pháp, Narca từ Đức, Sebastien Szczyrk từ Pháp và một số khác đã vẽ và triển lãm tại thành phố đã tạo niềm cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trong nước.
Vì vậy các tín đồ Graffiti có thể thưởng lãm Graffiti rải rác ở các quận 1, 2, 7, Gò Vấp, Phú Nhuận… “Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, các tác phẩm Graffiti ở nước ngoài lẽ ra phải được vẽ lớn ở những nơi công cộng tại trung tâm thành phố nơi nhiều người qua lại thưởng lãm, thì ở ta, Graffiti chỉ âm thầm ở những con hẻm nhỏ, những dự án đang bỏ hoang, những căn nhà đổ nát... Như vậy, làm sao Graffiti có thể sống và tiếp cận công chúng một cách công khai, minh bạch và tự hào như những loại hình nghệ thuật khác,” họa sĩ Hoàng Anh nói.
Liar Ben, một nghệ sĩ Graffiti khá nổi tiếng trong giới tại Sài thành, anh cũng đã thực hiện dự án với một số nghệ sĩ khác trong nhiều ngày tại ba thành phố lớn: TPHCM, Hà Nội và Huế. Tuy nhiên, tại một buổi hội thảo về nghệ thuật Graffiti, anh chia sẻ: “Có thể nhận thấy rằng tại môi trường như Việt Nam, Graffiti không phổ biến trong đời sống công chúng cũng như chính giới hội họa trong nước so với nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác”.
Như vậy, có vẻ như Graffiti đang phát triển khá mạnh nhưng cũng đang bị chỉ trích khá nhiều, đặc biệt sau sự kiện con hẻm Graffiti nổi tiếng tại hẻm 15B Lê Thánh Tôn (quận 1, TPHCM) bị xóa.
Ông Nguyễn Huy sống ở tại khu Graffiti Reborn ở quận Gò Vấp, TPHCM đã 50 năm qua cho biết: “Tôi thích sự sáng tạo của giới trẻ và tôi phải công nhận rằng những bức tường cũ kỹ rêu phong sẽ đẹp hơn nhiều khi chúng được tô điểm bởi màu sắc của các bức tranh tường”. Người ta đi qua ngắm nhìn, chụp ảnh, trẻ con, cả khu xóm tươi vui hơn. Tuy nhiên, khi công chúng mấy ai biết đó là tác phẩm nghệ thuật, người ta không ngần ngại tiện tay vẽ nguệch ngoạc thêm những từ ngữ thô thiển, các cặp đôi thì xem như điểm hẹn hò nên dựng xe vô tổ chức, các ông nhậu lỡ đường dừng lại đi vệ sinh bậy… “Nếu như vậy, Graffiti vô tình là nơi gây mất trật tự đô thị mà còn không được trân trọng như một tác phẩm nghệ thuật”.
“Chúng ta cần có một tổ chức, một hiệp hội quản lý các nhóm để bảo vệ quyền lợi cũng như khích lệ các tài năng trẻ. Chứ nếu cứ mạnh ai nấy vẽ, vẽ xong chưa ai kịp xem thì bức tường bị phá”, họa sĩ Hoàng Anh nói.
Nguyễn Ngọc Bích, thiết kế phim hãng phim Hải Sơn Lâm, cũng là một họa sĩ chia sẻ: “Cũng như hip-hop, Graffiti thể hiện sự sáng tạo, cá tính của các bạn trẻ. Vì vậy chúng ta cần phát triển, khuyến khích loại hình nghệ thuật này; lúc đó phố xá sẽ đẹp hơn”.
Trang Khoa, trưởng nhóm Saigon Graffiti nói rằng, nhóm anh chỉ vẽ khi được cho phép. “Thậm chí nhóm còn tham khảo ý kiến người dân họ thích vẽ gì để vẽ cho họ vui”, anh cho biết.
Vạn sự khởi đầu nan. Rồi khi có nhiều triển lãm hơn, nhiều hội thảo chuyên đề hơn, nhiều bức tường lớn hơn được tô điểm, “tôi tin Graffiti sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và chuyên nghiệp hơn” một bạn trong nhóm Saigon Graffiti nói.
Mỹ Loan