Diệu Thuần -
Những bức tranh làm từ đất sét đang bày bán tại các siêu thị, nhà sách, phòng triển lãm tranh... có giá 500.000-1.500.000 đồng/bức được các nghệ sĩ kỳ công sáng tác. Nguyên liệu chính để tạo nên bức tranh là từ đất sét có tên polymer clay, nhập từ Nhật Bản và Mỹ.
Người kỹ sư yêu tranh
Anh Trần Quang Trạng kể rằng, anh tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng dân dụng tại TPHCM, ra trường và đi làm một thời gian, anh tiếp tục học lên thạc sĩ cũng chuyên ngành xây dựng. Niềm đam mê vẽ tranh của anh bắt đầu khi nhìn thấy các bạn nhỏ dùng đất sét nặn thành các con vật, trái cây, bông hoa, các hình thù gần gũi với cuộc sống.
Theo anh, khi hình dung ra việc vẽ tranh bằng đất, anh đã tự đặt ra câu hỏi rằng sao không phát triển những hình thù ấy thành một tác phẩm nghệ thuật bằng chính đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo nhạy bén của mình, với nguyên liệu chính là đất sét, vẽ trên nền gỗ. Thế là sau đó, tranh thủ thời gian đang làm luận án thạc sĩ, anh bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình và đến nay đã gần một năm.
Hiện trên thị trường cũng có tranh đất sét của nhiều nghệ nhân nhưng các nghệ nhân khác vẽ tranh hoa bằng đất sét còn tranh của anh Trạng thì không có chủ đề cụ thể mà theo kiểu “nghĩ gì làm đó”. Anh giải thích rằng, khi bắt tay vào thực hiện, nghĩ đến cái gì là thực hiện cái đó nhưng nó là sự hài hòa, kết hợp giữa tĩnh vật và động vật với nhau. Theo anh, một bức tranh có sự kết hợp giữa cây lá hoa, con vật và các chi tiết sẽ sống động. Đó cũng là sự kết hợp giữa tự nhiên, đất trời và sự sống.
Giải thích về niềm đam mê tranh của mình, anh Trạng cho biết: ‘’Vẽ tranh giống như một liệu pháp tinh thần vậy. Mỗi khi hoàn thành một bức tranh, mình cứ ngồi ngắm nó say sưa. Lúc đó, bao nhiêu muộn phiền, những bế tắc trong cuộc sống như bay đâu mất. Tất cả chỉ còn lại mình với bức tranh với đầy đủ sắc màu của tự nhiên’’.
Bước đầu khởi nghiệp, anh chỉ thực hiện những bức tranh bằng đất sét theo sở thích của mình và theo đơn đặt hàng của bạn bè, khách hàng quen. Họ đặt để làm quà tặng đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Có người đặt để trang trí nhà. Mỗi bức trang Trạng bán ra có giá 1,3-1,5 triệu đồng, tùy khổ, kích thước và chi tiết vẽ thể hiện trên bức tranh.
Công đoạn tỉ mẩn
Để có một bức tranh từ đất sét phải trải qua nhiều công đoạn. Theo công thức chung của nhiều nghệ nhân hiện nay, đầu tiên, phải pha màu vào đất sét để có màu ưng ý, rồi dùng máy cán đất với độ dày, mỏng tùy theo từng đường nét thể hiện. Sau đó, dùng khuôn để cắt từng cánh hoa, từng cái lá, từng bộ phận của con vật rồi tạo dáng cho chúng. Khuôn tạo dáng cho từng đường nét đòi hỏi người nghệ sĩ phải khéo léo mang được cái hồn vào cho nó qua các công đoạn như đánh lăn, nhào nặn rồi khéo léo tạo ra các đường cong. Làm sao, để khi khô lại, nó phải có được vẻ mềm mại, giống như vật thật. Sau đó là tô màu và vẽ các chi tiết nhỏ để các vật trên tranh giống như thật.
Còn theo công thức của anh Trạng thì không dùng khuôn để tạo ra vật mà dùng đôi bàn tay khéo léo của mình để nặn. Nếu muốn đưa con công, con nai, hươu hay bông hoa lên tranh, anh sẽ sử dụng đất sét rồi nặn bằng tranh rất tỉ mỉ. Theo anh, cách làm đó, mới tạo nên nét sống động của bức tranh, giúp người xem cảm tưởng như mình đang ngắm một cảnh thiên nhiên thật đang diễn ra trước mắt.
Thông thường, trước khi vẽ tranh các nghệ sĩ sẽ vẽ nền tranh trước, sau đó mới phác thảo lại. Còn Trạng thì không, khi có ý tưởng, anh bắt tay vào làm ngay. Trong quá trình làm, nghĩ đến hình con chim, anh tạo hình con chim; hình con nai thì tạo thành hình con nai... Muốn bức tranh có thêm cây, bông hoa hay đàn chim líu lo trên bầu trời, anh sẽ tạo ra chúng khi đang tiến hành hoàn thành bức tranh. Và để bức tranh có màu sắc đẹp, bóng phải trộn sơn dầu hay acrylic vào đất sét để tạo ra những khối đất và màu sắc theo ý muốn của mình.