Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Trao đổi sinh viên, du học miễn phí

Đức Tâm

Ở tuổi 23, trong khi nhiều bạn trẻ đang vất vả tìm việc thì Phạm Kiều Trâm, cô sinh viên trường Đại học Ngoại thương TPHCM (FTU) đã có hơn hai năm kinh nghiệm làm việc toàn thời gian, và hiện đang giữ vị trí Trưởng nhóm Phân tích chiến lược cho dòng sản phẩm snack tại một công ty Hàn Quốc nổi tiếng với những chiếc bánh ngọt sô cô la...

Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên hơn nếu được nghe cô gái trẻ này chia sẻ kinh nghiệm trong việc mang một thương hiệu quốc tế về Việt Nam, rồi quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu đó; hoặc bí quyết để xóa đi hàng rào ngăn cách giữa sếp và nhân viên…

“Hạt giống” của những thành quả này, theo chia sẻ của Trâm, xuất phát từ chuyến du học ngắn hạn với khóa học về kỹ năng lãnh đạo tại trường Đại học Melbourne, Úc.

Sau khóa học, quay về Việt Nam, Trâm quyết định xin tạm hoãn việc học tập một thời gian để suy nghĩ mình thật sự cần điều gì: bằng cấp, kiến thức, năng lực, những điều phù hợp với bản thân… Trong khoảng thời gian này, Trâm làm việc cho một công ty chuyên quản lý thương hiệu cho các sản phẩm nổi tiếng. Công việc đủ thách thức và hấp dẫn để giữ chân cô gái trẻ trong một năm rưỡi.

Quay lại trường học, những gì đã trải nghiệm giúp Trâm tiếp cận các môn học ở một góc nhìn sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, quan điểm học tập của cô cũng thoáng hơn trước. “Tôi không đặt nặng thành tích nhưng cũng không lơ là. Tôi vừa học vừa làm. Dành niềm đam mê cho công việc nhưng vẫn đặt mục tiêu tổng điểm số đạt được khi tốt nghiệp ít nhất phải đủ điều kiện xin các suất học bổng thạc sĩ về sau”, Trâm chia sẻ.

Câu chuyện của Trâm là một ví dụ tiêu biểu nói lên những lợi ích mà các khóa du học, dù ngắn hạn, mang lại. Ngày nay, nhờ chương trình trao đổi sinh viên giữa các trường ngày càng nhiều, sinh viên càng có thêm nhiều cơ hội để tham gia các khóa du học ngắn hạn này.

Sinh viên nước ngoài đang trao đổi với sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Hoa Sen.
Sinh viên nước ngoài đang trao đổi với sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Hoa Sen.

Không dễ

Khi tham dự chương trình trao đổi, sinh viên sẽ học một học kỳ hoặc một năm tại các trường ở nước ngoài có mối quan hệ hợp tác với trường đại học đang theo học tại Việt Nam. Các trường nước ngoài sẽ đưa ra yêu cầu. Căn cứ vào đó, trường Việt Nam sẽ chọn hồ sơ sinh viên ứng tuyển gửi đi. Thường thì các sinh viên được chọn sẽ thi viết các bài luận hoặc được đại diện các trường quốc tế phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại hoặc các ứng dụng như Skype… để chọn những người phù hợp.

Điểm thuận lợi khi tham gia chương trình này là sinh viên sẽ được miễn/giảm (hầu hết các chương trình đều miễn học phí) học phí trong thời gian học tập tại nước ngoài và được công nhận những tín chỉ đã học tại các trường đối tác.

Tuy nhiên, để giành được một suất tham gia chương trình này không phải là điều dễ dàng bởi theo bà Lê Thị Minh Tâm, Trưởng ban Đào tạo quốc tế tại FTU, thông thường mỗi năm các trường đối tác chỉ hỗ trợ 2-3 suất cho sinh viên Việt Nam tham dự chương trình trao đổi. Số suất tham dự ít, sinh viên muốn tham dự nhiều, do đó phải cạnh tranh để chứng minh rằng mình là ứng viên phù hợp nhất.

Chuyện chưa dừng ở đó. Bởi cho dù có vượt qua kỳ thi, được miễn học phí, được hỗ trợ chỗ ở tại ký túc xá thì sinh viên vẫn phải chi trả tiền vé máy bay và chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập ở nước ngoài. Đây là một khoản tiền không nhỏ.

Vượt qua khó khăn này, trong nhiều trường hợp, sinh viên còn đối mặt thêm một khó khăn khác đó là khâu xin thị thực. Đặc biệt, khi xin thị thực vào các quốc gia châu Âu, nước sở tại yêu cầu người xin thị thực phải chứng minh năng lực tài chính của gia đình, đủ cho con em mình theo học tại quốc gia của họ.

Đây là thử thách lớn với nhiều gia đình bởi để chứng minh được năng lực tài chính với đầy đủ các giấy tờ, đôi khi rất khó khăn. Theo chia sẻ của sinh viên Lê Thanh Hoàng Nam, đã có một người bạn của Nam, mặc dù rất giỏi, vẫn đành tiếc nuối không thể tham dự chương trình trao đổi do những khó khăn khi xin thị thực.

Sinh viên nước ngoài học gì ở Việt Nam?

Như đúng tên gọi chương trình trao đổi, sinh viên Việt Nam đi nước ngoài thì sinh viên nước ngoài cũng đến Việt Nam và con số đó ngày càng tăng khi các trường đại học trong nước ngày càng mở rộng quan hệ quốc tế và đáp ứng được các yêu cầu từ đối tác đưa ra. Lấy ví dụ từ trường Đại học Hoa Sen, nếu năm học 2012-2013 số sinh viên quốc tế đến Hoa Sen là 86 thì năm 2013-2014 đã tăng lên đến 118.

Đối với những sinh viên ngành Đông phương học, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam là một phần không thể thiếu trong các môn học mà sinh viên nước ngoài lựa chọn.

Một hoạt động khác cũng được sinh viên nước ngoài ưu tiên lựa chọn đó là tham quan các nhà máy mà nước họ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam. Tiêu biểu trong hoạt động này có thể kể đến trường Đại học FPT và Hoa Sen thường tổ chức cho sinh viên Nhật đến các nhà máy Nhật tại Việt Nam để tìm hiểu về quy trình kinh doanh tại một quốc gia bên ngoài đất nước họ như thế nào.

Nếu giáo dục Việt Nam cung cấp cho sinh viên nước ngoài những trải nghiệm thú vị thì ngược lại, sinh viên nước ngoài cũng có những đóng góp tiềm ẩn đối với các trường đại học Việt Nam. Họ giúp sinh viên Việt Nam có cái nhìn tương quan về trình độ của mình. Sự góp mặt của các sinh viên quốc tế trong các lớp học, dù ít hay nhiều, cũng sẽ gây những áp lực nhất định lên giảng viên đứng lớp, buộc họ phải cố gắng hoàn thiện mình hơn.

Tìm hiểu kỹ

Thông thường, chương trình trao đổi sinh viên chỉ là một phần nhỏ trong chương trình hợp tác giữa các trường. Bên cạnh chương trình trao đổi, các trường có chương trình liên kết đào tạo, tức sinh viên học một thời gian ở Việt Nam, sau đó học thêm khoảng thời gian còn lại ở nước ngoài, và thường thì bằng sẽ do cả hai trường cấp.

Tuy nhiên không hẳn tất cả các trường đều thực hiện tốt, nghiêm túc chương trình liên kết. Do vậy, để tránh mất một khoản học phí lớn trong khi chất lượng giáo dục thu được không tương xứng, phụ huynh và sinh viên nên tìm hiểu kỹ về trường mà mình theo học. Có thể yêu cầu trường đưa ra những thông tin để kiểm định như bảng xếp hạng của trường tại quốc gia sở tại do tổ chức kiểm định độc lập đánh giá, hoặc phê duyệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hợp tác. Danh sách các trường nước ngoài được phê duyệt có thể tìm thấy tại trang web của Cục Đào tạo với nước ngoài, thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại trang web: http://www.vied.vn/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối