Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Trào lưu “độ ta không độ nàng”

(SGTT) - Suốt những ngày qua, từ khóa “độ ta không độ nàng” được cư dân mạng liên tục tìm kiếm. Bài hát này tiếp tục được nhiều ca sĩ Việt thể hiện và tạo thành trào lưu mới trên mạng xã hội Facebook.

Độ ta không độ nàng đầy thiết tha, ai oán với bản cover của ca sĩ Hương Ly.
Ca sĩ Quách Tuấn Du cũng tham gia trào lưu.

Độ ta không độ nàng được cho là có nguồn gốc từ truyện ngôn tình Trung Quốc. Câu chuyện gây sốt trên Internet, sau được chuyển thể thành phim hoạt hình 3D ngắn và phim truyền hình, kể về chuyện tình ngang trái giữa một nhà sư và nàng quận chúa. Nhạc phim Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh với tên gọi “Do not live with you” (Chẳng thể sống bên người) nhanh chóng được cư dân mạng tìm kiếm. Nhiều bạn trẻ Việt Nam đã làm nhạc nền để quay các đoạn clip ngắn và làm vietsub (dịch tiếng Trung Quốc thành tiếng Việt) để ai yêu thích ca khúc hiểu được ý nghĩa.

Lời Việt làm mưa làm gió trên mạng xã hội

Không lâu sau khi gây sốt ở Trung Quốc, ca khúc Độ ta không độ nàng – phiên bản Việt – được nhiều ca sĩ Việt Nam như Anh Duy, Thái Quỳnh, Khánh Phương, Hương Ly... hát theo lời mới. Bài hát khiến khán giả thích thú khi có đến chín phiên bản cùng vào top 100 bảng xếp hạng âm nhạc.

Người phát sóng trực tiếp (streamer) Thái Quỳnh là người đầu tiên đưa lời Việt nhạc Hoa lên YouTube với MV quay lại chuyện tình đẫm lệ giữa nhà sư và vị quận chúa. Phát pháo đầu tiên của Thái Quỳnh đã đưa ca khúc trở thành một trào lưu cover, trong đó, nổi tiếng nhất là giọng hát của ca sĩ Anh Duy với hơn 14 triệu lượt xem, 133.000 lượt thích và có gần 10.000 lượt bình luận trên YouTube. Phiên bản remix của anh kết hợp cùng DJ Đinh Long đứng vào vị trí thứ hai trong danh sách các bài hát thịnh hành (trending) YouTube Việt Nam chỉ sau vài ngày ra mắt. Nhờ bài hát này, giọng ca trẻ đã có thành tích rất ấn tượng dù chưa từng đi hát chuyên nghiệp.

Ca sĩ Anh Duy cover ca khúc Độ ta không độ nàng thu hút hơn 14 triệu lượt xem.

Anh Duy chia sẻ: “Tôi kết hợp cùng anh Hy Di viết lại lời bài hát sau khi Độ ta không độ nàng vấp phải nhiều sự tranh cãi. Tôi mong muốn nội dung trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn bám sát cốt truyện gốc”.

Trong khi đó, ca sĩ Khánh Phương tuyên bố anh là người thể hiện Độ ta không độ nàng hay nhất và là “bản cover vô đối tại Việt Nam”. Nam ca sĩ này hát song song cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung làm cư dân mạng thích thú. Riêng bản cover của Hương Ly lại được khán giả yêu thích bởi lối hát nhẹ nhàng và những đoạn độc tấu đàn tỳ bà gây thổn thức.

Bài hát gây tranh cãi

Độ ta không độ nàng dù được đông đảo giới trẻ yêu thích nhưng cũng bị không ít người phản đối vì lời bài hát có chiều hướng gây sự hiểu nhầm về giáo lý nhà Phật, nội dung bi lụy và đầy oán than. Chẳng hạn, lời bài hát có những câu từ như “vạn dặm tương tư”, “không thể quay đầu”, “mộng này tan theo bóng Phật, trả lại người áo cà sa”… được cho là không phù hợp với một tu sĩ Phật giáo. Hay đoạn “Phật ở trên kia cao quá, mãi mãi không độ tới nàng” không được đồng tình vì “không nên oán trách Đức Phật”…

Mới đây, ca sĩ Phương Thanh đã đưa ra một phiên bản khác của Độ ta không độ nàng là Tự thân nàng hãy cứu độ nàng. Phiên bản này thu hút hơn hai triệu lượt xem sau gần một tuần được đăng tải trên kênh YouTube của ca sĩ Phương Thanh. Lời bài hát khuyên răn mọi người thành tâm hướng Phật để tự cứu độ chính mình mà không phụ thuộc vào người khác.
Tương tự, thượng tọa Thích Nhật Từ – trụ trì chùa Giác Ngộ, quận 10, TPHCM – cũng đã thực hiện livestream trên mạng xã hội Facebook để chia sẻ quan điểm của mình. Thượng tọa cho rằng, bản phóng tác tiếng Việt đã bi kịch hóa nhiều hơn so với phiên bản gốc. Vị thượng tọa này cũng nhấn mạnh, hành vi “hận tình trả thù” của vị tu sĩ trong truyện là sai và các chàng trai, cô gái mới lớn nếu lỡ thất tình cũng không nên bắt chước lối ứng xử bạo lực này.

Tự thân nàng hãy cứu độ nàng, phiên bản khác của Độ ta không độ nàng, do ca sĩ Phương Thanh thể hiện.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, phần nhạc phim chỉ nói lên nỗi lòng của nhân vật trong câu chuyện chứ không có ý xuyên tạc Phật giáo. Chính vì vậy mà các sản phẩm như phim ngắn, ảnh cổ trang, kể chuyện tranh cát… liên tục được ra mắt người xem, tạo nên cơn sốt đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong giới trẻ.

Phương Vy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối