Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Trẻ biếng ăn, mẹ con cùng khóc

VŨ YẾN  -

Trẻ em bỏ bữa dẫn đến không tăng cân, còi cọc là nỗi lo và căng thẳng của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, ép trẻ ăn bằng cách “động tay động chân” hay sử dụng quá nhiều các loại thuốc hoặc sản phẩm trị biếng ăn là những biện pháp được các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng nên tránh.

Trị biếng ăn bằng... roi

Chị Minh, nhà ở quận Tân Bình (TPHCM), đến Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM (quận Phú Nhuận) để nhờ tư vấn của các bác sĩ về đứa con trai nhỏ của mình. Đứa trẻ dù 17 tháng tuổi nhưng chỉ nặng 10 kg và cao 80 cm. Theo chị Minh, nếu so với khoảng 40 trẻ học chung lớp thì con chị phát triển chậm nhất cả về cân nặng và chiều cao. “Các bác sĩ đều cho biết bé như thế là hơi nhỏ nhưng sức khỏe bình thường, không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, thấy con cứ mãi không tăng cân, không lớn được bao nhiêu nên tôi rất lo”, chị nói.

Trẻ không có nhu cầu ăn quá nhiều, quan trọng là trẻ hấp thụ tốt thức ăn để phát triển.  Ảnh: Thành Hoa
Trẻ không có nhu cầu ăn quá nhiều, quan trọng là trẻ hấp thụ tốt thức ăn để phát triển. Ảnh: Thành Hoa

Chị Minh cho rằng nguyên nhân lớn nhất khiến bé không thể phát triển kịp các bạn là do biếng ăn. Mỗi lần ăn rất ít. Vì thế, có những thời điểm khi chị đút cho con ăn nhưng đứa bé không ăn thì chị đánh. “Có những khi tôi đánh con dã man như bảo mẫu phù thủy. Tôi tát vào má, vả vào miệng, đánh vào tay, quất vào mông. Có lúc con ăn tiếp hết tô cháo, nhưng cũng có lúc khóc ấm ức kêu mẹ xong không ăn nữa, lăn ra ngủ”, chị Minh kể.

Không đánh con đến mức như chị Minh, nhưng chị Lan ở quận Thủ Đức cũng cho biết việc con gái hai tuổi không chịu ăn đầy đủ bữa chính, chỉ thích ăn quà vặt như bim bim, mì tôm, bánh, kẹo cũng khiến chị nhiều lần nổi nóng, dùng đũa đánh vào tay và mông con, nhất là những hôm công việc ở cơ quan quá căng thẳng.

Chẳng những thế, chị Lan kể, cứ mỗi lần đến bữa cho bé ăn là vợ chồng chị lại cãi nhau. Chồng chị thì cho rằng “cứ để đói khắc phải ăn” nhưng chị lại sốt ruột, không thể bỏ mặc. Tình trạng biếng ăn của bé kéo dài liên tục trong vòng hai tháng khiến chị vô cùng lo lắng, không khí gia đình đến bữa ăn rất căng thẳng, rối loạn nên chị tìm mua một số sản phẩm như siro, cốm, thuốc trị biếng ăn về cho bé sử dụng.

“Tôi cho con sử dụng biết bao nhiêu loại thuốc, tốn thêm mỗi tháng gần cả triệu bạc, trong thời gian uống thì có cải thiện, con chịu khó ăn hơn nhưng cứ ngưng thuốc là con trở lại tình trạng biếng ăn. Thậm chí, còn biếng ăn hơn cả trước khi uống thuốc hay sản phẩm trị biếng ăn. Tôi cho con uống liên tục trong vòng gần một năm nhưng cứ lẩn quẩn trong vòng có thuốc thì ăn thêm được một ít – dừng thuốc thì biếng ăn hơn trước. Đôi khi tôi có cảm giác con bị lờn thuốc, không có cảm giác với thức ăn”, chị Lan nói.

Bình tĩnh tìm nguyên nhân

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, TS.BS. Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn. Ông khuyên, cha mẹ cần hạn chế cho con ăn bánh kẹo giữa các bữa, cần tạo ra bữa ăn cân đối, phong phú thành phần, tránh nhàm chán. Bên cạnh đó, nên cho trẻ tham gia các hoạt động mang tính vận động, thể lực và cho trẻ tham gia bữa ăn cùng với gia đình...

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ tại phòng khám Nhi đồng TPHCM (quận 1) cho rằng ăn là một nhu cầu thiết yếu và tự nhiên của con người. Trẻ sẽ ăn khi thấy đói, và ăn đủ với nhu cầu của bản thân. Tuy nhiên, thông thường người mẹ thường muốn trẻ ăn nhiều hơn nhu cầu, thể hiện tình thương một cách quá mức thông qua việc chăm chăm tập trung vào việc ép trẻ ăn một ngày nhiều bữa, nhiều loại thức ăn với quá nhiều chất dinh dưỡng.

Theo bà Huệ, trên thực tế trẻ không có nhu cầu ăn quá nhiều, quan trọng là trẻ hấp thụ tốt thức ăn để phát triển. Trong đó, không gian ăn uống, trạng trái ăn uống vui vẻ, hưng phấn, tập trung ăn, cách trang trí món ăn, khẩu vị món ăn… sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thụ này. Nếu trẻ biếng ăn, mẹ tuyệt đối không được đánh, quát mắng trẻ. Khi tạo áp lực, hành hạ trẻ như thế thì lượng thức ăn đưa vào trẻ cũng không hấp thụ và tiêu hóa được mà còn gây ra những tổn thương tâm lý, tác động lên trí não, đời sống tinh thần của trẻ. “Hãy để con được tiếp nhận đồ ăn một cách tự nhiên. Về phần mình, mẹ nên bớt căng thẳng, nghỉ ngơi, tạo và giữ tâm lý của bản thân ổn định, vui vẻ”, bà Huệ nói.

BS.CK1. Đào Thị Yến Thủy, Phó khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết hàng năm có rất nhiều bậc cha mẹ cho con tới trung tâm để khám do biếng ăn. Trẻ biếng ăn thường có các nguyên nhân như do tâm lý, do sai lầm trong chế biến thức ăn và thời gian chuyển tiếp chế độ ăn, do bệnh lý, do sinh lý, do thuốc…

Theo đó, các bậc cha mẹ cần xác định nguyên nhân để có phương pháp chữa chứng biếng ăn cho trẻ phù hợp. Phương pháp chữa bệnh này nên có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng. Ví dụ, nếu trẻ biếng ăn do bệnh lý cha mẹ phải cho bé đi khám bác sĩ để điều trị hết bệnh, lúc trẻ bệnh có thể ăn ít nhưng sau bệnh phải bồi dưỡng. Nếu biếng ăn do tâm lý cha mẹ không ép ăn quá mức, không bạo lực, la mắng trong khi cho trẻ ăn. Biếng ăn do sinh lý thì cho trẻ ăn món ăn yêu thích, bổ sung thêm bữa phụ…

Đặc biệt, theo bác sĩ Thủy, cha mẹ không tự ý mua thuốc bổ hay thực phẩm trị biếng ăn vì chúng có thể không phù hợp, không cải thiện được tình trạng mà đôi khi còn làm trẻ biếng ăn nhiều hơn.

“Cho dù vì nguyên nhân nào khiến trẻ biếng ăn cha mẹ cần kiên nhẫn, bình tĩnh, không được sử dụng các biện pháp bạo lực, ép buộc con mình mà hãy đi gặp các bác sĩ để được tư vấn”, bà Thủy nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối