Thứ năm, Tháng Một 16, 2025

Trẻ con “mắc nghẹn” với quảng cáo

Hoàng Xuân Phương -

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa lên tiếng rằng trẻ con cần được bảo vệ trước một rừng quảng cáo thực phẩm cho trẻ tràn ngập trên các ứng dụng di động, các mạng xã hội cũng như trên các video blog hay các chương trình truyền hình dành riêng cho chúng.

quangcaotreemQuảng cáo thực phẩm tràn ngập trên các chương trình dành riêng cho trẻ.  Ảnh minh họa: www.yale.edu

Theo thông tin đăng tải trên trang của WHO tại châu Âu, báo cáo mới nhất của tổ chức này lên tiếng cảnh báo rằng các bậc cha mẹ và người coi sóc trẻ đã không mấy quan tâm đến ảnh hưởng của những quảng cáo nhắm trực tiếp vào con cái họ. Và trách nhiệm không chỉ dừng lại ở những người lựa chọn thực phẩm và chăm sóc bữa ăn cho trẻ.

Có những bằng chứng hiển nhiên cho thấy chứng béo phì nơi trẻ con có liên quan đến những quảng cáo thực phẩm và thức uống không cồn giàu chất béo bảo hòa và giàu muối cùng đường tự do. Ủy ban về loại trừ béo phì trẻ em thuộc WHO khuyến cáo cha mẹ, cộng đồng và các tổ chức xã hội không nên để trẻ em bị nhiễm độc bởi thứ quảng cáo nhắm trực tiếp vào chúng. WHO đề nghị các nước thành viên thuộc tổ chức này ban hành các quy định hạn chế việc quảng cáo những loại thức ăn thức uống không thích hợp trên tất cả các phương tiện truyền thông, kể cả truyền hình và Internet.

Hãng BBC dẫn lại báo cáo của WHO cho biết, ở nhiều nơi tại nhiều nước, tỷ lệ trẻ em truy cập vào Internet, vào các mạng xã hội và vào các ứng dụng dành riêng cho trẻ trên máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh đã lên rất cao, đó là chưa kể những chương trình có nội dung pha trộn giữa người lớn và trẻ con. Chính đây là môi trường cho các nhà quảng cáo thực phẩm và thức uống tấn công trực tiếp vào thị hiếu của các em, tạo cho chúng thói quen và sự quan tâm đặc biệt và cuối cùng, “cưỡng bức” chúng ưa thích những thực phẩm đó khi chưa đủ trình độ phân biệt cái nào tốt cái nào xấu cho sức khỏe.

Sự thèm thuồng, thói quen ăn uống và sở thích chọn lựa món ăn thức uống chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường sống, đặc biệt nơi môi trường quảng cáo vốn là tác nhân ảnh hưởng lớn nhất dẫn đến chứng béo phì nơi trẻ em và những căn bệnh nguy hiểm về sau. Tệ hại hơn, nhiều thuật toán trên các trang web đang giúp cho những quảng cáo trực tuyến về thực phẩm trẻ em ưu tiên xuất hiện và tồn tại lâu hơn trên màn hình so với những quảng cáo có tính hữu ích khác. Các nhà nghiên cứu đã xác định rằng ba yếu tố phối hợp ăn sâu vào tâm trí trẻ con khiến chúng có hành vi sử dụng thức ăn thức uống giàu muối và đường tự do là thực phẩm, quảng cáo, và công nghệ số.

Trước làn sóng tấn công trực diện vào trẻ em của những bloger và vloger vốn được trả công rất lớn từ các nhà sản xuất thực phẩm và thức uống, các bác sĩ cho rằng cần phải siết chặt các hình thức quảng cáo. Những phân tích trên thị trường thực phẩm Mỹ cho thấy các hình thức quảng cáo bằng video blog tạo ảnh hưởng cho các thương hiệu mạnh hơn cả phim ảnh và truyền hình. Người phụ trách chương trình về dinh dưỡng, sinh hoạt và béo phì tại WHO, tiến sĩ Joao Breda, cho biết sự tác động của quảng cáo trực tuyến nay rất mạnh và những mô hình quản lý hiện hữu để lộ ra những bất cập không thể bảo vệ con em chúng ta.

Ông Breda nhận định rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, nhưng cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhiều khi không nhận ra điều đó và vì thế để cho các em bị tác động từ quảng cáo. Một vài nước như Anh đã có những luật lệ ngăn chận quảng cáo thực phẩm không thích hợp trong các chương trình truyền hình. Nhưng như thế là chưa đủ, và hậu quả là cho đến nay vẫn còn tình trạng cứ năm trẻ thì có một trẻ ở bậc tiểu học bị chứng béo phì. Giáo sư Russell Viner từ trường Nhi khoa và sức khỏe trẻ em Hoàng gia Anh cho rằng, với thực trạng thức ăn giàu dinh dưỡng như hiện nay thì tỷ lệ trẻ béo phì cao là điều dễ hiểu. “Thật đáng trách là những thứ quảng cáo đó đang nhắm vào trẻ em”, ông nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối