Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

“Trẻ con rất dễ rung động trước tự nhiên”

(SGTTO) - Từ tình yêu và niềm đam mê mãnh liệt với đa dạng sinh vật rừng, sau nhiều năm lặn lội nghiên cứu, hoạt động, cứu hộ động vật hoang dã, anh Phùng Mỹ Trung, một nhà nghiên cứu đa dạng sinh học, tiếp tục truyền lửa đam mê thiên nhiên cho thế hệ “chủ nhân tương lai của đất nước”. Anh Trung cho rằng, trẻ con rất dễ rung động trước tự nhiên nên việc dạy dỗ các bé dễ dàng đem lại hiệu quả hơn.

Dạy trẻ con yêu rừng

Suốt buổi trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Trung liên tục nhắc đến rừng và “thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước”. Đó là các em nhỏ đang tuổi ăn học, đang tuổi tập tành hình thành những thói quen cũng như cách ứng xử, đối xử với môi trường sống và cộng đồng xung quanh. Anh Trung cho rằng, muốn thay đổi bất cứ vấn đề nào, nên bắt đầu bằng việc giáo dục con trẻ.

Hơn 30 năm trước, đang là kiểm lâm viên nhưng lại có niềm đam mê mãnh liệt với núi rừng và sự đa dạng của sinh vật trong các hệ sinh thái, anh Trung mài mò nghiên cứu, chụp ảnh từng loài vật rồi lập website www.vncreatures.vn như một kho tài liệu đầy đủ, quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về đa dạng sinh vật.

Phung Mỹ Trung
Anh Phùng Mỹ Trung trò chuyện với Sài Gòn Tiếp thị. Ảnh: Phương Mai.

Dần dà, tình yêu với núi rừng càng lớn mạnh, cộng với những kỹ năng sống được tích lũy từ bé, anh Trung đi vào rừng nhiều hơn, hiểu hơn về các chủ đề liên quan đến động vật, thực vật sống trong rừng, thậm chí cả dưới biển như rùa biển. Càng yêu rừng, chứng kiến cảnh môi trường rừng đang ngày càng bị hủy hoại nhiều vì con người, anh Trung càng xót xa.

Với mong muốn thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước hiểu về tầm quan trọng của rừng, yêu thiên nhiên và động vật hoang dã hơn, anh Trung chuyển từ nghiên cứu sang giáo dục, truyền cảm hứng. Đối tượng mà anh hướng đến là trẻ con, các em thiếu nhi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Theo đó, anh tổ chức những lớp học về đa dạng sinh vật, các chương trình tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã, xây dựng nhiều ngôi nhà Hero House làm nơi ở và học tập, phục vụ cộng đồng cho các bạn tình nguyện viên…

“Vậy, đã có khoảng bao nhiêu em thiếu nhi tham gia các chương trình trên với anh trong những năm qua?”, tôi hỏi.

Anh Trung bảo anh không nhớ hết. Chỉ nhớ gần như tuần nào cũng có các chuyến xe đưa các em về với núi rừng tham quan, học tập và tham gia các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã. Mỗi chuyến phải có từ 3 xe 45 chỗ với đầy các “hành khách nhí”.

“Vì là vườn quốc gia nên không có đủ chỗ cho số lượng nhiều hơn nữa các em đến sinh hoạt nên phải giới hạn số lượng. Nếu có nữa, mỗi tuần cả chục chuyến xe chắc cũng chưa đáp ứng hết đơn đăng ký tham gia của các bậc phụ huynh”, anh Trung chia sẻ.

Theo bạn, giáo dục và truyền cảm hứng tình yêu thiên nhiên cho thanh thiếu niên, thiếu nhi sẽ giúp:

Xem kết quả

Anh Phùng Mỹ Trung hướng dẫn các bé thiếu nhi giã gạo trong Hero House. Ảnh: Phùng My.

Với anh Trung, mỗi lần trò chuyện với con trẻ, hướng dẫn các em từng li từng tí về con này, vật kia, về sự kỳ diệu của tự nhiên…, anh thấy mình thật hạnh phúc. Càng hạnh phúc hơn khi sau những chương trình này, nhiều em đã biết yêu thiên nhiên hơn, có em còn có bài báo quốc tế được đăng, có em được học bổng du học về đa dạng sinh vật, về rừng…

“Một khi biết yêu thiên nhiên, biết trân trọng từng cành cây ngọn cỏ, từng con vật sống trong môi trường tự nhiên, tụi nhỏ sẽ lớn lên hạnh phúc hơn, thành công hơn. Bọn trẻ cũng sẽ nhắc nhở người lớn không phá hoại thiên nhiên thông qua cuộc sống hằng ngày. Chính những đứa trẻ ấy sau này sẽ là người giữ rừng, giữ biển cho đất nước”, anh Trung chia sẻ.

Nhân văn, lan tỏa

Việc chọn trẻ con để giáo dục, truyền cảm hứng về thiên nhiên, về động vật hoang dã đã là một việc không đơn giản. Ngoài yếu tố hấp dẫn, suốt các chương trình, hoạt động của anh Trung, yếu tố “an toàn” luôn được đưa lên hàng đầu. Bên cạnh đó, dạy làm sao để các con say mê, thích thú, các chương trình thật sự có ích là điều càng khó hơn.

Từ những yêu cầu đó, anh Trung tự tay thiết kế với nhiều tờ rơi, sách, tranh ảnh minh họa đẹp mắt, thông tin hấp dẫn, thú vị. Anh Trung bảo, dạy tụi trẻ con phải hấp dẫn, phải thực tế thì mới thu hút được chúng.

Và quan trọng hơn nữa, sau những lần về rừng làm tình nguyện viên đó, tụi nhỏ nhớ được gì, rút ra được ấn tượng nào để từ đó, từng bước từng bước đặt những viên gạch nền móng, xây dựng tình yêu dành cho thiên nhiên trong tương lai.

“Nhiều bạn nhỏ tham gia chương trình rồi trở về trường học, thành lập được những câu lạc bộ yêu thiên nhiên, câu lạc bộ nghiên cứu về động vật hoang dã. Có bạn ở tít bên Mỹ còn kêu gọi quyên góp để xây dựng tổ ấp trứng cho rùa. Những việc nhỏ thôi nhưng đó chính là thái độ tích cực của các em dành cho thiên nhiên”, anh Trung chia sẻ.

Anh Trung chia sẻ, truyền cảm hứng về yêu thiên nhiên cũng là cách anh Trung giáo dục các con trong gia đình. Ảnh: Phương Mai.

Có điều đặc biệt, trong mỗi chuyến đi “về rừng” của các tình nguyện viên nhí do anh Trung tổ chức thường có vài bạn trẻ bị bệnh tự kỷ. Các thành viên này sẽ được ưu tiên hơn trong một số hoạt động như sẽ được thả hai rùa con về biển thay vì mỗi bạn chỉ được một con, hoặc đào hai hố trồng cây thay vì chỉ một…

Anh Trung kể, có lần, một bạn nhỏ tự kỷ nặng nhưng đã rất nỗ lực trong suốt chương trình, từ học tập đến lao động. Đến phần thi khảo sát cuối khóa, bạn chỉ làm được 4/28 câu hỏi nhưng vẫn được “bác Trung” tuyên dương là thành viên xuất sắc nhất đoàn.

“Bạn nhỏ ấy phấn khởi lắm, trở về nhà trong tâm trạng hoan hỉ. Những mùa hè sau đó, năm nào bạn ấy cũng tham gia các chương trình tình nguyện viên và có tiến bộ rõ rệt. Trên thực tế, thiên nhiên có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ tự kỷ, trẻ tăng động”, anh Trung nhớ lại.

Ngày nay, cũng như rừng, trẻ em đang ngày càng bị “tấn công” mạnh mẽ hơn bởi nhiều thú vui hấp dẫn nhưng có hại như máy tính bảng, điện thoại, các trò chơi điện tử thì cách anh Trung đưa bọn nhỏ về với thiên nhiên mang nhiều ý nghĩa.

Trong suốt chuyến đi, các em sẽ không được phép sử dụng bất cứ thiết bị điện tử nào, phải học cách phục vụ bản than trước, phục vụ ba mẹ rồi phục vụ cộng đồng nơi các em đến. Với anh Trung, khi các em tự tay chăm sóc một cái cây, một con thú… các em sẽ hiểu hơn trách nhiệm của bản thân với môi trường. Những bài học lý thuyết từ đó sẽ được áp dụng vào thực tiễn cụ thể hơn, sống động hơn.

Các ngôi nhà của nhóm đều được đặt tên là Hero House – Ngôi nhà của những người quả cảm, những người đã dám hy sinh thời gian, công sức, tiền bạc để xây dựng và đến đây, cùng chăm sóc, nuôi dưỡng, cứu hộ các loài động vật hoang dã.Hiện nay, nhóm đã có 2 Hero House đặt tại Núi Chúa (Ninh Thuận) và Bù Gia Mập (Bình Phước). Sang năm, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng ngôi nhà Hero House thứ 3 đặt tại đảo Phú Quý. Nơi đây hằng năm cũng có rất nhiều rùa biển lên đẻ trứng và cần đến sự trợ giúp của các bạn tình nguyện viên. Nhóm đã khảo sát và đang trong giai đoạn xin phép các cơ quan chức năng để tiến hành.Trong tương lai, chắc chắn sẽ có thêm nhiều Hero House được xây dựng, giúp cho các bạn trẻ đến tham gia tìm hiểu về môi trường rừng, các bạn tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã đến ở và sinh hoạt.

Nam Bình

Nhiều người quan tâm