Thứ năm, Tháng mười một 28, 2024

Trẻ em và câu chuyện chạy bộ vui, khỏe nhưng vẫn có “thành tích”

(SGTT) – Ngày nay, chạy bộ dần trở thành “mốt thể thao” khi số lượng vận động viên tham gia (runner) hay các giải chạy đã nhiều hơn trước. Điều này góp phần lan tỏa tinh thần tập luyện, gìn giữ sức khỏe trong cộng đồng, trong đó có đối tượng tham dự là trẻ em. Để duy trì đam mê chạy bộ ở các bạn nhỏ, nhất là độ tuổi (6-10 tuổi) thì không chỉ cần giải pháp linh hoạt mà còn thêm yếu tố khoa học.
Đường chạy Kun Marathon. Ảnh: Thái Ca

Xây dựng ý thức từ việc sớm tiếp cận chạy bộ

Câu chuyện cô bé Thy Ca (6 tuổi) hoàn thành cự ly chạy 10km với thành tích 1 giờ 56 phút tại giải VNExpress Marathon Amazing Halong 2022 diễn ra ngày 24-7 vừa qua là niềm cảm hứng cho các bạn nhỏ đang tìm hiểu và chập chững với bộ môn này.

Qua chia sẻ, gia đình Thy Ca cho hay, runner nhí này đã tập luyện khoảng 2 năm qua với vận động viên chuyên nghiệp Lê Mộng Tuyền để có được thành tích như ngày hôm nay. Mới đây, giải chạy miễn phí cho trẻ em từ 6-10 tuổi Kun Marathon Nha Trang diễn ra vào ngày 27-8 tới phải tạm đóng cổng đăng ký sớm khi số lượng đăng ký đạt mốc 2.000 người. Điều này cho thấy, chạy bộ và trẻ em đang ngày càng gắn kết nhau và cơ hội cải thiện sức khỏe cho các em cũng theo đó mở rộng.

Ở khía cạnh chuyên gia, ông Trịnh Đức Thanh, Trưởng Bộ môn Điền kinh TPHCM, cho rằng trẻ em muốn chạy bộ khỏe mạnh thì cần xây dựng kế hoạch tập luyện. Ví dụ như mỗi tuần, trẻ có 2-3 khung giờ vận động, có thể hơn nhưng phải duy trì thường xuyên. Việc tập luyện không thể tính bằng ngày hay tháng mà có khi là hằng năm để đạt kết quả tốt. Chính vì vậy, trẻ càng tiếp cận sớm thì việc xây dựng ý thức tập luyện càng hiệu quả hơn.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Nguyên Lập, Trưởng phòng Giáo dục thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cho rằng chạy bộ là nhu cầu chuyển động cơ bản của con người nên có thể xây dựng thói quen này từ các tiết học thể dục ở trường, giờ thể thao ngoại khóa. Đặc biệt, cha mẹ có sẵn nền tảng chạy bộ cũng là sợi dây kết nối, động lực cho trẻ noi theo. Bên cạnh đó, các giải chạy thiếu nhi là sân chơi hữu ích để các bé có những trải nghiệm như một vận động viên thực thụ, phấn đấu để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Các trò chơi vận động thú vị cũng quan trọng không kém việc chạy bộ. Ảnh: Thái Ca

Để vui khi chạy, khỏe sau chạy

Nếu như các runner ở lứa tuổi thiếu niên và trưởng thành có nhiều bài tập để có thể chinh phục các cự ly 5km, 10km, 21km (half marathon), 42km (full marathon) thì câu hỏi trẻ nên bắt đầu với cự ly bao nhiêu mét hay ki lô mét, hoặc chạy trong bao lâu lại không dễ trả lời.

Bác sĩ Nguyễn Thụy Song Hà, chuyên gia y học thể thao phân tích, cường độ vận động là điều cần quan tâm hơn thời gian vận động. Nghĩa là trẻ chạy trong một khoảng thời gian nào đó mà vẫn cảm thấy vui vẻ, khỏe khoắn, tránh việc chạy quá sức, tăng tốc đột ngột.

Huấn luyện viên (HLV) Trịnh Công Khanh, hiện đang làm việc tại Đội tuyển Điền kinh TPHCM, nhấn mạnh tất cả các hoạt động tập luyện của trẻ dưới 10 tuổi cần phải tránh căng thẳng, các bài tập nên lồng ghép yếu tố “chơi” vào vận động, vừa để tránh sự nhàm chán vừa tạo ra sự phát triển đồng đều cho cơ thể.

Có thể tham khảo từ cung đường chạy phổ biến của Kun Marathon, Kun Run từ đầu mùa hè 2022 đến nay tại Quy Nhơn, Hậu Giang, Hạ Long, TPHCM sẽ thấy độ dài chỉ khoảng 800 - 1.000m và cứ khoảng 150 - 200m lại có các trò chơi vận động, chướng ngại vật để các runner nhí vượt qua.

Cùng ý kiến, HLV điền kinh kỳ cựu Nguyễn Đình Minh cho rằng, trẻ em có thể chạy trên một quãng đường, khi mệt có thể đi bộ, rồi chạy tiếp, không cần phải thúc ép trẻ chạy liên tục, dần dần thời gian chạy sẽ tăng lên. Nhìn chung cần tránh hẳn những bài tập mang tính “can thiệp” vào sức mạnh, sức nhanh khi trẻ dưới 12 tuổi.

Điều cuối cùng theo HLV Trịnh Công Khanh, chính là yếu tố dinh dưỡng, trẻ em cần tuyệt đối tránh ăn kiêng, bổ sung dinh dưỡng theo nhu cầu, cơ thể sẽ tự phát triển và hoàn thiện sau một thời gian dài tập luyện.

Thái Nguyễn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối