(SGTTO) - Những bức ảnh về cuộc sống thường nhật của người dân TPHCM được thể hiện rất chân thật và mộc mạc tại buổi triển lãm ảnh do nhóm Saigon Photo Walk tổ chức, diễn ra từ 18-9 đến 18-10 tại 62 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM. Mỗi tác phẩm là mỗi cách nhìn, mang mỗi cảm xúc khác nhau về cùng một thành phố.
Đây là lần thứ ba, nhóm Saigon Photo Walk tổ chức triển lãm ảnh với mong muốn chia sẻ những khoảnh khắc đẹp trong từng bức ảnh đến bạn bè. Triển lãm lần này chọn ra 50 tác phẩm đến từ 12 tác giả. Thông qua các bức ảnh, tác giả đã thổi hồn cũng như chính tình yêu của mình với con người, mảnh đất TPHCM.
Là người tạo lập nhóm cũng như khởi xướng triển lãm, ông Juan Carlos - một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đến từ Mexico, chia sẻ rằng công việc và tình yêu của ông với nhiếp ảnh bắt đầu ở quê hương với các tác phẩm về chân dung những hành khách trên các chuyến tàu du lịch.
“Và kể từ đó, tôi đã có cơ hội đi khắp nơi và làm việc cho nhiều công ty lớn ở nước ngoài. Trong vài năm gần đây, tôi tập trung chủ yếu vào nhiếp ảnh đường phố, chụp chân dung trong sinh hoạt thường nhật. Tôi luôn cảm thấy cần thiết phải ra ngoài, nắm bắt văn hóa, gặp gỡ mọi người và khám phá thành phố tôi đang sống, đặc biệt là kể từ khi tôi chuyển đến Việt Nam”, ông Juan Carlos nói.
Saigon Photo Walk quy tụ các thành viên nhiệt huyết đến từ nhiều quốc gia, đang sinh sống và làm việc ở TPHCM. Tất cả đều có chung niềm đam mê với nhiếp ảnh và thích khám phá TPHCM theo cách đời thường nhất. Saigon Photo Walk phát triển như một cộng đồng ảnh quốc tế hoạt động sôi nổi, nơi mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu và quan trọng nhất là học nhiếp ảnh.
Dù thời tiết Sài Gòn nắng hay mưa, thì cứ đều đặn mỗi cuối tuần, nhóm Saigon Photo Walk lại tập hợp, len lỏi, góp nhặt những khoảnh khắc đời thường của thành phố này.
Anh Sang Nguyễn, một trong những tác giả của triển lãm ảnh, cho biết: “Là người Việt, tham gia nhóm với niềm đam mê chụp ảnh và mong muốn ghi lại những hình ảnh về Sài Gòn. Ngoài ra, mình rất tự hào khi được làm cầu nối, giới thiệu về văn hoá, con người Sài Gòn đến với bạn bè quốc tế”. Sang Nguyễn cũng là thành viên đóng góp ý tưởng tặng những bức ảnh cho chính nhân vật được chụp, đây như một lời cảm ơn và là món quà kỷ niệm.
Sống và làm việc ở TPHCM được 3 năm, ông Vincent Floreani - Tổng lãnh sự Pháp, tham gia Saigon Photo Walk để cùng khám phá những địa điểm mới ở vùng đất này. Cứ mỗi Chủ nhật hàng tuần, đôi khi là cả thứ Bảy, ông đều sắp xếp công việc để gặp gỡ các thành viên trong nhóm, cùng nhau học hỏi cách chụp ảnh, ghi lại nhiều bức hình đẹp và in ra gửi tặng cho mọi người.
Ông Vincent Floreani chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia cùng nhóm, tôi có một phát hiện rất thú vị về Sài Gòn. Tôi như tìm được một làng quê mộc mạc, bình dị giữa lòng thành phố lớn xa hoa. Những người tôi gặp đều rất dễ mến và luôn nở nụ cười”. Ông có bốn bức ảnh tham gia triển lãm lần này. Ba trong số đó là ông chụp chân dung của các quý cô xinh đẹp trong công việc hàng ngày. Theo ông, họ làm việc rất chăm chỉ, tuy là những công việc rất bình thường nhưng luôn vui vẻ, hạnh phúc. Ảnh còn lại là về một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn với ngôi chùa dưới mưa. Ông cho biết rất tâm đắc về màu sắc, ánh sáng và sự phản chiếu của bức ảnh”.
“Tấm ảnh mình ấn tượng nhất trong đợt triển lãm này có lẽ là ảnh Mưu sinh của tác giả Sang Nguyễn. Nó gợi lên trong mình một cảm xúc khó tả”, chị Thoa – một người đi xem triển lãm - chia sẻ. Được lựa chọn tham dự triển lãm, tác phẩm “Mưu sinh”chạm đến trái tim của người xem bởi không chỉ bởi hình ảnh ấn tưởng mà còn là câu chuyện được tác giả gửi gắm. Sang Nguyễn cho biết, bức ảnh được chụp ở đường Chu Mạnh Trinh, quận 1 với hình ảnh một bà cụ đã lớn tuổi nhưng vẫn hàng ngày cặm cụi mưu sinh cùng tiệm tạp hoá nhỏ. Vỏn vẹn chưa đến 1m2, nơi đây còn là chỗ ăn uống và nghỉ ngơi của cụ. Bức hình này cũng được nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ và nhận được gần 12.000 lượt yêu thích và gần 1.000 lượt chia sẻ.
Nếu khách tham quan thích bức ảnh nào, cũng có thể mua làm kỷ niệm, số tiền này sẽ được nhóm sử dụng cho các mục đích vì cộng đồng. Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa của triển lãm.
Thuỳ Trang