Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Trời đất vô thường

Nguyễn Ngọc Tuyết -

Cánh đồng mênh mông, nước đầy tràn, bầu trời xanh ngút mắt, một chiếc xuồng nhẹ lướt như một chấm nhỏ điểm xuyết cho bức tranh bao la của trời đất. Cô gái đứng trên xuồng, đưa tay lên tuốt từng chùm bông điên điển vàng rực vào chiếc nón lá. Những gốc điên điển khô cằn mùa nắng giờ xanh mướt lá, nở đầy bông khi mùa nước nổi lại về.

Nước lên, cây cũng lên theo, bông nhuộm vàng cả một cánh đồng. Những đám bông súng cũng ngoi lên, cọng vươn dài theo dòng nước, bông nở trắng cả một vùng…

Đó là những hình ảnh đẹp đẽ có lẽ chỉ còn nằm trong ký ức của cư dân vùng đồng bằng Nam bộ. Kèm theo đó còn là những mùa bội thu thủy sản của những người sống nghề hạ bạc dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu để mâm cơm hằng ngày thêm chút ấm lòng.

Vậy rồi những con đập chắn nước, những bờ đê bao cho những mùa thâm canh lúa vụ ba ào ạt, mệt ngất, con nước thượng nguồn không đổ vào ruộng nữa, những hạt phù sa nằm lại nơi nào không tưới tắm ruộng đồng.

Anh: Lê Hoàng Vũ

Những mùa lúa như xưa không còn, nhiều nơi cá chờ nước đến kiệt sức, tôm cá, cua ốc, chim cò, rau củ tự nhiên hiếm hoi dần. Thỉnh thoảng có một mùa nước lên, người dân đồng bằng như vỡ òa hạnh phúc cùng nỗi phập phồng về những mùa nước tới, biết nước có đổ về không.

Điều nghịch lý là niềm vui của vùng này lại là nỗi lo của nơi khác. Cùng lúc với mùa cá tôm dồi dào của phương Nam năm nay là những cơn bão lũ miền Tây Bắc hay miền Trung, đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng, dồn biết bao người dân vào cảnh khốn cùng.

Ông bà xưa từng nói “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, mà chúng ta, những người sống hôm nay đã vận dụng bài học xưa ra sao? Chúng ta đã đối xử với thiên nhiên, đất đai như thế nào? Những cánh rừng bị chặt phá trơ trụi, cả rừng đầu nguồn, rừng cuối nguồn, những cánh rừng phòng hộ ven biển ngàn đời che chắn cho những làng mạc phố thị cũng bị phá bỏ, những cây gỗ quý bị khai thác liên tục nhằm tận diệt màu xanh của rừng...

Và rồi thiên nhiên đã “trút giận” bằng nhưng cơn lũ ống, lũ quét khiến nhà tan, người mất. Phải chăng đó là hậu quả của sự “nghịch thiên”?

Hôm rồi có ông bạn cần trái ươi (lười ươi) để trị bệnh mà loại này giờ đã tuyệt tích giang hồ, không còn thấy bán trong những thau lười ươi hột é ngoài chợ như một thứ giải khát ngày hè nữa. Có người chỉ bạn vào tiệm thuốc bắc, mua được một ít, gần trăm ngàn đồng cho 100 gram. Đúng là mắc mà cũng chỉ là trái nhỏ, chưa già. Loại trái này thời tôi còn nhỏ bán đầy chợ, bọn trẻ còn chê, vậy mà... Chạnh nhớ tới một bài báo đọc cách đây vài năm, cây ươi mọc nhiều nhất ở Quảng Nam, mỗi năm đến mùa trái chín, trái ươi sẽ tự rụng xuống rồi được lượm về phơi khô. Người dân gọi đó là “mùa ươi bay”, những trái ươi chín đỏ rời cành là là bay trong gió, cảnh tượng mới đẹp đẽ nên thơ làm sao! Nhưng vì lòng tham, người ta đã chặt cây ươi xuống để bẻ hết trái đem bán, thế là cả rừng ươi mất dần, mất luôn cả những mùa ươi bay. Và bọn trẻ bây giờ không còn biết đến món giải khát đặc biệt “lười ươi, hột é” nữa.

Nhìn về đồng bằng Nam bộ, những sà lan hút cát ngày đêm, những chiếc tàu lớn chạy ầm ầm trên sông đã khiến hai bờ sông sạt lở, từng cụm nhà đổ sụp trôi theo dòng nước, trôi luôn cuộc sống bình yên của biết bao con người. Không giống như ngày xưa, cát được khai thác theo luồng chảy của sông, những hạt cát mất đi nơi này sẽ được bồi lắng bên kia để giữ được sự cân bằng sinh thái, sự hài hòa của môi trường. Hình ảnh ấy vẫn còn trong ca dao:

Sông kia bên lở bên bồi

Bên lở thì đục bên bồi thì trong

Tư liệu cho biết đồng bằng sông Mê Kông có hệ sinh thái theo nước ròng nước lớn, phù sa từ thượng nguồn đổ về mỗi năm có đến 160 triệu tấn, vừa nhằm lấn biển, vừa để duy trì bờ biển. Còn nhớ vài chục năm trước có người còn dự đoán, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, mũi Cà Mau sẽ lấn dần, lấn dần tới vịnh Thái Lan.

Vậy mà hôm rồi về Đất Mũi, những bờ kè đã xây thật dài để ngăn sạt lở, từng khu rừng nguyên sinh xơ xác, tiêu điều. Phải chăng Đất Mũi đang lùi dần, lùi dần? Các vành đai rừng còn rất mỏng, có nơi không còn đai rừng phòng hộ nên sóng cứ trực tiếp đánh vào thân đê dẫn đến nguy cơ vỡ đê.

Làm sao giữ lại những hạt phù sa bồi lắng kia, giữ lại những rừng vẹt, rừng đước, rừng tràm, những công thần của một thời “mở cõi”? Những câu hỏi làm đau đầu.

Rừng cuồng nộ, sông giận dữ, đất quặn mình đau. Mẹ thiên nhiên đang lên tiếng, đang trừng phạt những con người chỉ biết “ăn xổi ở thì”, tàn phá, tận diệt thiên nhiên.

Một chuyên gia từng viết về miệt đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rằng chúng ta phải học tập người xưa để sống “thuận thiên”. Đó là “phát triển hài hòa với đất nước, con người ĐBSCL, hài hòa với giá trị văn hóa riêng của ĐBSCL đã hình thành hàng trăm năm nay” (*)…

Từ miền đồng bằng nhìn ra, ý kiến ấy phải chăng còn có ý nghĩa chung cho cả nước?

Những ngày cận tết, khi những cơn mưa bão, lũ lụt vừa dứt ở miền Tây Bắc, miền Nam Trung bộ để lại bao hậu quả đau thương, mất mát, ý nghĩ về cách ứng xử đúng mực với Mẹ thiên nhiên vẫn đau đáu trong lòng. Theo cùng cơn gió đông đang thổi về mát rượi như tín hiệu của mùa xuân, hình như tâm hồn kẻ viết bài này cũng có chút nhẹ bổng lâng lâng. Cho dù trời đất có vô thường, mong sao con người rồi sẽ rút ra bài học sâu sắc để đạt được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Có phải tôi quá ảo tưởng rồi không?


(*) Bài “Thuận thiên với bốn miệt đồng bằng” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn - của PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối