Chánh Tài -
Một số loại cây cảnh trồng trong nhà không chỉ mang đến nét xanh tươi dịu mát cho căn nhà của bạn mà còn có khả năng thanh lọc khí độc hại trong nhà rất hiệu quả. Tuy nhiên, gia chủ cần lưu ý chăm sóc cây cảnh đúng cách để chúng không gây hại cho sức khỏe.
Mối nguy từ không khí ô nhiễm
Cây ngọc bích (jade plant) thanh lọc chất toluene hiệu quả nhất. Ảnh: Getty Images
Khi Vadoud Niri cùng vợ ghé một tiệm làm móng, ông nhanh chóng quay ngược trở ra. Niri, một giáo sư giảng dạy ở Đại học Oswego State, bang New York, Mỹ cho biết: “Tôi đi với vợ vào tiệm làm móng nhưng không thể chịu nổi mùi trong đó. Bạn có thể ngửi thấy tất cả các mùi từ hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) ở đây”.
Cây lưỡi hổ hút tốt chất formaldehyde tỏa ra từ đồ gỗ. Ảnh: Hgtv.com
VOCs bao gồm các chất ô nhiễm như axeton (có trong chất tẩy rửa, sơn, vecni), phoóc môn (có trong gỗ ép, một số sản phẩm nhựa...), toluene (dung môi để pha sơn, mực in), benzen (có trong các sản phẩm nhựa, cao su, nylon và các loại sợi tổng hợp)... Chúng ta không thể nhìn thấy chúng bằng mắt thường. VOCs tỏa ra từ các vật dụng phổ biến trong nhà như tủ, bàn ghế, máy in, máy photocopy, chất tẩy rửa.
“Các tòa nhà, dù mới hay cũ đều có hàm lượng VOCs cao, đôi khi ở mức cao đến nỗi bạn có thể ngửi thấy chúng”, ông Vadoud Niri nói. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hàm lượng VOCs trong nhà gấp 3-5 lần, thậm chí 10 lần không khí ở ngoài trời. VOCs dễ dàng bốc hơi, gây ô nhiễm không khí trong nhà và rất có hại đối với sức khỏe con người.
“Hít phải lượng VOCs lớn có thể dẫn đến triệu chứng mệt mỏi, giảm năng suất làm việc và có thể gây buồn nôn, dị ứng, hen suyễn”, Niri cảnh báo. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, nếu hít phải nhiều lượng VOCs trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương thận, gan và bệnh ung thư.
Thanh lọc không khí độc hại
Cây nhện (spider plant) giúp thanh lọc chất phoóc môn, carbon mon-oxide, oxylene và p-xylene. Ảnh: Getty Images
Sau lần hít phải VOCs tại tiệm làm móng, giáo sư Niri trở về phòng thí nghiệm và bắt đầu nghiên cứu các phương thức để làm giảm tác động độc hại của các chất gây ô nhiễm trong không khí.
Theo Washington Post, ngày 24-8-2016, tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội Hóa chất Mỹ, giáo sư Niri đã trình bày một giải pháp đơn giản cho vấn đề này, đó là trồng cây cảnh trong nhà.
Theo nghiên cứu của Niri, một số loại cây cảnh được trồng phổ biến trong nhà có tác dụng thanh lọc VOCs trong không khí rất hiệu quả. Chẳng hạn, chỉ trong vòng 12 giờ, một cây dứa cảnh lệ (bromeliad) có thể thanh lọc ít nhất 80% hàm lượng của 6 loại VOCs khác nhau trong không khí bên trong một thùng chứa có dung tích 76 lít.
Cây phát tài (dracaena fragrans) cũng có khả năng thanh lọc chất axeton rất tốt. Nó có thể thanh lọc 94% hàm lượng axeton trong không khí trong thùng chứa. Trong khi đó, cây nhện (spider plant) có tác dụng rất nhanh, chỉ trong vòng một phút sau khi đặt cây nhện vào thùng chứa, nồng độ các VOCs như phoóc môn hay carbon monoxide từ khói thuốc lá, oxylene từ nhiên liệu và p-xylene từ nhựa trong không khí ngay lập tức giảm xuống.
Theo giáo sư Niri, cây ngọc bích (jade plant) thanh lọc chất toluene hiệu quả nhất. Cây xương rồng Caribê có thể hấp thụ đến 80% chất ethylbenzene ở nơi đặt chúng. Chất ethylbenzene tỏa ra từ các thiết bị điện, vật liệu xây dựng, đồ chơi...
Cũng tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội Hóa chất Mỹ, các nhà khoa học còn chứng minh rằng cây thường xuân hấp thu các chất độc từ khói thuốc lá rất tốt và nó cũng giúp làm sạch không khí cho người bị hen suyễn. Cây tre lá cọ (bamboo palm), cây lưỡi hổ hút tốt chất formalde-hyde tỏa ra từ đồ gỗ, còn cây lan ý (peace lily) có tác dụng hấp thu bức xạ điện từ các thiết bị kỹ thuật số.
Chăm sóc đúng cách
Cây phát tài (dracaena fragrans) cũng có khả năng thanh lọc chất axeton.
Khi trồng cây cảnh trong nhà, gia chủ cần lưu ý chăm sóc chúng đúng cách để bảo đảm chúng không gây hại cho sức khỏe. Phó giáo sư-tiến sĩ Mussie Habteselassie ở Khoa Trồng trọt và khoa học đất đai thuộc Đại học Georgia (Mỹ) lưu ý những cây cảnh như cây đề, sung, si là trung tâm trú ẩn của vi khuẩn, nấm và nhiều loài vi sinh vật khác, đặc biệt là ở bộ rễ của chúng. “Bạn sẽ mang nhiều vi sinh vật vào căn nhà của bạn khi trồng một cây cảnh”, tiến sĩ Habteselassie nói.
Ở những cây cảnh khỏe mạnh, tiếp nhận nhiều ánh sáng mặt trời và nhận được lượng nước tưới hợp lý, nấm sẽ giúp bộ rễ của chúng hấp thu nhiều dưỡng chất từ môi trường xung quanh. Nhưng “nếu chúng được tưới quá nhiều nước hoặc được trồng ở tầng hầm bị ẩm, nấm sẽ sản sinh ra những bào tử có thể gây dị ứng cho người”, Habteselassie cảnh báo.
Khi một cây cảnh bị tưới quá nhiều, thiếu nước, bị phơi giữa nhiệt độ khắc nghiệt hoặc bị nấm, vi khuẩn hoặc côn trùng có hại, nó sẽ giải phóng ra các hóa chất dưới dạng khí. “Điều này tương tự như khi chồn hôi bị tấn công, nó sẽ phóng ra một chất dịch với mùi hôi kinh khủng để tự vệ”, tiến sĩ Habteselassie nói. Tuy nhiên, con người không thể phát hiện ra các khí không mùi từ cây cảnh trong nhà.
Khí tỏa ra từ những cây cảnh “ốm bệnh” như vậy nằm trong nhóm hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). “Nếu ngôi nhà của bạn không được thông hơi tốt, những khí này có thể tích lũy lên đến mức độc hại”, Habteselassie cho biết.