Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Trống ếch mùa trăng

TRÂN DUY -  

Con nhớ ba hay kể về Tết Trung thu xưa. Cái tuổi thơ của ba với nhà tường mái ngói, với hàng cây so đũa ven sông mà tối tối cứ ánh lên những quầng sáng trắng li ti đom đóm. Với tiếng rắn lục “huýt sáo” du dương trên tàng cao của cây ô môi cổ thụ có từ thời ông cố. Với những bờ ruộng sáng trăng nhà nầy cách xa nhà kia một tầm tiếng ới.

dem-trang

Mùa rằm trung thu với tuổi thơ của ba là những rộn ràng khó tả. Vì để có ngày tết này thì cả cái xóm bên sông của ba, của bà nội rộn ràng tiếng í ới hẹn nhau chuẩn bị… Phụ nữ thì chuẩn bị làm bánh dẻo, bánh in. Nam giới thì chuốt tre làm lồng đèn, quấy hồ dán lại cái đầu ông lân, ông địa.

Lồng đèn thì ba có từ năm ngoái, do ông nội lên tận Cần Thơ mua, ba chơi kỹ nên năm nay chỉ cần mang ra hè phơi nắng và trét lại những chỗ giấy bóng bị hở. Ba chỉ nôn nóng làm cái trống ếch.

Ngày xa xưa đó, ếch đồng nhiều lắm. Cứ mưa xuống là tiếng ếch kêu vang đồng. Vào mùa trung thu này thì các ông đi soi ếch bận rộn lắm, vì các con ếch to đều phải được lựa ra, để dành làm trống cho đám con nít. Ba thì đi câu, ếch to sẽ lột da làm trống, ếch nhỏ thì ba thả lại ruộng cho nó tiếp tục lớn để ba chơi mùa sau.

Ếch làm trống với ba thì to cỡ bàn tay xòe là vừa, mang về chặt mỏ lột da, rửa sạch rồi căng ra, trải phơi trên miếng ván phẳng. Cái khéo ở đây là không để miếng da không quá căng hay quá chùng. Phải phơi ở nơi nắng dịu, vì nắng gắt sẽ làm da giòn lúc gõ trống sẽ dễ bị thủng. Mà khi phơi cũng thấp thỏm lắm, vì sợ chó mèo, chuột lén tha đi mất.

Lúc rày, tiếng trống ếch đã kêu tum tum vang khắp xóm.

Miếng da phơi xong, ba đi lấy cái lon đựng trà cũ của ông nội. Ngày đó lon sữa bò dưới quê còn là hàng hiếm, ba rất may cái gì cũng có do tính hay giữ đồ xài trong nhà của bà nội. Bịt miếng da ếch lên lon sữa bò cũ rồi dùng dây thun buộc lại. Dây thun đây không phải dây thun cột đồ, hồi đó hiếm lắm, mà là dây thun ruột xe đạp, loại mà không làm dàn ná bắn chim được. Xe đạp cũng là của ông nội. Bộ ruột cũ được bà nội cất trong thúng. Rồi cắt ra một khúc cho ba.

Cột xong thì dùng giấy nhựt trình, quấy hồ dán vào lon, có giấy in nhiều màu thì càng đẹp. Thế là đã có một chiếc trống ếch để khua vang cùng đám bạn.

Còn lồng đèn, thường thì con gái sẽ chơi lồng đèn hoa sen, đèn bươm bướm, đèn hình hộp, đèn hình ống... Mấy quán tạp hóa ngoài bến trước đó đã nghẹt con nít tới tìm xin lon bia, lon sữa mang về cà bỏ nắp, dùng dao nhọn rạch dọc thân hay dùng đinh chọt lổ, rồi bỏ bùi nhùi, dầu mù u vào đốt lên là có đèn đi chơi trăng. Có người khéo tay làm lồng đèn xe đẩy bằng hai lon sữa bò, đèn ống tre bó đuốc…

Những ngày xa xưa đó, ba cùng đám trẻ trong xóm cứ sáng tạo ra biết bao nhiêu đồ chơi, để chơi thật vui có khi chỉ trong một ngày đêm ngắn ngủi.

Khu vườn phía sau nhà nội trồng bạt ngàn bưởi, ba và các cô từ nhiều tháng trước cũng đã gom hột bưởi mang phơi khô, xỏ xâu vào que tre, chuẩn bị cho một màn đốt pháo bông tối trung thu.

Chiều ấy, ông nội từ Sài Gòn về, trên tay là những gói giấy hồng có bóng kiếng. Trong đó là chục trái hồng trứng, bánh con heo và hộp bánh trung thu. Ông nội là một người dám xài và dám chơi, nên cũng dám mua một hộp bánh trung thu lớn, trên hộp in hình tích Đường Minh Hoàng du nguyệt điện, có tiên nữ Hằng Nga vũ khúc nghê thường… ở mấy tiệm trên khu Chợ Lớn.

Cái hộp bánh ấy rất mắc tiền nhưng bà nội chỉ xót trong bụng mà không dám nói, bà chỉ nhỏ nhẹ bảo ông nội vào tắm rửa, bày hộp bánh lên bàn thờ gia tiên.

Chiều xuống, ba cũng như cả đám con nít trong xóm, tắm rửa cho thật sạch, quần áo chỉnh tề, đầu rẽ ngôi thẳng tắp và chờ đợi lệnh của người lớn. Trăng vừa nhô đã í ới gọi nhau, kéo nhau đi trong ánh đèn, tiếng trống ếch tùm tùm. Đứa nào cũng xách đèn và hát vang. Ngoài bãi sân, có nguyên một đám múa lân, tụi nhỏ như ba vừa sợ vừa mê ông địa. Dưới ánh trăng và ánh đèn nho nhỏ đó, trong tiếng lẹt xẹt của những dây bưởi khô, ba đã có vô số những mùa trăng thật vui. Đến khi đi đã chán, hát đã mệt thì những đứa trẻ mới giải tán, ai về nhà nấy để còn ăn bánh.

Ba chạy tung tung về nhà, mâm cúng giữa sân nhang đã tàn. Trái dừa xiêm cúng nước ngọt mát bà nội luôn để dành cho ba. Ông nội đã pha một ấm trà, chờ trai út đi chơi về để cắt bánh trung thu. Ba nhỏ nhẹ ăn từng miếng bánh, còn bà nội thì nhắc đến bác tư cô năm, những anh chị yêu thương của ba đang học ở nơi xa.

Có bánh trung thu nên mấy cái bánh dẻo, bánh in, bánh quy của nhà làm coi như bị ế. Bà nội cười hiền lành, bảo với ba: “Thôi để má cất, mai con mang sang cho chúng bạn, nhiều nhà không có mà ăn đó”.

Khi đó, ba nhớ mình đã ngồi chễm chệ trên cái tràng kỷ xưa, cắn miếng bánh nhưng đậu xanh béo ngọt lịm và nhấp ngụm nước trà, tận hưởng một đêm trăng tròn vành vạnh như cái tuổi thơ ấm áp của ba.

Trong khi bà nội chưa kịp tém mùng thì ba đã ngủ khì, mắt còn mơ về những chiếc lồng đèn cháy sáng, tiếng trống ếch kêu tum tum và cả mùi thơm của hạt bưởi đốt lên cháy xèo xèo bụp bụp. Cái mùi thơm ấy đã theo tuổi thơ của ba sống mãi bên con. Ông bà nội và ba đều đã mất, con dù ở thị thành vẫn biết về tiếng trống múa lân, mặt nạ ông địa, trái hồng và những xâu que hạt bưởi mà ba từng nhiều lần kể lại cứ tới mùa trung thu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối