Chủ Nhật, Tháng mười hai 1, 2024

Trồng rau trong vườn chật

DIỆU THUẦN - 

Muốn có một vườn rau nhà trồng cho bữa ăn gia đình nơi phố thị nhưng thật khó vì không có diện tích. Theo kiến trúc sư Trần Công Đoàn, Giám đốc Công ty Tân Phong Garden (quận Gò Vấp, TPHCM), hãy tận dụng cơm thừa, rau hỏng, vỏ trứng, các loại xương... và một chiếc thùng phuy, sẽ có ngay một tháp rau sạch để thưởng thức.

Tháp-rau-2

Theo ông Đoàn, rác thải trong nhà như thức ăn thừa, vỏ trứng, rau và hoa quả hư, giấy vụn, giấy lau miệng đã dùng, bã cà phê, bã chè… đều là nguồn dinh dưỡng sẵn có trong gia đình để trồng cây. Những loại rác này hoàn toàn có thể chế thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, hạn chế được rác thải ra môi trường. Ví dụ, quả và vỏ chuối rất giàu kali và lân là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho các loại cây được trồng để lấy hoa; vỏ trứng là nguồn canxi tự nhiên; xương heo, gà là nguồn lân hữu cơ và đạm thì sẵn trong rau quả. Để tạo phân hữu cơ, người dùng chỉ cần cắt nhỏ hoặc xay nguyễn vỏ chuối. Đối với vỏ trứng, xương rửa sạch phơi khô rồi nghiền thành bột.

Tiếp đến, chuẩn bị một thùng phuy có nắp đậy, khoảng 45 lít (hoặc lớn hơn). Gom và cắt nhỏ các loại rau quả bị hỏng, thừa, vỏ quả sau khi gọt, cắt cuống rau, bã cà phê, bã chè cho vào thùng ủ cùng bột xương và bột vỏ trứng để ở một góc trên sân thượng hoặc ngoài hiên nhà... Người sử dụng cần lưu ý rằng, các loại rác trên sẽ có mùi khi phân hủy nên cần phải đậy nắm thùng rất kín. Khi rác thành phân hữu cơ thì trộn với đất và bắt đầu quy trình gieo hạt, trồng rau sạch.

tháp-rau

Ông Đoàn cho biết, để tiện cho việc trồng cây, tưới nước cho tháp rau, sau khi ủ rác, dùng một thùng nhựa loại 200 lít, một đoạn ống nhựa có đường kính 15-20 cm đặt giữa thùng; rác được thả vào trong ống nhựa đó. Khoảng cách giữa thùng và ống nhựa đổ đầy đất trộn với xơ dừa, tro. Thân ống có khoan lỗ cỡ đường kính 1 cm để trùn có thể bò từ môi trường đất vào ăn thức ăn từ rác và tiện cho việc tưới nước, trồng cây. Đáy ống bịt bằng lưới để rác không rơi ra ngoài. Trên miệng lỗ cũng đậy nắp để mùi hôi rác thải không thoát ra môi trường.

Các loại rác được bỏ vào ống là rác hữu cơ sinh hoạt có thể tự tiêu theo vi sinh chuyển hóa rác thành mùn. Trùn rất thích môi trường này nên sẽ sinh sản và ăn mùn để thải ra phân. Đây là nguồn dinh dưỡng chính cho cây. Vì thế, cây trồng trong tháp có thể sinh trưởng nhanh hơn trồng đất và không cỏ, ít tiêu tốn nước. Điều đặc biệt, do môi trường trộn đất có trùn sinh sống nên đất rất tơi xốp và giàu chất dinh dưỡng. Vì vậy, theo ông Đoàn, một tháp cây sau hai năm vẫn có thể không cần phải bón thêm phân cho cây trồng.

Tuy nhiên, giống như các dinh dưỡng trong phân bón tổng hợp, dinh dưỡng từ rác thải nhà bếp ảnh hưởng tới cây trồng. Nếu cứ nạp dinh dưỡng tùy tiện cho cây trồng sẽ không phát huy được hiệu quả sử dụng thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực tới “sức khỏe” của cây. Vì vậy, khi thực hiện bạn phải lưu ý đến từng giai đoạn phát triển của cây. Theo đó, khi mới trồng cây nên trộn bột xương, bột canxi vào đất để có nguồn lân giúp bộ rễ phát triển nhanh và tiếp tục cung cấp dinh dưỡng cho các giai đoạn phát triển sau này của cây. Khi cây trồng còn non và phát triển thân lá, nên lựa chọn những rác thải có nhiều đạm như vỏ hoặc đu đủ, chuối, cam bị hư hỏng, cuộng rau lá xanh như rau muống, cải... để tạo dung dịch tưới vào đất. Khi cây ra hoa, quả cần bổ sung thêm kali từ lá, thân, quả hoặc vỏ chuối.

Cuối cùng, để di chuyển tháp rau tiện lợi, người dùng có thể gắn chân đế có bánh xe dưới đáy tháp. Với mô hình trồng rau bằng tháp, chúng ta có thể trồng được các loại rau ăn, bầu, bí, dưa leo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối