Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Tròng trành vốn vào chứng khoán

THANH THƯƠNG - 

Giao dịch chứng khoán mỗi tháng lên đến trên 40.000 tỉ đồng, nhưng theo một lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phân nửa số đó là vốn do nhà đầu tư vay, không phải vốn tự có. Hoạt động cho vay ký quỹ trở nên nhộn nhịp tại các công ty chứng khoán cũng là khi những người làm quản lý tỏ ra lo ngại hơn.

Có 3 đồng, vay thêm 7 đồng

6

Mỗi tháng, giao dịch chứng khoán lên đến cả chục ngàn tỉ đồng, nhưng phân nửa số đó là vốn do nhà đầu tư vay, không phải vốn tự có. Ảnh: Thành Hoa

Trên thị trường chứng khoán hiện nay, việc áp dụng đòn bẩy tài chính đã quá quen thuộc với nhà đầu tư, và thực chất hoạt động cho vay ký quỹ là hợp pháp. Theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty chứng khoán được quy định tỷ lệ ký quỹ nhưng không được thấp hơn 50%. Nghĩa là công ty chứng khoán sẽ cung cấp không quá một nửa số tiền để nhà đầu tư mua một mã chứng khoán nào đó.

Tuy vậy, tỷ lệ ký quỹ nói trên vẫn không làm hài lòng nhiều khách mua chứng khoán. Tại nhiều công ty chứng khoán, tỷ lệ này vẫn bị “vượt rào”, nhiều nơi không ngần ngại tăng hạn mức cho vay lên rất cao. Nhiều cổ phiếu hiện tại được cho vay với tỷ lệ lên đến 3:7. Nghĩa là khi mua cổ phiếu, khách hàng chỉ cần có 30% số tiền, 70% còn lại sẽ được các công ty chứng khoán cho vay.

Một nhà đầu tư chứng khoán tại TPHCM cho biết, bà không là khách hàng trung thành với bất cứ công ty chứng khoán nào. Bà mở nhiều tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán, ở đâu cho vay tỷ lệ lớn, lãi thấp, bà chuyển cổ phiếu về đó để thế chấp vay. “Việc này cũng như chọn ngân hàng để gửi tiền, ở đâu hấp dẫn thì mình đến”, bà nói.

Hiện tại, nhà đầu tư chứng khoán chọn công ty chứng khoán dựa trên một số tiêu chí chính, bao gồm mức cho vay ký quỹ, phí giao dịch, độ nhanh khi đặt lệnh qua hệ thống giao dịch trực tuyến…, nhưng tiêu chí quan trọng nhất vẫn là mức cho vay ký quỹ. Vì đa phần nhà đầu tư đều muốn khuếch đại phần lợi nhuận thu về, nên việc được vay bao nhiêu từ công ty chứng khoán rất được nhà đầu tư quan tâm.

Đó cũng chính là lý do khiến cho top 10 công ty có thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất luôn thuộc về các công ty chứng khoán có tiềm lực tài chính tốt, mức độ cung cấp vốn tốt như Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC), Công ty Chứng khoán VNDirect... Trong khi đó, các công ty chứng khoán nhỏ nếu chỉ sống bằng phí môi giới sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì nếu không cho vay ký quỹ nhiều, nhà đầu tư cũng sẽ không mở tài khoản, không thu được phí môi giới. Do vậy, nhiều công ty chứng khoán cũng đã tăng vốn để xoay xở cho vay, hay vay tiền ngân hàng từ việc thế chấp tài sản của công ty để cung cấp dịch vụ ký quỹ cho nhà đầu tư nhằm tăng thêm nguồn thu nhập.

Hiện tại, không những nhà đầu tư nhỏ mà kể cả nhiều ông chủ doanh nghiệp cũng đã ký quỹ để vay tiền đầu tư, tạo thanh khoản hoặc “đẩy giá” cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình. Với những giao dịch lớn như vậy, tiền lãi, phí môi giới là “miếng mồi ngon” của công ty chứng khoán. Vì vậy, nhiều công ty đã không ngần ngại nâng hạn mức cho vay để lôi kéo những khách hàng tổ chức như vậy.

Ngoài ra, cũng để cung cấp thêm nguồn vốn cho nhà đầu tư, các công ty chứng khoán đã giới thiệu để một số công ty tư vấn tài chính, hoặc cá nhân trực tiếp cho nhà đầu tư chứng khoán vay tiền, những khoản vay này thường rất khó biết. Chỉ khi hai phía “cơm không lành, canh không ngọt”, công ty chứng khoán mới bị làm phiền.

Nguy cơ không nhỏ

Theo báo cáo bán niên của các công ty chứng khoán, chỉ riêng 12 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường đã cho vay ký quỹ khoảng gần 14.000 tỉ đồng tính đến hết tháng 6 năm nay, tăng khoảng 2.300 tỉ đồng so với cuối năm 2014. Trong số này có chín công ty cho vay ký quỹ trên 1.000 tỉ đồng.

Nợ xấu trong ngành ngân hàng đã từng được ví như ung nhọt, gây nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Nhà nước phải dùng rất nhiều biện pháp để ngăn chặn. Còn với chứng khoán, những rủi ro từ các khoản vay nợ cũng đã khiến nhiều công ty chứng khoán lao đao, thậm chí phải đóng cửa vào những năm 2011, 2012. Ví dụ, Công ty chứng khoán Thăng Long thời kỳ đó đã khốn khổ với việc xử lý nợ xấu do nhà đầu tư không trả. Năm 2011, công ty này lỗ gần 600 tỉ đồng. Các khoản phải thu đối với khách hàng lên đến trên 1.000 tỉ đồng, trong đó cho vay hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư lên đến 700 tỉ đồng. Một số công ty chứng khoán khác cũng lâm vào tình trạng khó khăn vì nợ xấu như Golden Bridge, Keangnam…

Tuy các công ty chứng khoán lớn hiện đã xây dựng hệ thống quản trị rủi ro bài bản, quy trình xét cho vay ký quỹ được kiểm soát gắt gao, nhưng ở nhiều công ty chứng khoán nhỏ, việc cạnh tranh dành khách hàng bằng tỷ lệ cho vay ký quỹ vẫn đang diễn ra phức tạp.

Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng, khi cổ phiếu giảm giá các công ty chứng khoán phải cắt lỗ bằng việc bán chứng khoán của khách. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, vì quen biết nên công ty chứng khoán chờ đợi thị trường đi lên để đỡ thiệt hại cho khách hàng, nhưng giá vẫn giảm sâu nên khoản lỗ trở nên quá lớn. Lúc này khách hàng cũng không thể nộp tiền để bù lỗ, và công ty chứng khoán phải gánh chịu.

[box type="info"] “Tiền tươi, thóc thật” Theo ông Bằng trong một thị trường phát triển ổn định, các khoản vào thị trường nên là “tiền tươi, thóc thật” của nhà đầu tư. Còn tiền cứ quanh quẩn từ các công ty chứng khoán thì việc phát triển thị trường sẽ không dễ dàng. Theo ông Bằng, các công ty chứng khoán nên chọn các sản phẩm tốt để cạnh tranh như nâng chất lượng hệ thống giao dịch trực tuyến, làm giàu thêm các báo cáo phân tích, thực hiện các nghiệp vụ tư vấn, bảo lãnh phát hành chuyên nghiệp hơn thay vì chạy đua hạn mức và lãi suất vay ký quỹ, vốn gây nhiều rủi ro như hiện nay.[/box]

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết đã có thông tin phản ánh về việc công ty chứng khoán lạm dụng cho vay ký quỹ. Gần đây cơ quan này đã phải cử nhiều cán bộ xuống các công ty chứng khoán để kiểm tra, thậm chí để cán bộ phải đóng vai nhà đầu tư để điều tra cách thức cung ứng vốn của công ty chứng khoán, vì hiện đang có nhiều hình thức cho vay khá tinh vi, mức cho vay vượt quá quy định của Ủy ban Chứng khoán.

Ông Bằng cho rằng việc cung cấp đòn bẩy quá lớn sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư khi cổ phiếu giảm giá mạnh, nhà đầu tư phải đóng thêm tiền để duy trì tài khoản. Còn với công ty chứng khoán, khi không thể bán giải chấp vì cổ phiếu không thanh khoản, những khoản cho vay này trở thành nợ xấu, và công ty chứng khoán phải trích lập dự phòng, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận và phải mất nhiều thời gian để thu hồi nợ.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối