Thứ tư, Tháng Một 22, 2025

Trữ sữa cho con, không phải dễ

VŨ YẾN -

Sữa mẹ vắt ra rồi để dành cho con uống dần đang là một trào lưu của những bà mẹ vừa đi làm vừa nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, vắt thế nào, bảo quản ra sao để có nhiều sữa, đảm bảo dinh dưỡng thì có lẽ không phải bà mẹ nào cũng tường tận.

Cấp đông sữa mẹ

Với kinh nghiệm từ đứa con đầu lòng, chị Quỳnh (quận Tân Bình, TPHCM) tiếp tục vắt sữa của mình rồi cấp đông trong tủ lạnh để dành cho đứa con thứ hai mới 10 tháng tuổi uống dần. Chị Quỳnh cho biết hiện lượng sữa chị trữ trong tủ lạnh khoảng 7-8 lít. Chị kể, hồi bé đầu lòng mới được bốn tháng tuổi, chị đã phải đi làm xa nhà. Sau khi tham khảo tài liệu trên mạng, hỏi ý kiến bác sĩ, chị bắt đầu vắt sữa, trữ đông để người nhà cho bé bú. “Có thời điểm tôi trữ được 20 lít, bé cứ thế bú luân phiên nên kéo dài thời gian bú sữa mẹ”, chị Quỳnh nói.

Chị Lưu Phương luôn trữ rất nhiều sữa trong tủ lạnh gia đình để dành cho con trai. Ảnh: NVCC
Chị Lưu Phương luôn trữ rất nhiều sữa trong tủ lạnh gia đình để dành cho con trai. Ảnh: NVCC

Theo chị Quỳnh, việc vắt sữa thường xuyên, duy trì việc bú sữa mẹ không những giúp bé khỏe mạnh mà còn giúp cho người mẹ có cơ thể thon gọn hơn. Với kinh nghiệm bản thân, chị Quỳnh cho biết, để có lượng sữa vừa đủ cho bé bú hàng ngày, vừa “để dành” từ khoảng 300-500 ml/ngày, người mẹ cần có chế độ ăn uống hợp lý, trong đó uống nhiều nước và sữa, ăn thức ăn đa dạng và chịu khó vắt sữa đều đặn.

Chia sẻ về chuyện trữ sữa mẹ cho con, chị Lưu Phương (quận Gò Vấp) cho biết, đều đặn mỗi ngày, ngoài việc cho bé thứ hai bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, chị còn hút sữa để dành khoảng 210-300 ml vào ngăn đông đá. Số sữa này được đánh dấu theo ngày và lấy ra cho bé uống xoay vòng.

Theo chị Phương, nếu người mẹ không căng thẳng, ăn ngủ hợp lý, cứ 3-4 giờ mỗi ngày có thể hút sữa. Sữa hút xong, bỏ vào ngăn đông, đánh dấu ngày. Khi cần sử dụng, sữa được lấy xuống bỏ vào ngăn mát tủ lạnh, sau đó mới bỏ vào bình hâm cho nóng rồi cho bé bú. “Người mẹ nên dựa vào lượng ăn mỗi bữa của bé mà mua loại túi trữ có dung tích phù hợp 150-210 ml. Lượng sữa này nên được sử dụng một lần”, chị Phương nói.

Nhưng phải đúng cách

Bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ, nhất là trong giai đoạn đầu đời. Vì lý do nào đó mẹ và con phải xa cách, hoặc con không thể bú trực tiếp từ mẹ, việc vắt sữa mẹ và lưu giữ trong tủ mát hoặc ngăn đông để sau đó cho con ăn là điều nên làm. Nếu bảo quản sữa vắt đúng cách thì chất lượng dinh dưỡng sữa vẫn bảo đảm.

Theo đó, trước khi vắt sữa mẹ cần chuẩn bị điều kiện vệ sinh đầy đủ, bình chứa sữa chắc chắn, có nắp đậy kín, không chứa bisphenol A (chất có hại đối với hệ thống nội tiết của cơ thể). Bình chứa sữa không cần thiết phải tiệt khuẩn mà chỉ cần rửa sạch với nước xà phòng ấm. Không cần bỏ giọt sữa đầu tiên ở mỗi lần vắt. Không cần rửa vú/đầu vú trước khi vắt sữa.

sua2

Về những cách bảo quản, ông Niên cho biết, nếu người mẹ đang có sữa mới vắt thì cho trẻ bú sữa mới vắt này. Nếu dùng sữa đã được vắt trước đó thì nên làm ấm sữa bằng cách đặt vào nước ấm. Tuyệt đối không sử dùng lò vi sóng để rã đông hay làm ấm sữa vì sẽ phá hủy các thành phần có trong sữa. Các dụng cụ vắt sữa và lưu trữ sữa cần được rửa sạch sau sử dụng sau mỗi 24 giờ.

Cũng theo ông Niên, cho con bú sữa mẹ là cách tốt nhất để mẹ có đủ sữa. Mỗi lần cho con bú, vú sẽ nhận tín hiệu tạo thêm sữa. Nếu cảm thấy lượng sữa chưa đủ, người mẹ có thể cho trẻ bú thêm vài cữ phụ giữa các cữ chính. Người mẹ cũng nên cho trẻ bú thêm vào ban đêm vì nội tiết tố prolactin (có vai trò tạo sữa) có nồng độ cao vào đêm, từ đó khiến nguồn sữa nhiều hơn.

Nếu trẻ có vẻ chưa no sau cữ bú, người mẹ nên nghỉ một chút rồi cho trẻ bú lại trong 20-30 phút. Việc này sẽ giúp tăng nguồn sữa mẹ. Có thể lặp lại vài lần như vậy trước khi bổ sung bằng sữa công thức. Ngược lại, nếu trẻ có vẻ ngủ lâu, mẹ có thể vắt sữa và lưu trữ để dùng sau. Ngoài ra, trẻ trong giai đoạn mơ màng ngủ có thể mơ thấy mình bú, mẹ có thể cho trẻ bú lúc đó. “Trong một số trường hợp vắt sữa lại là biện pháp hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Chẳng hạn, mẹ bị lao đang tiến triển, herpes vùng ngực cần hạn chế tiếp xúc mẹ con, nhưng con vẫn dùng được sữa mẹ vắt”, ông Niên nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối