(SGTT) – Nếu như bún tôm là món ăn đặc sắc của người dân Hải Phòng thì phiên bản bún trộn tôm lại là nét đẹp trong sự giao thoa văn hóa ẩm thực vùng miền Việt Nam.
- Trưa nay ăn gì: Cá ba sa kho tộ, rau củ luộc cho bữa cơm cuối tuần đạm bạc
- Trưa nay ăn gì: Nhâm nhi lẩu bò nhúng mắm ruốc, ẩm thực độc đáo đất Bình Dương
- Trưa nay ăn gì: Bạch tuộc xào cay nồng vị xứ sở kim chi
Nhắc đến Hải Phòng, nơi được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ, có rất nhiều món ăn nổi tiếng như bánh đa cua, cháo khoái, nem cua bể, giá bể xào, bún cá cay… Trong đó, bún tôm được nhiều thực khách ưu ái nhất bởi hương vị thơm ngon, đặc trưng từ sự hòa quyện các nguyên liệu nấu cùng.
Tuy nhiên, hôm nay buổi trưa của mọi người sẽ thật sự thú vị khi cũng là bún tôm (món nước) được chế biến theo phong cách món khô, là bún trộn tôm. So với bún trộn Nam bộ thì nguyên liệu, cách làm phần nào đó tương tự nhau nhưng nguyên liệu chính lại là tôm, thay vì thịt heo nướng.
Hiện các hàng quán có rất nhiều sự lựa chọn loại tôm để bán tùy theo phân khúc khách hàng mà mình muốn nhắm đến. Phổ biến nhất vẫn là tôm thẻ, tôm sú hay đặc sắc hơn là tôm càng hoặc tôm hùm bông. Phần lớn, tôm đều được lột vỏ, cắt bỏ đuôi, đầu, rút đường chỉ đen ở lưng và chỉ sử dụng phần thân tôm để chế biến. Ngoài tôm tươi sống, thị trường vẫn có tôm đông lạnh đã được sơ chế qua, mọi người vẫn có thể chọn loại tôm này để tiết kiệm thời gian nấu nướng. Sau khi có tôm, chỉ việc áp chảo cùng ít dầu ăn, tiêu, muối, đến khi thấy các mặt trên thân tôm cháy xém màu nâu cam thì có thể tắt bếp và để ra đĩa riêng.
Ngoài bún trộn tôm, món bún trộn còn rất nhiều phiên bản như bún trộn thịt nướng, bún trộn gà, bún trộn cá, bún trộn thịt viên hay bún trộn chay…
Về sợi bún, thị trường hiện nay có rất nhiều loại bún, từ trôi nổi cho đến có thương hiệu, đặc biệt có cả sợi bún được làm từ gạo lứt. Một mẹo chia sẻ từ các đầu bếp chuyên nghiệp để chọn được sợi bún ngon là màu bún trắng đục (màu của gạo), mùi bún thơm vị chua nhẹ trong khi sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy bởi không dùng hóa chất.
Để làm nước mắm chua ngọt dùng kèm, các hàng quán tùy theo người đầu bếp mà chọn cách pha chế gia vị lại với nhau. Một công thức phổ biến nhất để làm nước mắm chua ngọt là chuẩn bị một chén nước lọc, cho 2 muỗng mật ong, 2 muỗng nước mắm, 2 muỗng giấm vào rồi khuấy đều tay. Sau đó, cho thêm gừng và ớt nếu bạn thích ăn cay. Cuối cùng, vắt thêm ít chanh, tạo độ chua để cân bằng hương vị của nước mắm.
Rau, củ dùng cho món bún trộn tôm không quá phức tạp, thường gồm có dưa leo, cà rốt đem thái sợi, giá thì để sống, cùng ít rau húng, rau mùi và hành phi. Khi thực khách gọi món, người nấu sẽ cho bún vào tô, thêm tôm, rau, giá vào rồi kèm thêm chén nước mắm chua ngọt. Có nơi chan sẵn nước mắm chua ngọt để thực khách chỉ việc trộn còn có nơi để riêng, tùy vào thực khách ăn mặn, ngọt như thế nào mà chan cho hợp lý.
Bữa trưa đầu tuần cùng món bún trộn tôm hứa hẹn sẽ mang lại sự thú vị bởi nó mang “âm hưởng” sự pha trộn của bún tôm Hải Phòng và bún trộn Nam bộ.
Gia Hân tổng hợp