(SGTTO) - Lẩu dê là món ăn đặc sản của mảnh đất Ninh Bình, từ lâu đã trở thành món ăn thân thuộc trong những dịp cuối tuần hội họp gia đình hay bạn bè. Đây cũng là món lẩu được ưa chuộng trong những ngày trời se lạnh với hương thơm nồng nàn và hương vị đậm đà, khó ai cưỡng lại.
Theo Đông y, thịt dê là thực phẩm bổ dưỡng, giúp chữa được nhiều chứng bệnh. Cách nấu lẩu dê cũng rất đa dạng, có thể hầm tạo vị ngọt xương hoặc có thể nấu nước lẩu theo vị thuốc bắc. Nhưng được ưa chuộng và phổ biến nhất vẫn là nước lẩu hầm xương dê vì đây là loại nước lẩu dễ ăn và cũng phù hợp với nhiều đối tượng thực khách.
Để có nồi lẩu dê tươi ngon cần lưu ý trong việc chọn mua thịt dê. Thịt dê tươi ngon có màu đỏ, sáng bóng, các thớ thịt đều nhau và săn chắc, dùng tay sờ vào thấy thịt mềm mịn, ấn vào có độ đàn hồi ngay. Dê tơ thường ít nồng mùi dê, dê càng già mùi càng hăng. Dê tơ có thịt đỏ hồng, thớ thịt nhỏ và mịn. Dê già có màu thịt đậm hơn, thớ thịt lớn hơn. Riêng với món lẩu dê nên chọn thịt đùi để món ăn thơm ngon đúng vị.
Cách nấu lẩu dê nhìn có vẻ cầu kỳ nhưng thực chất không hề khó, chỉ cần bạn biết cách làm mất mùi hôi của thịt dê là đã có ngay một nồi lẩu thơm ngon. Cần chú ý ở khâu sơ chế làm sạch thịt dê với rượu và gừng, sau đó ướp thịt dê với ngũ vị hương thì sẽ có được món ăn đậm vị và bổ dưỡng. Dù ngon và giàu dinh dưỡng nhưng những người bị nóng trong người, nhiệt độ cơ thể thấp cũng không nên dùng thịt dê. Đặc biệt là phụ nữ có thai khi ăn thịt dê nhiều có thể gây động thai, sảy thai. Ngoài ra khi ăn, cần chú ý tránh dùng thịt dê chung với giấm, dưa hấu, nước trà, bí đỏ… vì đây là những món ăn kỵ với thịt dê, nếu ăn chung sẽ không tốt cho sức khỏe.
Yếu tố tạo nên sự đặc biệt của món ăn này không thể bỏ qua nước chấm. Nước chấm dành riêng cho món lẩu dê chính là chao ớt sa tế. Vị béo bùi của chao kết hợp với vị cay the của ớt sa tế tạo nên sức hấp dẫn lôi cuốn kỳ lạ khiến thực khách không thể dừng đũa.
Các loại rau đặc trưng của món lẩu dê phải kể đến là rau cải, tần ô và tía tô. Vì chúng sẽ làm tăng thêm hương vị của lẩu và giúp miếng thịt dê thơm ngon hơn. Ngoài ra, còn có các loại rau như rau muống, mồng tơi, hẹ… Những loại rau này không chỉ giúp nồi lẩu dê của bạn thơm ngon hơn bao giờ hết mà còn giúp cân bằng dinh dưỡng cho bữa ăn. Bên cạnh đó, bạn có thể thêm các loại nấm tùy vào sở thích như nấm rơm, nấm đông cô, nấm bào ngư… và hột vịt lộn vào nổi lẩu sôi để làm đậm đà hơn hương vị món ăn.
Tại TPHCM, bạn có thể dùng bữa lẩu dê với bạn bè, người thân tại các quán chuyên về lẩu dê. Có thể kể đến là quán Minh - lẩu bò dê Trương Định (quận 3), Thành Đạt - lẩu dê Tài Ký (quận Thủ Đức), Dê Vàng H39 (quận Phú Nhuận), Lẩu dê Trương Định (quận 3), lẩu dê Tri Kỷ (quận Tân Bình), lẩu dê Bàu Sen (quận 5), lẩu dê Lam Sơn (quận Tân Bình)… Theo đó, một phần lẩu dê có giá bán khoảng 150.000 – 250.000 đồng.
Nếu tìm mua được thịt dê, bạn cũng có thể nấu lẩu dê tại nhà với công thức sau đây:
Lâm Như tổng hợp