Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Trưa nay ăn gì: lạ miệng với bún rạm Quy Nhơn

(SGTTO) - Mỗi vùng miền khác nhau sẽ có những nét văn hóa và nền ẩm thực riêng biệt. Đặc sản Bình Định vốn đã nổi tiếng với nhiều món ngon như nem Chợ Huyện, bún chả cá, bánh hỏi cháo lòng… Trong đó, bún rạm vừa là món ăn quen thuộc dân dã của người dân xứ Nẫu, vừa là món ăn gây nhung nhớ cho du khách phương xa đã thưởng thức qua.

Rạm có giá trị dinh dưỡng cao, được người sành ăn ưa chuộng hơn cua đồng vì nhiều gạch, thịt ngọt và béo, vỏ lại mềm. Rạm rất giống cua đồng nhưng nhỏ hơn, đôi càng to, mai lồi lõm, xù xì, mình mỏng, bụng vàng, chân có lông, sống ở đồng lầy nước mặn hay các đồng ruộng. Khác với cua hay ghẹ, thay vì phải bỏ vỏ mới ăn được, vỏ rạm lại giòn mềm nên có thể nhai cả vỏ. Vỏ rạm giòn lại chứa nhiều canxi.

Rạm được dùng làm nguyên liệu nhiều món ngon bởi tính giá trị dinh dưỡng. Sở dĩ món bún rạm nổi tiếng gần xa là bởi bí quyết chế biến khiến nước dùng thanh ngọt tự nhiên, phảng phất hương vị của biển, khiến cho người ăn không thể nào quên.

Để có tô bún rạm thơm ngon, công đoạn làm bún khá công phu. Hầu hết các quán bún rạm ở Quy Nhơn đều có một điểm chung là tự làm bún. Đầu tiên phải chọn loại gạo ngon từ những cánh đồng quê Phù Mỹ rồi ngâm nước, xay nhuyễn, gút qua túi vải, luộc sơ và để sẵn. Cọng bún tươi mới nên ăn sẽ có cảm giác dai, dẻo hơn so với bún làm qua đêm.  Khi có khách, người bán chế biến bún tươi trong nồi nước sôi ngay tại chỗ, nên tô bún múc ra còn nóng hổi và bốc khói nghi ngút.

Hòa trong vị ngon nguyên chất của bún tươi, con rạm nấu bún nhất thiết phải là loại rạm tươi ngon, không qua ướp đá lạnh, thân tròn, càng to, thịt chắc, gạch nhiều. Rạm bắt về ngâm nhiều nước cho sạch bùn đất rồi tách mai lấy gạch, xay nhỏ, lọc lấy nước, nấu trên lửa liu riu. Khi chín, nước rạm sánh lại sền sệt, nổi những váng mỡ màu vàng đặc cả nồi nước.

Bún rạm là sự hòa quyện giữa bún tươi và nước rạm. Trên bề mặt tô nước có những váng rạm vàng ươm, đặc quánh thơm nức mũi. Mỗi tô bún còn được kèm theo một cái bánh tráng nướng, lúc ăn ta bẻ bánh nhỏ, cho vào tô trộn đều với gia vị. Khi ăn, khách dùng muỗng múc nước dùng chan vào tô bún, tùy theo khách muốn ăn khô hay nước mà chan lượng nước ít hay nhiều.

Khi ăn bún rạm, ta có thể cho thêm ít chanh, ớt, hành phi, vài hạt đậu phộng và rau sống. Đặc biệt còn có thể cho thêm xoài xanh khiến món ăn càng thêm lạ miệng. Nước rạm béo mà không ngậy, có rau sống và xoài xanh chua ngọt đi kèm. Tô bún nóng hổi, sợi bún mềm mềm, nước lèo ngọt thanh cùng phần rạm có độ béo, độ ngậy sẽ khiến người ăn cảm thấy thích thú.

Tô bún trắng trong, chẳng màu mè phô trương, vị ngọt dịu thơm thơm của mùi gạch rạm, cái giòn giòn của bánh tráng, dai dai của cọng bún, vị tươi mới của rau ăn kèm, mùi rau húng thơm nồng trong từng gắp bún tạo nên mọt vị ngon ngọt, đậm đà tự nhiên cứ vương vấn trong khoang miệng, khiến cho những người sành ẩm thực cứ mãi vương vấn.

Bữa trưa giữa tuần với món bún rạm Quy Nhơn sẽ là một gợi ý thú vị cho bạn và các đồng nghiệp. Cùng đến một trong những địa chỉ sau để thưởng thức qua món bún trứ danh của vùng đất Quy Nhơn: Mỹ Hạnh - Bún Tôm Rạm (quận Bình Thạnh), Tuyên Tuyền Bình Định quán (quận Bình Thạnh), Chị Vân - đặc sản Bình Định (quận Gò Vấp), quán của Nẫu (quận 7), Ông Dũng - đặc sản Quy Nhơn (quận Bình Thạnh)… Theo đó, một phần bún rạm có giá bán khoảng 40.000 – 60.000 đồng.

Nếu tìm mua được rạm tươi ngon, bạn có thể vào bếp để làm món bún rạm Quy Nhơn với công thức sau đây:

Lâm Như tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối