Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Trưa nay ăn gì: món mì lâu đời của người Hoa “gây thương nhớ” ở Sài Gòn

(SGTTO) - Sợi mì dai dai, nước dùng ngọt thanh kết hợp với sủi cảo nhân tôm thịt đã làm nên món mì sủi cảo có vị ngon đặc trưng mà bất kỳ một thực khách nào khi đã nếm thử qua khó có thể quên được. Đây được xem là một món ăn phổ biến của người Hoa và dù thưởng thức ở bữa ăn nào trong ngày cũng đều là tròn vị.

Mì sủi cảo, món ăn đặc biệt của người Hoa "gây thương nhớ" cho nhiều thực khách. Ảnh: Nguyễn Loan

Theo nhiều tài liệu thì sủi cảo là món biến thể của vằn thắn, là món ăn có nguồn gốc từ
Trung Hoa. Sủi cảo có nhiều cách gói đẹp mắt cũng như vị nhân phong phú. Theo đó, sủi cảo bao gồm lớp vỏ bột mì mỏng bao bọc lớp nhân thường gồm tôm, thịt và các loại rau củ. Lớp bột mì này thường được biết tới là hoành thánh, làm từ bột mì nhào với trứng nên rất thơm ngon, có vị giống sợi mì tươi. Nhưng vỏ sủi cảo đúng kiểu người Hoa sẽ có độ dày hơn để khi nấu lâu không bị vỡ, nát. Tuy nhiên về sau có nhiều biến thể về cả hình dáng gói tới lớp nhân cũng được làm phong phú hơn như cá, sò… Song, sủi cảo tôm thịt chắc chắn là loại nhân sủi cảo phổ biến nhất xứng đáng được nếm thử ít nhất một lần.

Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài thì rất dễ nhầm sủi cảo với há cảo. Điểm khác biệt giữa chúng nằm
ở phần vỏ bánh. Trong khi sủi cảo có lớp vỏ màu vàng nhạt, béo mềm được làm từ bột mì pha trứng cán thật mỏng thì há cảo lại có lớp vỏ được làm từ bột năng pha bột gạo hoặc bột mì, khi chín có màu trắng trong. Về hương vị thì sủi cảo lại thơm ngon hơn nhờ có lớp vỏ thêm nguyên liệu trứng.

Món sủi cảo có thể ăn khô hoặc ăn nước, chiên giòn lên chấm với tương và sa tế cũng rất ngon. Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là “sủi” trong tiếng Trung có nghĩa là nước, tức là, thay vì món ăn được hấp như há cảo thì sủi cảo sẽ được luộc chín. Do đó khi luộc, các chất dinh dưỡng, gia vị và chất ngọt trong sủi cảo tan ra nước khá nhiều, nên người ta thường chế biến sủi cảo thành món nước để tận dụng tất cả tinh túy của món ăn này. Mì sủi cảo từ đó cũng trở thành một trong những món ăn phổ biến với sự kết hợp giữa sợi mì dai và sủi cảo mềm, nước dùng xương ống ngọt thanh đậm đà hòa cùng vị thơm đặc trưng của hẹ, có thể cho thêm nấm để món ăn tăng thêm hương vị.

Mì dùng để làm mì sủi cảo có 2 loại: cọng tròn và cọng to - dẹt theo kiểu người Tiều (Trung Quốc). Phần nhân thịt mỡ không chỉ thơm ngon mà còn có tác dụng phần vỏ bánh trở nên bóng bẩy, khiến cả miếng sủi cảo thật đậm đà, hòa quyện. Nước dùng mì sủi cảo cũng rất thơm, ngọt thanh và trong chứ không có tạo màu hay nêm nếm đậm. Sợi mì dai ngon, ăn kèm rau cải ngọt, thịt xá xíu, miếng sủi cảo thì thơm, cắn vào trong nhân thì ngọt lịm, sần sật thịt tôm. Để món ăn ngon hơn, nhiều quán ăn còn để sẵn giấm đỏ để tạo vị chua đúng kiểu người Hoa.

Mì sủi cảo có mặt khá phổ biến trên các ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến. Theo đó một phần mì sủi cảo có giá bán khoảng 40.000 đồng. Một số tiệm mì, quán ăn bán món mì này được nhiều người đặt là Tân Tòng Lợi (quận 3), mì A Chảy (quận Tân Phú), Quyền ký mì gia (quận 3), mì A Thành (quận Thủ Đức)...

Cách làm món mì sủi cảo cũng không hề khó với những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm để bạn có thể tự tay nấu cho mình một bát mì sủi cảo thơm ngon nóng hổi.

Cách nấu mì sủi cảo.

Lâm Như tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối