(SGTT) – Trong thực đơn cơm trưa văn phòng, lạp xưởng bò tạo nên sự thích thú cho thực khách bởi cách làm kiểu “lạp xưởng” nhưng nguyên liệu thịt sử dụng là thịt bò.
- Trưa nay ăn gì: Bữa trưa nhẹ nhàng cùng món tôm cocktail thanh mát
- Trưa nay ăn gì: Bún xào rau cần, món ăn dân dã cho bữa trưa đầu tuần
- Trưa nay ăn gì: Thơm lừng món gà cuốn lá dứa Thái Lan
Tính theo văn hóa ẩm thực vùng miền, lạp xưởng bò là món ăn đặc sắc của vùng đất Châu Phong và định hình nên An Giang trong bản đồ ẩm thực Việt Nam. Có dịp ghé thăm nơi đây, thực khách sẽ không khỏi thích thú khi nhà nào, nhà nấy cũng đều sở hữu những dây lạp xưởng đỏ sẫm trước nhà.
Thực chất, lạp xưởng bò bắt nguồn từ người Chăm ở An Giang, gọi là Tung laomaow và người Việt đọc trại thành tung lò mò. Có cách làm gần giống với lạp xưởng heo, nhưng lạp xưởng bò vẫn có những nguyên tắc riêng để tạo nên một mẻ thịt thơm ngon.
Đầu tiên, người nấu sẽ chọn ruột bò để làm vỏ bao, nhân bên trong thì sử dụng thịt và mỡ bò. So với mỡ heo, mỡ bò có mùi thơm, béo hơn nên việc còn lại chỉ là chọn phần thịt kết hợp cùng. Thông dụng nhất vẫn là thịt bắp, đùi, băm nhỏ, trộn với mỡ bò. Mỗi lò họ có sự khác nhau một chút ở tỷ lệ pha trộn và gia vị để tạo nên điểm nhấn níu chân thực khách.
Thông thường, lạp xưởng bò được chế biến bằng cách đem cắt nhỏ rồi chiên, hấp, nướng hay áp chảo. Từ chất lượng của lạp xưởng này, các quán cơm trưa văn phòng lấy cảm hứng để tạo nên món cơm lạp xưởng bò mới lạ những cũng rất gần gũi, thân quen.
Cụ thể, tùy vào cách chế biến cơm mà lạp xưởng bò có cách nấu kèm theo. Phổ biến nhất là hai cách làm cơm chiên và lạp xưởng áp chảo hoặc cơm trắng dùng kèm lạp xưởng có sốt ăn chung. Với món cơm chiên, cách làm cơm lạp xưởng tương tự như cơm chiên thịt bò, cơm chiên Dương Châu. Đó là cơm chiên với tỏi băm, thêm ít dầu hào dậy vị; trong thời gian đó lạp xưởng cắt khúc vừa ăn và áp chảo.
Cách làm cơm lạp xưởng còn lại đơn giản hơn ở phần dùng cơm trắng, lạp xưởng thì đem hấp nhưng tinh tế ở khâu nước sốt ăn kèm. Theo đó, một số loại sốt phù hợp cho món ăn là sốt tiêu đen, sốt bơ tỏi, sốt chanh dây, sốt trứng muối… Dù là phiên bản cơm lạp xưởng nào thì quán vẫn kèm thêm ít cà chua và dưa leo cắt lát.
Không chỉ nổi tiếng bởi câu chuyện văn hóa ẩm thực, lạp xưởng bò còn ẩn chứa trong đó là những dư vị ngon miệng, béo thơm của mỡ, ngọt bùi của thịt, thêm chút giòn sần sật của lớp vỏ bao. Món ăn hứa hẹn tạo nên sự thích thú, thay vị cho bữa cơm trưa văn phòng thân quen.
Gia Hân tổng hợp