Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Trưa nay ăn gì: Thơm nồng vị sả, ngọt thanh vị vịt cho món lẩu trưa thứ Bảy

(SGTT) – Với vị thơm nồng đặc trưng từ sả hòa quyện cùng vị ngọt tiết ra từ thịt vịt, lẩu vịt hầm sả hứa hẹn là món ăn giúp vị giác gia đình bạn thêm bùng nổ cho bữa trưa ngày thứ Bảy.

Trong ẩm thực Việt, thịt vịt là loại thịt được ưa chuộng không kém cạnh thịt gà. Nhiều người cho rằng thịt vịt có mùi tanh hơn thịt gà nhưng với các đầu bếp chuyên nghiệp, việc xử lý mùi đặc trưng đó không quá khó. Chính vì vậy, thịt vịt có thể làm thành rất nhiều món ăn, và nếu tính chỉ riêng món lẩu đã có đến nhiều phiên bản hấp dẫn, như là vịt nấu chao, lẩu vịt om sấu, lẩu vịt măng cay, lẩu vịt tía tô và lẩu vịt hầm sả.

Hôm nay, chuyên mục Trưa nay ăn gì chọn giới thiệu món lẩu vịt hầm sả để đổi gió cho thực khách sau lẩu vịt nấu chao quá đỗi quen thuộc. Từ cái tên, thực khách sẽ thêm phần tò mò bởi vì sao tên món ăn lại là lẩu vịt hầm. Cụ thể, hầm là phương pháp chế biến mà thực phẩm đã được sơ chế trước đó, rồi mới đem cho vào nồi nước dùng, đun lửa nhỏ từ từ và thưởng thức.

Một số món ăn ngon từ vịt: Vịt nướng chao, vịt nướng lá mắc mật, vịt nướng Vân Đình, vịt nướng muối ớt, vịt nướng mật ong, vịt om sấu, vịt nấu chao, vịt quay, vịt kho gừng, vịt nấu măng, bún măng vịt, mì vịt tiềm, cháo vịt, vịt nấu tiêu…

Để chọn vịt ngon cho món lẩu hôm nay, mọi người có thể ghi nhớ một số lưu ý sau: nên chọn vịt xiêm, đầy đặn thịt; mua con độ tuổi trưởng thành để cân bằng độ mềm, dai của từng thớ thịt. Nếu không tìm mua được vịt sống mà chỉ là vịt đã làm sẵn thì cần quan sát màu da vàng tươi. Mùi tanh đặc trưng của thịt vịt có thể dùng chanh, muối hay rượu trắng để khử mùi.

Nếu từng thưởng thức lẩu vịt nói chung, thực khách sẽ cảm nhận rõ vị thịt đậm đà trong từng miếng thịt, bí quyết nằm ở thịt vịt sau sơ chế, chặt khúc vừa ăn thì người nấu đem ướp với ít gia vị gồm nước mắm, tiêu, hạt nêm, gừng, hành tím, tỏi và rượu trắng.

Nhằm tránh làm mất đi hương vị thuần túy cho lẩu vịt, các thợ nấu không dùng xương heo, xương gà hay xương bò để nấu nước dùng. Đơn giản nước dùng chỉ nấu từ củ cải trắng, củ hành và ít muối, có nơi thay thế nước lọc bằng nước dừa để nước dùng ngọt thanh, thịt vịt cũng thấm vị hơn.

Về rau ăn kèm, thông thường là rau mồng tơi, mướp, bông bí, rau muống được sơ chế, lặt sạch. Nước chấm hợp vị cho món lẩu vịt hầm sả hôm nay là nước mắm gừng để trung hòa vị ngọt cũng như phần nào khử thêm mùi đặc trưng của thịt vịt. Bún, mì gói, mì sợi vàng hay cơm trắng cũng đều phù hợp cho món lẩu ngày hôm nay.

Gia Hân tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối