Thứ tư, Tháng mười một 27, 2024

Trưng bày tượng sáp người Việt ở Sài Gòn

Ngọc My -

Sau thời gian tìm tòi, dày công nghiên cứu về chất liệu và tạo hình nhân vật trên chất liệu sáp, cho đến nay, Công ty Tượng sáp Việt đã hoàn thành hơn 100 bức tượng sáp trong đợt ra mắt đầu tiên tại khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sĩ Việt Nam.

co-nghe-si-ut-bach-lan-ben-canh-tuong-sap-cua-minh-va-nhung-nghe-nhan-1 Cố nghệ sĩ Út Bạch Lan (đứng) bên cạnh tượng sáp của mình (ngồi) cùng các đồng nghiệp.

Với gần mười năm nghiên cứu về chất liệu sáp tổng hợp và hơn bốn năm học về nghệ thuật điêu khắc truyền thần (chân dung) và tạo hình nhân vật, tượng người bằng sáp là tác phẩm nghệ thuật là niềm đam mê của đôi vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông và chị Nguyễn Thị Diện của Công ty Tượng sáp Việt – nghệ nhân Thái Ngọc Bình.

Nghệ nhân Ngọc Bình cho biết, 130 bức tượng sáp là con số mà Công ty Tượng sáp Việt mong muốn cho ra mắt vào cuối năm nay, đó còn là niềm vinh dự của anh em trong công ty khi lần đầu tiên cho ra mắt những bức tượng sáp của những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực: soạn giả, học giả, nghệ sĩ cải lương, kịch, điện ảnh, ca sĩ… Đây là những người đã có nhiều thành công và đóng góp nhất định trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hoặc những nghệ sĩ nổi tiếng.

Anh Bình cho biết thêm, để tượng sáp thật sự sống động và đạt thần thái rất thật thì nghệ nhân phải bỏ ra nhiều công sức tìm kiếm, thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau. Một bức tượng sáp khi hoàn thành phải đạt rất thật và giống nguyên mẫu trên 90%, mọi tỷ lệ hình thể, cơ bắp, màu da đến những nếp gấp của làn da trên cơ thể, trên khuôn mặt… cũng như “sao y bản chính”. “Một tượng sáp đã hoàn thành phần cơ thể, khuôn mặt mặc dù đã rất ưng ý nhưng đến công đoạn gắn tóc, lông mi, lông mày mà vẫn chưa thấy giống hoặc không có vẻ tự nhiên thì phải bỏ cả phần đầu của tượng và đúc lại như lúc ban đầu”, anh Bình nói.

Nói về việc làm tượng, anh Đông cho biết, một tượng sáp có khi phải chỉnh sửa gần mười lần mới trông như thật. Vì vậy, nghệ nhân thực hiện phải tỉ mỉ từng chi tiết từ những đường gân tay, nét mặt để bức tượng có thần thái như người thật. Hiểu được sự gian khó và đầy nhiệt huyết của các nghệ nhân nên các nghệ sĩ hay người thân của cố nghệ sĩ đã mang tặng y phục, y trang mặc cho tượng, đó là sự đồng cảm giữa nghệ sĩ và nghệ nhân, nhằm tạo nét thực và sống động nhất cho tượng sáp.

Tại Công ty Tượng sáp Việt, thời gian hoàn thành một tượng sáp vào khoảng ba tháng hoặc hơn. Trong suốt thời gian này, các nghệ nhân thường có sự đồng hành và ý kiến đóng góp của chính nghệ sĩ (người được tạo tượng) hay ý kiến từ người thân của nghệ sĩ.

Đến với khu trưng bày Tượng sáp Việt, người xem sẽ được thưởng lãm những tượng sáp được đúc kết qua bàn tay của các nghệ nhân, những người luôn xem nghệ thuật là đỉnh cao. Trong cuộc triển lãm đầu tiên này, các nghệ nhân của Công ty Tượng sáp Việt hy vọng người xem tượng không chỉ cảm nhận về sự “giống” mà còn về sự “sống” của tượng, bởi những nghệ nhân đã đặt hết tâm huyết, sự lao động nghiêm túc để thổi hồn cho bức tượng.

[box] Khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sĩ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình: 240-242 đường Ba Tháng Hai (quận 10, TPHCM) do Công ty Tượng sáp Việt (1017/39 Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TPHCM) xây dựng và dự kiến hoàn thành trong thời gian cuối tháng 12-2016, đầu tháng 1-2017. [/box]

Anh Bình cho biết, công ty hy vọng sự đón nhận và những ý kiến đóng góp của người xem để làm tiền đề cho những dự án kế tiếp. “Chúng tôi cũng đang cố gắng mời gọi nghệ sĩ tham gia trong cuộc triển lãm nhằm tạo không khí giao lưu thân mật, gần gũi giữa người xem và nghệ sĩ để đáp lại tấm lòng ái mộ mà khán giả đã dành cho họ”, anh nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối