Chủ Nhật, Tháng mười một 24, 2024

Trường cao đẳng lo lắng chuyện tuyển sinh

Theo quy chế tuyển sinh đại học-cao đẳng chính quy áp dụng cho năm 2015 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 27-2 vừa qua, các trường đại học có thể tuyển sinh theo phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập tại trường phổ thông trung học, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không thấp hơn 6,0 đối với hệ đại học và 5,5 đối với hệ cao đẳng, theo thang điểm 10. Điều này giúp thí sinh có nhiều thuận lợi trong việc chọn trường, giúp các trường đại học tốp dưới có thêm cơ hội tuyển sinh nhưng lại đặt các trường cao đẳng vào thế khó khăn.

Xung quanh vấn đề này, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách Việt – một trường cao đẳng có quy mô đào tạo 12.000 sinh viên với các ngành nghề về kinh tế, công nghệ, thiết kế mỹ thuật, y dược, xã hội nhân văn cũng như hợp tác với Viện Goethe Việt Nam thí điểm giảng dạy tiếng Đức... về những lo lắng chung của các trường cao đẳng trước kỳ thi tuyển sinh.

Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách Việt
Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách Việt

Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa ông, việc cho phép các trường tuyển sinh dựa trên học bạ ảnh hưởng như thế nào đến việc tuyển sinh của các trường cao đẳng trong năm nay?

- Tiến sĩ Trần Mạnh Thành: Nhìn qua, có thể thấy quy định này tạo cơ hội cho các thí sinh bước vào các trường đại học thuận lợi hơn nhiều so với những năm trước.

Tuy nhiên ở Việt Nam, tâm lý chuộng bằng cấp đại học hơn cao đẳng vẫn chiếm đa số. Nếu có đủ điều kiện vào trường cao đẳng và đại học, thông thường các thí sinh vẫn ưu tiên chọn trường đại học hơn. Điều này đồng nghĩa với việc các trường cao đẳng sẽ khó tuyển sinh hơn so với những năm trước.

Năm nay, lần đầu tiên chúng ta tổ chức một kỳ thi chung để vừa công nhận tốt nghiệp phổ thông trung học, vừa xét tuyển đại học-cao đẳng. Các thí sinh có nhu cầu xét tuyển vào đại học-cao đẳng, sẽ phải thi ở cụm thi chung do các trường đại học lớn chủ trì, nơi có tính nghiêm túc cao nhất trong các kỳ thi của hệ thống giáo dục Việt Nam.

Khi việc gác thi nghiêm túc, tỷ lệ đậu tốt nghiệp – yếu tố tiên quyết để muốn ứng tuyển vào đại học-cao đẳng, chưa chắc đã đạt được mức trên 90% như những năm trước. Như vậy, tổng nguồn đầu vào của hệ thống các trường đại học-cao đẳng cũng có nguy cơ giảm, thậm chí giảm nhiều, và đây chính là yếu tố khó khăn tiềm ẩn.

Không riêng gì Bách Việt, đồng nghiệp của chúng tôi ở các trường cao đẳng khác cũng cực kỳ lo lắng làm sao để tuyển thí sinh đủ chỉ tiêu.

Vậy các trường cao đẳng chuẩn bị như thế nào để đối mặt với những khó khăn này?

- Năm nay, có thể dễ dàng nhận thấy có rất nhiều trường cao đẳng lần đầu tiên đi tư vấn tuyển sinh và cũng chính là tiếp thị cho chính mình. Có đơn vị thậm chí còn đến tư vấn ngay tại các trường trung học phổ thông. Mà không riêng gì bậc cao đẳng, ở bậc đại học, tôi cũng thấy có hiện tượng tương tự.

Phương án thứ hai được các trường tính đến đó là thay đổi đề án tuyển sinh theo hướng phối hợp tuyển sinh dựa trên điểm thi của kỳ thi chung và xét tuyển học bạ. Riêng tại Bách Việt thì tỷ lệ này là 60/40, nghĩa là 60% chỉ tiêu sẽ tuyển dựa trên điểm tổ hợp ba môn thi ở kỳ thi chung và 40% còn lại dựa trên xét tuyển học bạ.

Tuy nhiên, dù giải pháp như thế nào thì trong năm nay các trường cao đẳng không có nhiều sự chủ động trong vấn đề tuyển sinh như mọi năm.

Theo tôi, giải pháp tốt nhất vẫn là đảm bảo chất lượng giảng dạy, đảm bảo thí sinh ra trường có việc làm và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đây là yếu tố quan trọng giúp các trường tồn tại trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Liệu những khó khăn này có dẫn đến sự đóng cửa của hàng loạt trường cao đẳng?

- Vì đây là kỳ thi đầu tiên, mọi việc thật khó lường. Vì thế, hãy chờ xem kết quả thi và tuyển sinh năm nay như thế nào. Về lâu dài, tôi nghĩ việc cho phép xét tuyển dựa trên học bạ sẽ dẫn đến sự đóng cửa của nhiều trường cao đẳng đào tạo kém chất lượng. Điều này, nhìn chung là tốt cho nền giáo dục nước nhà.

Vậy thì đâu là cơ hội cho các trường cao đẳng tồn tại?

- Trong quá trình đi tư vấn tuyển sinh những năm gần đây, tôi nhận thấy có một xu hướng mới xuất hiện. Theo đó, học sinh quan tâm đến chuyện học ngành gì để ra trường có việc làm chứ không còn có sự phân biệt giữa đại học và cao đẳng nhiều như những năm trước.

Rõ ràng đây là cái neo để các trường cao đẳng tồn tại. Hãy xây dựng chương trình đào tạo thật tốt và các trường cũng sẽ sống tốt. Trên thực tế, rất nhiều ví dụ về các trường đã thành công nhờ chất lượng đào tạo, từ trung cấp, cao đẳng cho đến đại học.

Ngoài ra, sau ba năm học cao đẳng, tốt nghiệp là có thể đi làm ngay. Thời gian đầu tư cho việc học ngắn hơn so với học đại học. Việc đi làm giúp giảm gánh nặng cho gia đình, giúp tự chủ tài chính và những va chạm trong cuộc sống giúp các em hiểu rõ hơn mình cần học thêm cái gì.

Lời khuyên nào ông dành cho thí sinh?

- Năm nay có quá nhiều cánh cửa để vào đại học. Điều này chưa hẳn tốt khi thí sinh khăng khăng phải vào bằng được một trường đại học, bất kể chất lượng đào tạo và nhu cầu xã hội.

Cao đẳng và trung cấp là những con đường cũng cần quan tâm bởi chi phí và thời gian đầu tư ngắn hơn so với học đại học.

Sau khi đã chọn được ngành học phù hợp, các em cần lưu ý chọn trường đào tạo có uy tín. Trong khâu này, nếu có những người thân am hiểu tư vấn thì quá tốt. Nếu không, nên tìm hiểu trên Internet về những trường có đào tạo ngành mình quan tâm. Sau đó lọc ra ba trường phù hợp nhất. Vào trang web của từng trường để tham khảo, lưu tâm đến bốn yếu tố sau: chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, những phản hồi của sinh viên. Tiếp đến, hãy mạnh dạn gọi điện thoại đến trường để làm rõ những thắc mắc của mình. Một ngôi trường chuyên nghiệp hẳn sẽ có đội ngũ tư vấn viên có chất lượng, thân thiện và nhiệt tình.

Đức Tâm thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối