Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Trường đại học “sàng lọc” sinh viên

Đăng Nam - 

Không phải ai bước vào trường đại học khi bước ra cũng đều cầm trong tay tấm bằng cử nhân hay kỹ sư. Trên thực tế, mỗi năm có cả ngàn sinh viên bị buộc thôi học, bị chuyển trường hay phải học lại do các trường đại học thường sàng lọc sinh viên trong quá trình học tập.

Rơi rụng dần

Tuần trước, lãnh đạo phòng đào tạo trường Đại học Luật TPHCM cho biết, trường vừa công bố danh sách hơn 220 sinh viên chính quy và văn bằng hai chính quy, dự kiến bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học một năm hoặc buộc thôi học (từ học kỳ một năm nay) vì có kết quả học tập yếu kém. Trong số đó, 112 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học bởi hai lần nhận hình thức cảnh cáo học vụ.

Những sinh viên còn lại bị cảnh cáo học vụ hoặc đình chỉ một năm học bởi có kết quả học tập với điểm trung bình học kỳ hai năm ngoái dưới 1, điểm trung bình năm học dưới 3,5 hoặc 5 tùy theo quy chế ở từng hệ.

Sinh viên trường Đại học Nông lâm TPHCM. Ảnh: Đăng Nam
Sinh viên trường Đại học Nông lâm TPHCM. Ảnh: Đăng Nam

“Có nhiều em đã đậu chính quy ở một ngành nào đó, nhưng cảm thấy không phù hợp nên bỏ ngang việc học để ôn thi ngành khác. Nhiều em do học yếu, điểm rất kém”, đại diện phòng đào tạo của trường này giải thích.

Đại học Luật TPHCM là trường thực hiện đề án tuyển sinh riêng, được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Quy trình tuyển sinh khắt khe với ba tiêu chí điểm học bạ, thi THPT quốc gia và kiểm tra năng lực.

Mới đây, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng cảnh báo học vụ hơn 600 sinh viên học kỳ hai năm học 2016-2017, trong đó có hơn 200 sinh viên các ngành khoa chất lượng cao. Những sinh viên này có điểm trung bình học kỳ đạt dưới 2 với học kỳ đầu của khóa học và dưới 2,5 với các học kỳ tiếp theo.

Trường cũng buộc thôi học 32 sinh viên các ngành thuộc khoa chế tạo máy, điện - điện tử, cơ khí động lực và chất lượng cao. Họ từng bị cảnh báo học vụ ba lần liên tiếp, vượt quá thời gian tối đa được phép học ở trường hoặc bị kỷ luật lần thứ hai do nhờ người khác thi hộ hoặc đi thi hộ.

Nhiều trường khác cũng cho biết, sau khi rà soát kết quả học tập và cảnh cáo học vụ, họ đã buộc thôi học hàng trăm sinh viên. Với những trường lớn, con số này có thể lên đến gần một ngàn sinh viên.

Mỗi năm, Đại học Y dược TPHCM buộc thôi học khoảng 100 sinh viên, trong khi đó Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cũng buộc thôi học khoảng 300 sinh viên các khóa. Giữa năm ngoái, Đại học Nông lâm TPHCM đã có quyết định buộc thôi học gần 1.000 sinh viên. Ở Hà Nội, trường Đại học Bách khoa cũng cho biết, mỗi năm trường này cho thôi học trên 800 sinh viên.

Nhiều chuyên gia giáo dục đang băn khoăn về câu chuyện sinh viên bị buộc thôi học khá nhiều ở các trường đại học, cao đẳng. Nhiều người nói con số và hiện tượng này gây sốc, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội.

TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo, Đại học Nông lâm TPHCM, cho biết thông thường mỗi năm ở trường này sẽ “rơi rụng” từ 15-20% tổng số sinh viên nhập học đầu khóa. Điều này có nghĩa, nếu chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2017 là 5.200 sinh viên thì tới năm 2021 (tính 4 năm) chỉ còn khoảng xấp xỉ hơn 4.000 sinh viên học năm cuối.

Theo ông Lý, dưới góc độ của người làm giáo dục, việc các trường mạnh tay và nghiêm khắc trong việc này là hoàn toán hợp lý, dù có đau lòng. “Điều gì sẽ xảy ra nếu như để lại những em chây lười không chịu học, những em không đạt chất lượng nhận tấm bằng nhờ sự nương nhẹ tay của giảng viên và nhà trường? Nếu có sự nương tay thì đó chính là việc không công bằng với các bạn sinh viên có trách nhiệm về việc học với bản thân, gia đình và xã hội”, ông bày tỏ.

Do nhiều nguyên nhân

Theo ông Lý, nguyên nhân của hiện tượng nhiều sinh viên đã từng là học sinh giỏi các cấp lại không thể trụ lại để lọt vào danh sách bị buộc thôi học do thái độ học, do thiếu kỹ năng, do chây lười, do cả chủ quan nữa. Nhiều sinh viên nghĩ và tin rằng “vào được chắc hẳn sẽ ra được”.

Ngoài ra, quy chế đào tạo theo tín chỉ vốn có sự thông thoáng và hướng vào sự tự nguyện chủ động của người học. Lẽ ra sinh viên phải tranh thủ phát huy, lượng sức để nếu có thể thì rút ngắn thời gian đào tạo hợp lý, đằng này nhiều người lại chủ quan, ỷ lại để rồi bị buộc thôi học vì vượt quá thời gian đào tạo tối đa.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khẳng định có nhiều nhiều chính sách mà sinh viên đang phải gánh chịu đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc việc “rơi rụng” ở các trường đại học.

Theo ông Dũng, hiện nay, học phí được thu theo lộ trình của tự chủ đại học nên ngày càng tăng. Chính sách cho sinh viên vay vốn học tập quá thấp và nhỏ giọt so với mức học phí rất cao. Do không đảm đương được tài chính, các em phải đi làm thêm, nên không đủ thời gian để học. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên năm đầu khi vào thành phố thường dính vào “bán hàng đa cấp”, thấy dễ nên đã lao vào kiếm tiền mà quên đi việc học.

Ngoài ra, quy chế tuyển sinh và đào tạo theo tín chỉ chỉ cho phép sinh viên học thêm văn bằng thứ hai chứ không cho đổi ngành trong lúc học đại học, nên sinh viên thi vào ngành nào phải học ngành đó tới lúc tốt nghiệp. Chính sách này không phù hợp với hiện nay khi nhiều học sinh phổ thông chưa có khái niệm về ngành nghề, công tác hướng nghiệp kém, hay vì điểm thấp, muốn đỗ nên chọn ngành không thích… Những điều này khiến các em không có động lực khi đã vào được đại học, nên dễ buông bỏ trong quá trình theo học này.

Ông Lý nói thêm rằng, giá như người học và các cơ sở đào tạo có được các con số từ cấp quản lý vĩ mô về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực để có những điều chỉnh cho phù hợp thì sẽ hạn chế được tình trạng trên.

“Tâm lý người học sẽ ra sao nếu như người đó đang ngồi học ngành mà thị trường đang bị dôi dư lao động, trong khi ngành phù hợp với năng lực sở trường của mình lại đang bị thiếu hụt nguồn nhân lực? Tiếc là các em lại không được biết”, ông Lý nói.

Theo ông Lý, nếu thực sự các bạn trẻ không phù hợp với lối rẽ vào đời qua con đường đại học thì nên chọn hướng đi phù hợp bằng cách thay đổi. Cái gốc phải là năng lực, sở trường của bản thân thì sinh viên mới bám trụ được trên giảng đường đại học.

Ông Lý cho rằng, cùng với chuẩn đầu ra, các trường cũng phải công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, tham gia kiểm định chất lượng, công bố tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Việc các trường xử lý mạnh tay với những sinh viên không đủ điều kiện nhận bằng cử nhân là bước đi cần thiết để thắt chặt đầu ra, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối