CAO BAN -
Kết thúc đợt 1 xét tuyển, nhiều trường đại học lớn thiếu hàng ngàn chỉ tiêu và buộc phải tuyển sinh bổ sung để lấp đầy chỉ tiêu còn trống.
Do tỷ lệ ảo quá cao
Thí sinh nộp giấy xác nhận điểm thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học tại một trường đại học ở TPHCM.
Đầu tuần này, hàng loạt trường đại học tại TPHCM ra thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung (từ ngày 21-8 đến 31-8) vì xét tuyển đợt 1 chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Trường Đại học Tài chính – Marketing thông báo xét tuyển bổ sung hơn 1.000 chỉ tiêu với điểm nhận hồ sơ thấp hơn điểm chuẩn đợt 1 từ 3,5 đến 5,75 điểm tùy ngành. Trường Đại học Sư phạm TPHCM nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung hơn 2.000 chỉ tiêu cho hầu hết các ngành với điểm nhận hồ sơ từ 15 đến 31 điểm. Trường Đại học Mở TPHCM tuyển bổ sung 380 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo với điểm nhận hồ sơ từ 15 đến 22 điểm, giảm 1-2 điểm so với điểm chuẩn đợt 1.
Các trường đại học thuộc khối Đại học Quốc gia TPHCM cũng tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu mỗi trường. Đại học Bách khoa tuyển bổ sung 310 chỉ tiêu cho 15 ngành đại học chính quy chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh. Đại học Quốc tế tuyển 505 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo, Đại học Kinh tế – Luật tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu cho 22 ngành đào tạo, Đại học Khoa học Tự nhiên tuyển thêm 450 chỉ tiêu.
Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết dù trường này đã áp dụng các phương án để lọc hồ sơ ảo như gọi số thí sinh cao hơn chỉ tiêu nhưng vẫn thiếu chỉ tiêu sau đợt 1. Do đó, trường phải tuyển bổ sung 400 chỉ tiêu hệ đại học, 60 chỉ tiêu cho hai chương trình quốc tế ngành Dinh dưỡng – Khoa học thực phẩm và Công nghệ sinh học, 200 chỉ tiêu hệ cao đẳng.
Theo ông Sơn, nguyên nhân của việc tuyển thiếu chỉ tiêu ở nhiều trường là do tỷ lệ ảo năm nay quá cao. Ông Sơn phân tích, đăng ký xét tuyển đợt 1 năm nay, thí sinh được chọn hai trường, mỗi trường hai ngành. Sau khi có kết quả xét tuyển thì dù đậu một trong hai trường hay đậu cả hai thì thí sinh vẫn phải nộp phiếu điểm thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học cho một trường (vì mỗi thí sinh chỉ có duy nhất một phiếu này). Do đó, trường còn lại sẽ có thí sinh ảo.
Các trường công lập tốp trên chật vật trong tuyển sinh là vậy, các trường ngoài công lập cũng vất vả để tuyển đủ chỉ tiêu. Trường Đại học Công nghệ TPHCM tiếp tục xét tuyển thêm 1.600 chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính quy (tương đương 40% tổng chỉ tiêu). Bên cạnh đó, trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM tuyển 550 chỉ tiêu (tương ứng 35% tổng chỉ tiêu) tất cả các ngành đào tạo đại học, cao đẳng chính quy. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng tuyển bổ sung đến 3.600 chỉ tiêu, trường Đại học Hoa Sen tuyển 970 chỉ tiêu. Phần lớn điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của các trường này chỉ vừa bằng mức điểm sàn 15 điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.
Theo ghi nhận từ nhiều trường đại học, sau 2-3 ngày xét tuyển bổ sung các trường đã nhận đủ lượng hồ sơ cho số chỉ tiêu còn thiếu. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TPHCM, cho biết đợt tuyển bổ sung này là cơ hội cho các trường ngoài công lập. Lúc này, nhiều em sau khi bị rớt ở các trường lớn do không đủ điểm sẽ nghĩ đến một hướng khác là các trường ngoài công lập có điểm chuẩn thấp hơn.
Lỗi tại ai?
Một cán bộ tuyển sinh đại học có kinh nghiệm tại TPHCM cho rằng việc không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1 ở nhiều trường là lỗi một phần từ các trường: không tính toán kỹ lưỡng tỷ lệ ảo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho các trường được quyền gọi thí sinh vượt chỉ tiêu để đảm bảo số chỉ tiêu cần tuyển. Tuy nhiên, không trường nào dám mạnh tay gọi gấp đôi chỉ tiêu cho phép vì có thể tuyển vượt chỉ tiêu và vi phạm quy định của bộ. Trong đợt xét tuyển lần 1, nhiều trường dù gọi thí sinh trúng tuyển nhiều hơn 20-30% so với tổng chỉ tiêu nhưng vẫn không đủ thí sinh.
Trong khi nhiều trường đại học “ngơ ngác” không biết thí sinh đã đi đâu hết và cho rằng không tuyển đủ chỉ tiêu vì tỷ lệ thí sinh ảo vẫn ở mức cao thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những trấn an. Trả lời báo chí ngày 22-8, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho rằng trong những năm gần đây số lượng thí sinh đăng ký thi, xét tuyển vào đại học tương đối ổn định trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng làm nguồn tuyển giảm đi. Trước khi tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp với một số trường để bàn những biện pháp chống ảo như lập nhóm xét tuyển. Trong các cuộc họp, hầu hết các trường chấp nhận khó khăn về “thí sinh ảo” để các thí sinh được thuận lợi hơn khi đăng ký xét tuyển. Bà Phụng cho hay, khi chốt cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt 1, bộ đã thông tin có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường để các trường có thêm thông tin tính toán thí sinh ảo.
Về băn khoăn liệu có đủ nguồn tuyển cho các trường hay không, bà Phụng cho rằng việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm để đảm bảo chất lượng đào tạo. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển đại học là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu đại học là 317.639, hệ số dư là 1,27.
Bà Phụng khẳng định, năm nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm thi THPT quốc gia của 120 cụm thi đều được công bố công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh.
Hiện nay, bộ đã lấy ý kiến của các trường đại học, các sở giáo dục về phương án tuyển sinh sắp tới để xây dựng phương án tuyển sinh tối ưu nhất, công bố vào đầu năm học tới. Tuy nhiên, tình trạng trên không chỉ giải quyết bằng chính sách tuyển sinh. Tuyển sinh chỉ là một công đoạn đầu của quá trình đào tạo, để đảm bảo chất lượng đầu vào và là điều kiện cần để có chất lượng đầu ra, bà Phụng cho biết thêm.