Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Trường tư thục đỏ mắt tìm giáo viên mầm non

(SGTT) – Thời điểm này, nhiều trường mầm non tư thục tại TPHCM vẫn đang gấp rút tuyển dụng giáo viên để sớm tổ chức hoạt hoạt động giảng dạy tại trường. Tuy nhiên, số lượng giáo viên đến ứng tuyển vẫn khá ít so với nhu cầu tuyển dụng.

Rầm rộ tuyển dụng giáo viên, nhưng vẫn thiếu

Hiện nay, tại nhóm “Hội giáo viên mầm non tư thục TPHCM” trên trang mạng xã hội facebook, mỗi ngày có hằng trăm bài viết tuyển dụng các vị trí từ giáo viên, bảo mẫu tại khắp các khu vực tại TPHCM, nhiều nhất có thể kể đến là TP Thủ Đức, quận 12, Bình Tân, Tân Phú.

Đặc biệt, nơi tuyển dụng có đưa ra các hỗ trợ ưu đãi cho giáo viên như ký hợp đồng dài hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, hỗ trợ chi phí xăng xe, hỗ trợ chỗ ở, thưởng tháng, đào tạo để nâng cao nghiệp vụ.

Phần lớn mức lương được các cơ sở này đề ra thường vào khoảng từ 5,5 - 7 triệu đồng/tháng với vị trí giáo viên mầm non; khoảng 4,5 – 6 triệu với vị trí bảo mẫu.

Mỗi ngày trên các hội nhóm giáo viên có hàng trăm bài viết tuyển giáo viên mầm non. Ảnh chụp màn hình

Chị Võ Thị Kim Thoa, chủ một cơ sở giáo dục mầm non tại quận 12, TPHCM, chia sẻ đến nay cơ sở vẫn chưa hoạt động trở lại được do thiếu giáo viên dù cơ sở vật chất đã sẵn sàng.

Theo chị Thoa, việc thiếu nhân sự sau đó tuyển thêm, hoặc khi trường đóng cửa thì lại ngưng hợp đồng, tinh giản giáo viên nghĩ thì đơn giản nhưng là điều khó khăn cho cả người tuyển dụng lẫn giáo viên vì nếu giữ lại quá nhiều người trong thời gian thu nhập của trường bằng 0 thì rất khó cho chủ cơ sở.

Mặt khác, việc ngưng hỗ trợ, cắt giảm giáo viên thì đồng nghĩa với việc đẩy phần khó khăn về cho người lao động.

“Do quy mô cơ sở thuộc loại nhỏ, không phải chi trả chi phí mặt bằng hàng tháng nên trường vẫn may mắn cầm cự được đến bây giờ. Thời gian qua, mình thấy không ít chủ cơ sở mầm non tư thục lâm vào cảnh nợ nần, giải thể vì không có thu trong khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, tiền hỗ trợ giáo viên hàng tháng”, chị Thoa nói thêm.

Chị Thoa cho biết thêm, dù đã tận dụng hết tất cả các kênh tuyển dụng từ facebook, zalo, thậm chí nhờ người quen tuyển giúp nhưng vẫn chưa thấy ai ứng tuyển.

Khối lượng công việc tăng lên do thiếu giáo viên nhưng mức lương vẫn giữ nguyên khiến nhiều người muốn bỏ nghề.

Chị Nguyễn Kiều Giang, 27 tuổi, giáo viên mầm non tại một trường mầm non tư nhân trên địa bàn TP Thủ Đức, chia sẻ trong suốt thời giam tạm nghỉ việc vì dịch Covid-19 chị chỉ nhận được một phần hỗ trợ khoảng 30% lương.

“Không thể tưởng tượng nổi” là những gì giáo viên mầm non này chia sẻ, may mắn gia đình chị Giang có một cửa hàng tạp hóa tại chợ nên thời gian vừa qua trong những lúc thất nghiệp chị đã phụ gia đình trông coi cửa hàng để có thu nhập.

“Dù trường đã hoạt động trở lại, nhưng nhân sự vẫn còn thiếu rất nhiều, nếu như trước đây toàn trường có 12 giáo viên thì nay chỉ còn 6 người nên công việc có phần vất vả gấp đôi nhưng lương thì vẫn vậy”, chị Giang kể.

Giáo viên bỏ nghề

Gánh nặng mưu sinh khiến rất nhiều giáo viên tư thục đã phải chấp nhận bỏ nghề, tìm công việc mới khi trường bị tạm thời đóng cửa.

Chị Huỳnh Thúy Phượng, 25 tuổi, từng là giáo viên mầm non của một trường tư nhân trên địa bàn TP Thủ Đức, cho biết ra trường và đi dạy được gần 3 năm nhưng đã nghỉ việc từ đầu năm 2021 đến nay.

Theo chị Phượng, vì dịch kéo dài khiến công việc không ổn định và cũng không nhận được trợ cấp từ nơi công tác nên chị Phượng phải đưa ra một quyết định đầy khó khăn là bỏ nghề.

“Chật vật lắm, có lần nghỉ dịch bắt đầu đi làm được tầm 1 tuần, mình phát hiện bị ruột thừa, phải mổ. Tuy nhiên, vì dịch là trường sẽ cắt hết các bảo hiểm của giáo viên nên phải đi mượn tiền để chữa bệnh”, chị Phượng kể.

Nhiều giáo viên sau khi tìm được công việc khác trong thời gian nghỉ dịch đã quyết định bỏ nghề.

Hiện nay, chị Phượng đang làm việc tại một xí nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức. Chị chia sẻ, khác với nghề giáo công việc hiện tại ổn định và nhận được nhiều phúc lợi hơn, áp lực về tài chính và nỗi lo mất việc đã không còn.

“Nếu ai bỏ nghề mà tìm được một công việc khác phù hợp hơn với các điều kiện làm việc tốt hơn thì mình chắc chắn sẽ không ai quay lại nghề bạc bẽo này đâu”, chị Phượng buồn bã nói.

Tương tự, chị Kim Ánh, 26 tuổi, cho biết do không thể gồng gánh nổi chi phí nên trường mầm non tư thục nơi chị Ánh làm việc đã phải giải thể. Hiện tại, chị Ánh đang làm thư ký cho một công ty xây dựng với mức lương ổn định.

Chị Ánh cho biết thêm, thời gian vừa qua, nhiều cơ sở giáo dục đã có liên hệ cho chị Ánh để mời về làm nhưng chị Ánh đều từ chối vì đã quen với công việc mới.

“Dù vẫn còn yêu nghề nhưng mình nghĩ nghề dạy trẻ cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để những đồng nghiệp đang còn bám trụ với nghề có thể sống được với nghề”, chị Ánh nói thêm.

Minh Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối