Vũ Yến-
Hôm 31-7, ngày đầu tiên áp dụng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo tại hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền ở TPHCM, chỉ có khoảng 14% lượng thịt heo vào hai chợ này là có thông tin truy xuất nguồn gốc.
Tại buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về kết quả ngày đầu tiên thực hiện quy định, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết đêm 30 đến sáng 31-7 có 9.600 con heo được đưa về TPHCM, trong đó kênh siêu thị tiếp nhận 1.200 con, còn hai chợ đầu mối nói trên tiếp nhận 8.400 con.
Trong số 8.400 con heo về hai chợ đầu mối thì 6.550 con do được giết mổ tại TPHCM nên thành phố chỉ đạo, quản lý trực tiếp, còn lượng heo từ các tỉnh đưa về thì phải phối hợp với chính quyền các tỉnh này.
Về thông tin truy xuất, ông Hòa cho biết có 3.351 con heo đã được các cơ sở chăn nuôi kích hoạt và khai báo thông tin. Khi về tới các cơ sở giết mổ thì con số này chỉ còn 1.991, và khi về đến chợ đầu mối thì chỉ còn 1.205 con heo (khoảng 14%) là có thông tin truy xuất nguồn gốc.
Theo ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, việc đeo vòng nhận diện cho heo để dễ dàng truy xuất nguồn gốc phải được thực hiện ở trang trại, chứ không phải ra tới chợ đầu mối mới đeo vòng. Chợ đầu mối chỉ là nơi lưu thông hàng hóa. Hiện tại, với lượng heo về chợ chưa đeo vòng nhận diện thì ban quản lý mới chỉ lập biên bản, nhắc nhở chứ không thể cấm hàng vào chợ được. Bởi, thực tế thịt heo vào chợ vẫn có đầy đủ các giấy tờ về nguồn gốc hàng hóa do cơ quan thú y trước đây hướng dẫn ghi.
Ông Tiển cho rằng, để đề án thành công như mong đợi, 100% lượng thịt heo vào thành phố được kiểm soát chất lượng, phải có sự đồng lòng, hợp tác của nhiều đơn vị, mà quan trọng là từ trang trại và từ thương lái – lực lượng tưởng như chỉ là trung gian mua đi bán lại.
Theo ông Hòa, mặc dù TPHCM là địa phương thực hiện đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo nhưng không chủ động được nguồn hàng, vì 85% nguồn hàng đến từ các tỉnh. Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc thị heo của thành phố phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của các tỉnh.
Thịt heo được đưa vào chợ Bình Điền. Ảnh: Hoàng Triều.
Đề án gồm bốn chủ thể: trang trại chăn nuôi, giết mổ, đơn vị phân phối sỉ và mạng lưới bán lẻ. Nếu các chủ thể này không cung cấp thông tin thì đầu cuối sẽ không có thông tin, đặc biệt đây là hệ thống thông tin kết nối, nên ở khâu nào đó không cung cấp thì người tiêu dùng không thể kiểm tra được sản phẩm. Có thể hiểu nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo là hệ thống thông tin chuỗi, nên một "mắt xích" bị hỏng thì sản phẩm thịt heo ra thị trường không thể truy xuất nguồn gốc được.
Cũng theo ông Hòa, khó khăn khi thực hiện đề án phần nhiều nằm ở các hộ chăn nuôi, còn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì do họ đã có quy trình quản lý nguồn heo ngay từ đầu nên sẽ rất thuận lợi.
Để đề án được triển khai suôn sẻ, ông Hòa cho biết TPHCM đã có chính sách hỗ trợ 50% kinh phí cho hộ nông dân, 100% kinh phí cho hợp tác xã. Sắp tới, thành phố sẽ ban hành quy chế chợ phù hợp với nội dung của đề án. Theo đó, không chỉ với heo mà cả hàng hóa nông sản thực phẩm không được truy xuất nguồn gốc thì không vào chợ. Hiện nay các chợ đang quản lý theo hướng là hàng hóa có hóa đơn chứng từ, tuy nhiên đề án nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo đòi hỏi cao hơn nên trong quy chế, nội quy chợ sẽ có thêm yêu cầu việc truy xuất nguồn gốc heo nói chung và quản lý nguồn gốc thực phẩm theo quy định của thành phố.
Ngoài ra, theo ông Hòa, Sở Công Thương đang đề xuất các biện pháp chế tài để việc thực hiện đạt hiệu quả hơn.